Hàng Việt tự tin gõ cửa xứ Chùa Vàng
Lần đầu tham dự Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, thương hiệu socola và cacao MISS EDE đã làm các nhà thu mua từ Tập đoàn Central Group Thái Lan và báo chí hai nước đều bất ngờ.
Thay đổi cách tiếp cận
Tháng 11/2022, hơn 70 doanh nghiệp Việt lên đường tham dự Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, mang theo hứng khởi và niềm tin khai phá một thị trường mới.
5 ngày diễn ra Tuần hàng, sắc đỏ của dải đất hình chữ S tràn ngập trung tâm thương mại lớn nhất Thái Lan CentralwOrld. Ngoài gian hàng của các doanh nghiệp, 2 địa phương ở 2 đầu đất nước là Lào Cai và Cà Mau cũng mang đến Bangkok giới thiệu hàng loạt nông sản miền cao và hải sản miền biển cũng như quảng bá du lịch và các giá trị văn hóa vùng miền.
Lần đầu tham dự Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, thương hiệu socola và cacao MISS EDE thu hút người tiêu dùng xứ Chùa Vàng với hình ảnh cô gái Tây Nguyên xinh đẹp mang trên mình bộ váy thổ cẩm truyền thống của dân tộc Ê-đê.
Tại đây, MISS EDE đã làm được điều khiến các nhà thu mua từ Tập đoàn Central Group Thái Lan và báo chí hai nước bất ngờ: phát socola và cà phê hoàn toàn miễn phí. Điều đặc biệt là trên mỗi sản phẩm, MISS EDE đều gắn mã QR dẫn đến một khảo sát về sản phẩm. Các nhân viên của MISS EDE mời người tiêu dùng Thái Lan dùng thử sản phẩm, sau đó tham gia khảo sát về mức độ yêu thích đối với chính các sản phẩm đó. Chỉ trong một ngày, MISS EDE đã thu về hơn 100 ý kiến của khách hàng Thái Lan về sản phẩm cũng như thị hiếu của họ.
Kết quả rất khả quan, khi hơn 80% sản phẩm của MISS EDE phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Thái Lan.
Những thống kê này ngay lập tức được đội ngũ của MISS EDE đặt lên bàn kết nối kinh doanh sáng 17/11 của 5 nhà thu mua thuộc 5 ngành nghề của Central Group tại Thái Lan gồm Tops Food Hall, Tops Market, Tops CLUB, B2S OfficeMate, Central Restaurants Group - CRG trong khuôn khổ Tuần hàng.
“Buyer đã thấy trực tiếp sản phẩm, trực tiếp dùng thử ngay tại bàn đám phán, có đánh giá chủ quan riêng. MISS EDE cũng đã giải quyết nỗi lo lớn cho buyer là: sản phẩm này có phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Thái Lan hay không, giờ việc còn lại là chờ đợi thôi”, anh Hoàng Danh Hữu - người sáng lập thương hiệu MISS EDE bày tỏ sau buổi kết nối.
Xây dựng chuỗi sản phẩm bền vững
Trao đổi với báo chí, anh Hữu tự tin và tự hào về thương hiệu MISS EDE, đặc biệt về chất lượng sản phẩm.
Anh Hữu đã làm việc ở bộ phận Kinh doanh thức ăn chăn nuôi của Cargill Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Cargill - Hoa Kỳ) 8 năm. Trong quá trình làm việc, có cơ hội thường xuyên tới Tây Nguyên, anh nhận thấy cacao của Tây Nguyên có giá trị thương mại cao nếu lựa chọn được hướng đi phù hợp với nhu cầu thị trường, nhất là xu thế tiêu dùng trẻ hiện nay.
Cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 45km về phía Bắc là vùng nguyên liệu hơn 300 hecta thuộc Hợp tác xã cà phê Ea Tân, thuộc huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk với 156 thành viên. Đây là vùng canh tác cà phê đầu tiên của cả Việt Nam áp dụng mô hình canh tác bền vững theo tiêu chuẩn UTZ dưới sự tài trợ của World Bank và Simexco Dak Lak. Mô hình canh tác này nhằm giúp cân bằng giữa kế sinh nhai của nông dân, bảo vệ môi trường sống và mang lại sản phẩm cho người tiêu dùng chất lượng tốt hơn.
Đến vụ thu hoạch, kỹ sư của HTX cà phê Ea Tân sẽ thường xuyên hỗ trợ kiểm tra lượng đường, độ chín của cà phê, và khi đạt tiêu chuẩn cà phê được bà con nông dân thu hái sẽ được chính các hộ nông dân tách lựa ngay tại nhà bằng một máy tách quả chín theo công nghệ nhận diện độ cứng của vỏ quả do HTX Ea Tân tài trợ. Từ đây, nông dân sẽ có 100% cà phê chín đỏ và đóng bao chở đến nhà sơ chế của HTX cà phê Ea Tân ngay trong buổi chiều tối cùng ngày.
Với điều kiện lý tưởng như vậy, nhưng cà phê hạt của HTX Ea Tân trước giờ chỉ được dùng để xuất khẩu thô sang thị trường châu Âu.
