Hành động chống biến đổi khí hậu trước khi quá muộn
Những hiện tượng thời tiết cực đoan ở mức kỷ lục đang xảy ra với tần suất thường xuyên từ đầu năm tới nay cho thấy biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn so với dự báo. Điều này đòi hỏi nỗ lực chung toàn cầu, hành động mạnh mẽ và quyết liệt hơn nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái đất nóng lên.
Thời tiết cực đoan đang trở thành “bình thường mới”
Thế giới đang chứng kiến một mùa hè ở Bắc bán cầu - từ châu Âu tới Bắc Mỹ - có những diễn biến bất thường chưa từng thấy, với những đợt nắng nóng, lũ lụt và cháy rừng xảy ra liên tục. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tuần kể từ đầu tháng 7 đến nay, hàng loạt kỷ lục về thời tiết khắc nghiệt đã bị phá vỡ.
Tại Bắc Mỹ, khu vực phía Nam và Tây Nam nước Mỹ đang chống chọi với đợt nắng nóng dai dẳng và gay gắt chưa từng thấy. Trong 20 ngày liên tiếp, nhiệt độ tại thành phố Phoenix, bang Arizona, luôn cao từ 43,3 độ C trở lên, khiến người mắc bệnh liên quan đến thời tiết nắng nóng nằm chật kín các khoa cấp cứu.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, khu vực Nam Âu cũng hứng chịu một trong những đợt nắng nóng gay gắt nhất trong lịch sử, làm nhiều đám cháy rừng bùng phát tại Hy Lạp, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ.
Trong khi đó, tại châu Á, Nhật Bản vào sáng 17-7 vừa qua đã ghi nhận nhiệt độ 39,7 độ C ở thành phố Kiryu, tỉnh Gunma trên Honshu, cũng là đảo lớn nhất và đông dân nhất Nhật Bản. Mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận tại Nhật Bản là 41,1 độ C ở thành phố Kumagaya, tỉnh Saitama, năm 2018. Nắng nóng gay gắt làm gia tăng các trường hợp bị say nắng ở nhóm người cao tuổi Nhật Bản, vốn chiếm 28% dân số. Cùng ngày 17-7, tại Trung Quốc cũng đã ghi nhận nhiệt độ lên tới hơn 50 độ C, thậm chí có nơi như thị trấn Sanbao ở Tân Cương ghi nhận nhiệt độ kỷ lục 52,2 độ C.
Sự cực đoan thời tiết còn thể hiện ở chỗ cùng với sóng nhiệt rất cao là những đợt mưa lũ kinh hoàng gây ngập lụt, lũ quét, lở đất và mất điện nhiều khu vực ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… làm đảo lộn cuộc sống của hàng triệu người. Hiện tượng thời tiết cực đoan cũng đồng thời được ghi nhận ở nhiều khu vực khác ở châu Á, như tại Philippines và Campuchia, nơi lũ lụt khiến giao thông gián đoạn ở các thành phố lớn như Manila và Phnom Penh. Ngay tại Nhật Bản, đối lập với nắng nóng chạm ngưỡng kỷ lục là mưa lớn kỷ lục ở khu vực Tây Nam đất nước Mặt trời mọc, gây ra lũ lụt nghiêm trọng và khiến ít nhất 6 người thiệt mạng. Mưa lớn tới mức người phát ngôn Cơ quan Khí tượng Nhật Bản phải kêu gọi người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng cảnh giác cao độ bởi “chúng tôi chưa thấy mưa lớn như vậy bao giờ”.
Theo Đài quan sát khí hậu của Liên minh châu Âu (EU), thế giới đang trên đà trải qua tháng 7 nóng nhất kể từ khi cơ quan này bắt đầu ghi nhận nhiệt độ. 15 ngày đầu tiên của tháng 7 là 15 ngày nóng nhất từng ghi nhận, do vậy tháng 7 này có thể trở thành tháng 7 nóng nhất.
