Hàng xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với 228 vụ kiện phòng vệ thương mại
Tính đến tháng 5/2023, hàng xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với 228 vụ kiện phòng vệ thương mại, trong đó, Mỹ đang đứng số 1 về số lượng, với 53 vụ kiện.
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), số liệu cập nhật đến tháng 5/2023, Việt Nam đã phải đối mặt với 228 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu, riêng 6 năm gần đây nhất (tính từ năm 2017 đến nay), Việt Nam phải đối diện với 116 vụ việc. Trong đó, các sản phẩm thường xuyên bị điều tra là thép, gỗ, sợi…
Phân theo quốc gia, hiện Mỹ đang đứng số 1 với 53 vụ kiện; tiếp theo là Ấn Độ (30 vụ); Thổ Nhĩ Kỳ (25 vụ); Canada (18 vụ); Australia (18 vụ); EU (14 vụ); Philippines (13 vụ).
Phân theo loại hình: điều tra chống bán phá giá đứng vị trí số 1 với 126 vụ việc, đứng thứ 2 là điều tra tự vệ với con số 46; điều tra về chống lẩn tránh 33 vụ; điều tra chống trợ cấp 23 vụ.
Theo bà Nguyễn Trang Nhung, Phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài (Cục Phòng vệ thương mại), Bộ Công Thương đã tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với hành vi gian lận thương mại về xuất xứ; kiểm tra thực tế hàng hóa tại một số doanh nghiệp có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu; thường xuyên cập nhật danh sách cảnh báo sớm.
Cơ quan hải quan cũng đã tăng cường kiểm tra gian lận xuất xứ và xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm tăng cường kiểm tra, phát hiện các vụ việc gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Trước thực tế trên, bà Nhung khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, ngăn chặn, tránh để hành vi của một vài doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
Đồng thời, doanh nghiệp cần trang bị những kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại; thường xuyên theo dõi, trao đổi thông tin với hiệp hội, nhà xuất khẩu và cơ quan quản lý nhà nước; dự trù việc thuê luật sư khi cần thiết; xem xét tham gia vụ việc một cách tích cực, đầy đủ; xây dựng hệ thống quản trị, kế toán đầy đủ và rõ ràng.
Về phía các hiệp hội cần phát huy vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp trong ngành, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý; đại diện bảo vệ lợi ích chung của ngành.