Trăn trở về việc phát triển một chuỗi sản phẩm bền vững từ khâu canh tác của người nông dân đến khâu mua sắm của người tiêu dùng, năm 2018, anh Hoàng Danh Hữu đã quyết định từ bỏ công việc, tìm về Đắk Lắk để quyết tâm theo đuổi ước mơ “đổi đời” cho cacao Việt Nam và sáng lập thương hiệu MISS EDE thuộc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông trại EDE vào năm 2019.
Anh Hữu chia sẻ, việc một doanh nghiệp có thể tự làm các khâu trong chuỗi sản phẩm từ A đến Z chỉ phù hợp với các nước có nền nông nghiệp tập trung với diện tích canh tác siêu lớn trên một hộ nông dân. Còn EDE lựa chọn phương thức liên kết hợp tác với nông dân thông qua hợp tác xã nông nghiệp, giúp cùng lúc nhiều nông dân thực hiện chung một quy trình canh tác, thời điểm thu hoạch, công nghệ sơ chế,… và từ đó, đảm bảo đồng bộ về chất lượng của sản phẩm cà phê, ca cao.
Sau khi ký kết hợp tác với EDE, thay vì dừng ở cà phê thô, HTX Ea Tân tiếp tục tiến hành sơ chế cà phê theo 2 phương pháp là Natural và Honey, cà phê được lên men yếm khí để cho lượng đường của vỏ và vỏ nhờn của quả được lên men, giúp thay đổi hàm lượng caffein và tạo ra mùi hương đặc trưng của cà phê MISS EDE.
“Cứ như vậy, chúng tôi trở thành một trong những đơn vị tiên phong chỉ sử dụng duy nhất nguồn nguyên liệu chất lượng cao từ vùng canh tác bền vững này”, anh Hữu vừa cười vừa chia sẻ. Đây là một bước đi táo bạo với một thương hiệu cà phê mới.
Tín hiệu tích cực
Ngày 20/11, Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan kết thúc.
Ngày 21/11, MISS EDE gửi kết quả khảo sát đã thực hiện tại Thái Lan đến các nhà thu mua.
Và ngày 22/11, quay trở lại Việt Nam, tôi nhận được tin nhắn từ anh Hữu: “...sáng mở mắt nghe tiếng ting ting báo mail đến, mở ra thấy nhà mua bên Thái Hãy gửi cho chúng tôi báo giá FOB của bạn, tôi chờ email bạn phản hồi sớm, vui quá trời!”.
Vậy là, sau khi tiếp xúc với 5 nhà thu mua ở Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, đến nay đã có 2 nhà thu mua đánh giá tốt về sản phẩm của MISS EDE và gửi email yêu cầu báo giá. Đặc biệt hơn, có 1 nhà thu mua - là doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc nhiều năm nay - cũng bày tỏ sự hài lòng với sản phẩm và đang tiến hành thương lượng về giá để tiếp tục làm việc với nhà nhập khẩu tại Trung Quốc.
Không chỉ MISS EDE, hơn 70 doanh nghiệp tham gia trưng bày và kết nối giao thương tại Tuần hàng cũng thu về những kết quả tích cực, quảng bá cho những sản phẩm Việt Nam đặc trưng, thế mạnh của Việt Nam, được lựa chọn kỹ lưỡng với một số yếu tố riêng biệt như: sản phẩm có những yếu tố cải tiến vượt bậc, sản phẩm mới, tốt cho sức khỏe, có nguồn gốc từ tự nhiên, canh tác hữu cơ; sản phẩm được quản lý, truy vết chất lượng sản phẩm qua công nghệ Blockchain; sản phẩm thuộc chương trình OCOP Elite; sản phẩm thuộc chương trình trọng điểm, kinh tế tuần hoàn…
Đánh giá cao sự đa dạng và độc đáo của các sản phẩm mà doanh nghiệp Việt mang đến Tuần hàng quảng bá, bà Yada Sirichote - Quản lý Danh mục cung ứng đặc sản, Central Food Retail (Thái Lan) cho biết trong 17 doanh nghiệp bà đã tiến hành trao đổi, kết nối, có đến 7 doanh nghiệp thu hút sự quan tâm và cho thấy tiềm năng hợp tác với Central Food Retail.
“Chúng tôi thực sự rất bất ngờ với sự thay đổi của các doanh nghiệp Việt Nam sau mỗi lần tổ chức Tuần hàng. Các doanh nghiệp ngày càng chuyên nghiệp, có những doanh nghiệp đã xuất khẩu đến 10 quốc gia, thậm chí có những sản phẩm thảo dược hay gia vị mà doanh nghiệp tôi chưa gặp bao giờ”, bà Yada Sirichote chia sẻ.
Tất nhiên, để đi đến chính thức hợp tác, ký kết hợp đồng có lẽ các doanh nghiệp Việt còn phải trải qua một chặng đường dài. Tuy nhiên, những trải nghiệm thu được tại Tuần hàng Thái Lan tại Việt Nam có lẽ sẽ là quan trọng hơn cả để doanh nghiệp hiểu được thị hiếu người tiêu dùng quốc tế, hiểu được cách làm việc của nhà mua hàng nước ngoài, nhìn nhận được những lợi thế và hạn chế của sản phẩm, thương hiệu và để sự điều chỉnh, hoàn thiện, để chinh phục thêm nhiều thị trường.