Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có một "hành động âm thầm" liên quan tới việc Phần Lan muốn gia nhập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương - NATO, tờ Baijihao nhận xét.
Cách đây vài ngày, Phần Lan đã chính thức tuyên bố sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO. Cùng với họ, Thụy Điển - quốc gia trước đây có tư tưởng trung lập cũng đã quyết định gia nhập liên minh quân sự này.
Xét đến thực tế sự gần gũi giữa khu vực Baltic và biên giới của Nga, rõ ràng các nước Scandinavia đang thực hiện một bước đi chính xác nhằm chống lại Liên bang Nga.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một sự thách thức đối với Nga. Do đó, tất cả mọi người đều đang nhìn vào Tổng thống Putin, tự hỏi ông ấy sẽ phản ứng như thế nào trước tình huống như vậy”, các nhà phân tích Trung Quốc viết.
Theo ý kiến của họ, phản ứng của nhà lãnh đạo Nga là nhanh chóng nhưng đầy hấp dẫn. Ông Putin nói rằng giữa Moskva và hai quốc gia này (Phần Lan và Thụy Điển) không có vấn đề về tranh chấp và xung đột, do đó việc các nước trên gia nhập NATO sẽ không gây ra mối đe dọa trực tiếp với Nga.
Tuy nhiên việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của Liên minh Bắc Đại Tây Dương vốn khiến Nga lo ngại. Nói cách khác, nếu vũ khí NATO xuất hiện trên lãnh thổ của các thành viên mới, Nga sẽ ngay lập tức đưa ra câu trả lời.
Các chuyên gia Trung Quốc lưu ý rằng cuộc điện đàm của Tổng thống Phần Lan Sauli Niiniste với người đồng cấp Nga Vladimir Putin còn đáng quan tâm hơn. Hai nguyên thủ quốc gia đã nói chuyện một ngày trước khi Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO.
Theo Tổng thống Niiniste, ông Putin tỏ ra bình tĩnh một cách đáng ngạc nhiên trước những lời nói về triển vọng trở thành thành viên NATO của Phần Lan và không dùng đến bất kỳ lời đe dọa nào.
“Có tin đồn trên khắp thế giới rằng Phần Lan và Nga có thể đã đạt được một thỏa thuận nào đó, vì vậy Tổng thống Putin tỏ ra khá bình tĩnh. Nhưng có phải thực sự như vậy", tờ Baijiahao đặt câu hỏi.
Các nhà báo Trung Quốc cho rằng Tổng thống Putin đã kiềm chế không nói ra những lời khó nghe, họ tin rằng ông Putin hiểu rằng bây giờ nói điều gì đó với Phần Lan cũng khó mang lại tác dụng, hành động sẽ hiệu quả hơn nhiều.
“Vài ngày trước có tin Nga bắt đầu đưa tên lửa đạn đạo Iskander tới biên giới Phần Lan. Nó có nghĩa là gì? Điều này cho thấy thay vì đe dọa bằng lời nói, Nga thích giương cao tên lửa để thể hiện quyết tâm”, ấn phẩm Trung Quốc đưa ra giả thuyết.
Tuy nhiên, Quân khu phía Tây (ZVO) phủ nhận thông tin về việc chuyển thiết bị quân sự tới biên giới Nga - Phần Lan, họ lưu ý rằng không có hệ thống tên lửa Iskander nào ở Vyborg thuộc vùng Leningrad.
Mặc dù vậy, một thời gian sau, các chuyên gia quân sự của Liên bang Nga bắt đầu nhận định rằng sườn phía Tây Bắc của Nga vẫn có thể được tăng cường bởi Iskander, cũng như các hệ thống phòng không S-400 và Bastion.
Theo các nhà phân tích Trung Quốc, tin tức về Iskander có thể là một gợi ý rằng Nga sẵn sàng thực hiện bước đi như vậy nếu vũ khí NATO xuất hiện trên lãnh thổ Phần Lan, việc triển khai quân sự của Liên minh gần St.Petersburg chắc chắn sẽ trở thành ranh giới đỏ đối với Nga.
“Ngay khi Phần Lan hoặc NATO vượt qua ranh giới này, tên lửa Iskander chắc chắn sẽ được chuyển tới biên giới và sẽ rất hữu ích đối với người Nga”, các nhà quan sát của ấn bản Trung Quốc tin chắc.
Đối với lập trường của ông Putin về việc Helsinki trở thành thành viên NATO, tờ Baijihao cho rằng Tổng thống Nga hoàn toàn không phải cnói suông, mặc dù giữ im lặng nhưng luôn sẵn sàng hành động để bảo vệ an ninhđất nước mình.
Việt Dũng