Hàng Việt dựa vai 'người khổng lồ' ra thế giới
Phần lớn hàng Việt Nam vẫn chủ yếu gia công, mang thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, con đường xuất khẩu trực tiếp qua các nhà bán lẻ hàng đầu không chỉ khẳng định thương hiệu mà còn nâng cao giá trị, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng thế giới nhanh nhất.
Nhiều nhà phân phối hàng hóa hàng đầu thế giới đang bày tỏ sự quan tâm lớn tới hàng hóa Việt Nam. Ông Christian Merizalde Aguilar, phụ trách chiến lược kinh doanh, Công ty Grupo Merica Foods cho hay, Grupo Merica Foods đang dịch chuyển kinh doanh từ Thái Lan sang Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp (DN) này sẽ nhập khẩu khoảng 110 container hàng hóa từ Việt Nam trong năm 2023, tăng khá nhiều so với năm 2022 (77 container).
'Miếng ngon không dễ ăn'
“Chất lượng hàng hóa Việt Nam ngày càng cải thiện và có tính cạnh tranh cao, vì thế tới đây, Grupo Merica Foods còn mong muốn làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất của Việt Nam để cùng xây dựng kế hoạch sản xuất, cung ứng các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường quốc tế”, ông Christian Merizalde Aguilar chia sẻ.
Là công ty đã có một số hợp tác kinh doanh thành công với DN Việt Nam, Takko (Đức) hiện cũng đang có mong muốn mở rộng kinh doanh, dịch chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm tìm kiếm thêm nhiều nhà cung cấp và kỳ vọng sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh ở Việt Nam nhiều hơn trong tương lai.
Song thực tế, để hàng Việt vào được kênh phân phối bán lẻ toàn cầu vẫn là con đường gian nan. Năm 2022, gạo thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” của Tập đoàn Lộc Trời đã chính thức lên kệ của hai hệ thống đại siêu thị Carrefour và Leclerc của Pháp.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc kinh doanh xuất khẩu của Lộc Trời cho hay, để làm được việc này, Tập đoàn mất 2 năm để đảm bảo chất lượng ổn định đúng những gì khách hàng yêu cầu: khi người châu Âu muốn mua gạo của Lộc Trời, họ phải thấy vùng trồng ở đâu.
Theo đại diện Lộc Trời, có 2 cách xuất khẩu: Một là xuất gạo dưới thương hiệu người mua, chỉ cần gạo đạt chuẩn là xuất được để tăng sản lượng, không cần biết dùng thương hiệu của ai. Hai là xuất qua kênh các đại siêu thị lớn ở nước ngoài, đi theo thương hiệu của DN. Muốn đi bằng con đường này, ông Hiếu nhấn mạnh, "luật chơi" là DN phải cam kết chất lượng ổn định, trưng bày lên kệ ở siêu thị với phương thức thanh toán 6 tháng mới trả tiền.
“Nếu kiên định đi theo luật chơi đó, đồng nghĩa DN phải đảm bảo chất lượng, tổ chức vùng trồng, khẳng định với người mua là sẽ làm đúng như những gì đã cam kết…”, ông Hiếu nói.
Theo ông Phạm Tùng Linh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty May Đức Giang, việc tham gia vào chuỗi cung ứng là một thách thức lớn đối với DN dù đã được các bạn hàng đánh giá có nhiều tiềm năng. “Các kênh phân phối lớn trên quốc tế hầu hết đã tạo được chuỗi cung ứng riêng và việc tham gia vào chuỗi và cạnh tranh với những nhà cung cấp lâu năm của họ cũng là một phần trong thách thức của DN Việt Nam”, ông Linh cho hay.
Chính vì vậy, đại diện May Đức Giang mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ cung cấp thông tin trực tiếp, kết nối gặp mặt các nhà thu mua sẽ giúp DN tiếp cận được thị trường tốt hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh, lợi thế về giá, sản phẩm để cạnh tranh tốt hơn trên thị trường thế giới.
Sức cạnh tranh cũng là vấn đề
Theo ông Paule, Phó Chủ tịch Tập đoàn Cetral Retail Việt Nam, tập đoàn này đang hỗ trợ khoảng 500 DN Việt Nam với hàng ngàn sản phẩm xuất ra nước ngoài. Tuy vậy, để khách hàng quan tâm tới sản phẩm Việt Nam, bên cạnh chất lượng thì sản phẩm phải kể được câu chuyện về văn hóa, con người và vùng đất. Đây sẽ là điểm nhận diện của sản phẩm Việt Nam so với hàng trăm, hàng ngàn món hàng khác trên kệ.