Những hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra với tần xuất liên tục trong bối cảnh biến đối khí hậu diễn biến nhanh hơn dự tính đã dẫn tới những đánh giá cho rằng, những điều bất thường trước đây đang trở thành “bình thường mới”. Trong thông cáo được công bố ngày 18-7, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) Petteri Taalas đã gọi đợt thời tiết khắc nghiệt kéo dài hiện nay là “trạng thái bình thường mới”. Dù chưa đồng tình với nhận định này, song nhà khoa học khí hậu và Giáo sư tại Đại học Reading (Anh) Hannah Cloke cho rằng: “Chúng ta sẽ không biết tương lai sẽ ra sao cho đến khi chúng ta ngừng thải khí nhà kính vào không khí”.
Quyết liệt chống biến đối khí hậu
Các chuyên gia khí tượng cho rằng, thế giới đang trải qua giai đoạn thời tiết cực đoan diễn ra liên tục do tác động của biến đối khí hậu “cộng hưởng” tới hiện tượng El Nino. Điều này khiến nhiệt độ trung bình bề mặt Trái đất cao hơn gần 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, gây ra các đợt nóng gay gắt hơn, hạn hán nghiêm trọng hơn và các cơn bão mạnh hơn do nước biển dâng. WMO nhấn mạnh, tình trạng nắng nóng hiện nay cho thấy rõ tính cấp bách của việc chống biến đổi khí hậu, điều quan trọng nhất là giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái đất nóng lên.
“Thủ phạm” hàng đầu làm Trái đất nóng lên là khí thải từ nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt tự nhiên… Tuy nhiên, đang tồn tại một thực tế đáng buồn là dù than đá - loại nhiên liệu gây ô nhiễm và nguồn phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính hàng đầu, nhưng chưa bao giờ con người lại đốt cháy nhiều than đá như thời gian qua. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính, năm 2022, thế giới đã tiêu thụ hơn 8 tỷ tấn than, tăng 1,2% so năm trước đó và vượt mức kỷ lục được thiết lập năm 2013. Giám đốc phụ trách các thị trường và an ninh năng lượng của IEA Keisuke Sadamori cho rằng, thế giới đang tiến gần đến mức đỉnh điểm về tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.
Theo số liệu của Liên Hợp quốc, việc đốt nhiên liệu hóa thạch là nguồn chính tạo ra khí CO2 và là yếu tố đóng góp lớn nhất vào biến đổi khí hậu, chiếm gần 75% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Trong đó, than đá tạo ra lượng khí thải nhà kính nhiều nhất, gấp đôi so với khí tự nhiên. Thế nên, một trong những nhân tố then chốt để cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thành công là giảm sử dụng than đá trong sản xuất năng lượng.
Điều gì sẽ xảy ra nếu thế giới không cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến biến đổi khí hậu trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất với con người và môi trường? Trong bản báo cáo cập nhật khí hậu hàng năm, WMO cho biết, trong giai đoạn từ năm 2023 - 2027, có tới 66% khả năng nhiệt độ Trái đất sẽ tăng lên trên mức 1,5 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp trong ít nhất 1 năm của giai đoạn 5 năm sắp tới. Có 98% khả năng là ít nhất 1 năm trong giai đoạn 5 năm tới, và cả giai đoạn 5 năm nói chung, sẽ ghi nhận mức nóng kỷ lục đối với thế giới.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu tiếp tục gia tăng sẽ khiến thời tiết cực đoan ngày càng thường xuyên hơn. Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, thế giới vẫn còn thời gian để ngăn chặn những kịch bản tồi tệ nhất. Trong đó, việc giảm lượng khí thải nhà kính thải vào khí quyển, bằng cách hạn chế tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch sẽ là điều quan trọng nhất mà các quốc gia cần nỗ lực thực hiện để điều hòa các hiện tượng thời tiết cực đoan. Theo giáo sư Michael E. Mann, nhà khoa học khí hậu nổi tiếng tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), các nghiên cứu khoa học mới nhất cho thấy rằng, sự gia tăng nhiệt độ Trái đất sẽ dừng lại gần như ngay lập tức sau khi thế giới ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch.
Bởi thế, Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) diễn ra vào cuối năm nay ở Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) là cơ hội để các quốc gia, cộng đồng quốc tế chứng tỏ hành động quyết liệt, mạnh mẽ chống biến đối khí hậu bằng các cam kết cụ thể.