Các 'ông lớn' bán lẻ như Amazon, Costco hay Walmart đều có chuỗi riêng, doanh nghiệp Việt Nam khó chen chân nếu không có đột phá về chất lượng, năng lực cạnh tranh...
Đại diện các nhà mua hàng toàn cầu, gồm Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Amazon, Walmart (Mỹ); Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico)… sẽ đổ bộ Việt Nam tìm kiếm nhà cung ứng hàng hóa.
Vietnam International Sourcing được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 13-15/9 dự kiến thu hút 8.000 lượt khách tham quan, giao dịch với 200 đoàn quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Phần lớn hàng Việt Nam vẫn chủ yếu gia công, mang thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, con đường xuất khẩu trực tiếp qua các nhà bán lẻ hàng đầu không chỉ khẳng định thương hiệu mà còn nâng cao giá trị, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng thế giới nhanh nhất.
Nhiều tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ, bán buôn lớn trên thế giới đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, bảo đảm nguồn cung bền vững, lựa chọn Việt Nam là một trong những địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nắm bắt kịp thời xu hướng tiêu dùng của thị trường và xu hướng thu mua của các nhà mua hàng quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam kết nối hiệu quả, thúc đẩy cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng quốc tế.
Cung - cầu cùng 'tần số' hay sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu tiêu dùng là yếu tố quan trọng để hàng Việt hút đơn hàng và mở rộng hơn cánh cửa xuất khẩu.