Hơn nữa, sản phẩm Việt cần chú trọng đến thương hiệu, bao bì, màu sắc… Ví dụ, khi DN bán tại Thái Lan thì cần phải hiểu thị trường Thái Lan, việc này cũng tương tự như khi DN bán tại thị trường EU hay Nhật Bản. Mỗi nước có xu hướng, thị hiếu tiêu dùng và tiêu chuẩn khác nhau. DN cần tìm hiểu để từ đó điều chỉnh sản phẩm phù hợp với thị trường muốn hướng đến.
Không chỉ đáp ứng, thích nghi với xu hướng thu mua của các kênh phân phối quốc tế, các sản phẩm của DN Việt cũng đang đối mặt sự cạnh tranh của nhiều quốc gia. Ông Radek Sorcik, Giám đốc cấp cao Mua hàng, Quản lý chất lượng và Môi trường xã hội và Quản trị của Công ty Takko chia sẻ, trong thời gian qua, Takko quan tâm tới nhóm sản phẩm tiềm năng và quan trọng trong chiến lược phát triển là quần áo thể thao, quần áo ngoài trời, áo thun, quần tây. Trong khi đó, những mặt hàng này của Việt Nam đã và đang chịu cạnh tranh nhiều với Bangladesh và Trung Quốc.
“Nếu muốn mở rộng xuất khẩu các mặt hàng này, DN Việt Nam phải tập trung đầu tư mạnh vào các nhà máy sản xuất, nguồn gốc chất lượng vải, giá thành, và tập trung nghiên cứu, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp”, ông Radek Sorcik khuyến nghị.
Ông Trần Minh Thắng , Trưởng Chi nhánh Thương vụ San Francisco (Mỹ) cũng cho biết, thị trường này đang có nhu cầu nhập hàng hóa từ Việt Nam, nhưng cũng nhận được nhiều lời chào hàng từ nhiều DN ở khắp nơi trên thế giới. Do đó, các DN Việt Nam cần kiên trì qua việc tiếp cận và chào hàng. Bên cạnh đó, các DN cần tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, kết nối với các cơ quan liên quan, tạo sự uy tín và gây dựng niềm tin của khách hàng.
Đặc biệt, người tiêu dùng thế giới đang có xu hướng chuyển dịch sang sử dụng, lựa chọn sản phẩm xanh. Điều này đòi hỏi những yêu cầu khắt khe hơn với các DN Việt nếu muốn đưa sản phẩm vào kênh phân phối ở nước ngoài.
Ông Tạ Hoàng Linh
Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương)
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các DN, hiệp hội ngành hàng Việt Nam, qua đó hỗ trợ hiệu quả hơn cho DN trong nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài và các DN sản xuất, xuất khẩu trong nước. Đồng thời, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cũng đã hướng dẫn về chính sách của các khu vực và thị trường, chẳng hạn như Mỹ, EU để các DN Việt Nam có thêm thông tin và có hướng tận dụng những cơ hội trong chuyển đổi để thâm nhập thị trường.
Ông Tetsuya Nagaiwa
Tổng giám đốc Muji Việt Nam
Chuỗi bán lẻ Muji đang đẩy mạnh thu mua và bán lẻ các nhóm mặt hàng xuất xứ từ Việt Nam là mặt hàng may mặc, đồ gia dụng và thực phẩm. Để vào được chuỗi siêu thị, hàng Việt phải vượt qua được các tiêu chuẩn khắt khe từ nguyên vật liệu tới quy trình sản xuất. Đặc biệt hơn, đáp ứng tiêu chuẩn vào được chuỗi 4 cửa hàng tại Việt Nam cũng có nghĩa đã có tấm hộ chiếu vào khoảng 1.000 cửa hàng của Muji trên toàn cầu. Sẽ có những sản phẩm là đặc sản của Việt Nam được bán ở các cửa hàng Muji toàn cầu, bởi vì hầu hết những sản phẩm này đều đạt được những tiêu chuẩn xuất khẩu ở những thị trường có tiêu chuẩn cao như Nhật Bản, châu Âu và Mỹ.
Ông Nguyễn Trung Dũng
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP DH Food
Trong một lần qua Pháp dự triển lãm, tôi có thăm một siêu thị về gia vị có quy mô rất lớn, tuy nhiên điều bất ngờ là không có sản phẩm từ Việt Nam. Chúng tôi đem thắc mắc này hỏi họ thì được biết, trước đó châu Âu có phát hiện nhiều lô rau gia vị của Việt Nam tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nên sau đó dù rau gia vị được cấp phép nhập khẩu trở lại, họ cũng không mua từ Việt Nam.