Hành động bí hiểm của 15 công ty dầu mỏ quốc tế tại châu Phi

Từ năm 1970 - 2020, tỷ trọng khí đốt tự nhiên trong cơ cấu năng lượng của châu Phi đã tăng từ 1,8% lên 29,6%. Ngoài lợi ích của các ông trùm dầu mỏ, chính phủ của các nước châu Phi còn coi năng lượng này là giải pháp trung hạn để giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng tại lục địa này.

Mỏ khai thác ngoài khơi bờ biển châu Phi

Mỏ khai thác ngoài khơi bờ biển châu Phi

Theo một nghiên cứu được công bố vào ngày 24/8, được báo The Guardian tiếp cận, hơn 15 công ty dầu khí quốc tế đang tham gia vào các hoạt động vận động hành lang ở cấp độ cao nhất nhằm gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn ở châu Phi.

Nghiên cứu do InfluenceMap thực hiện, vốn đã theo dõi các hoạt động vận động trong ngành LNG ở châu Âu kể từ năm 2021, cho thấy các tổ chức đang tiến hành một chiến dịch gây ảnh hưởng trên nhiều phương diện, giúp châu Phi có thể tiếp tục sản xuất khí đốt tự nhiên quy mô lớn để xuất khẩu sang châu Âu.

Theo nghiên cứu, chiến dịch vận động của các công ty này sẽ diễn ra theo 3 giai đoạn riêng biệt: thúc đẩy thăm dò khí đốt và cơ sở hạ tầng LNG ở châu Phi; chiến dịch vận động ủng hộ nhập khẩu và xây dựng các cơ sở hạ tầng LNG ở châu Âu; cuối cùng là vận động hành lang chống lại các chính sách của châu Âu nhằm giảm sử dụng khí hóa thạch.

Theo báo cáo, các công ty có quyền lựa chọn dựa trên những dữ liệu từ Global Energy Monitor. Bên cạnh đó, mỗi công ty đều có cơ sở hạ tầng LNG mới được đề xuất hoặc đang được xây dựng ở châu Phi (như Mauritania và Mozambique, cùng với các nước khác), hoặc ở EU. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp của BP và TotalEnergies, 2 trong số 15 đối tượng đang được nghiên cứu.

Nghiên cứu trên được công bố vài ngày sau khi 16 quốc gia Nam Phi phê duyệt một chương trình đầu tư trị giá 17 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng khí đốt trong vài năm tới.

Ý Thiên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/hanh-dong-bi-hiem-cua-15-cong-ty-dau-mo-quoc-te-tai-chau-phi-692669.html