Hành động để phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa

Ngày Môi trường thế giới 5/6 do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động, được Việt Nam hưởng ứng từ năm 1982, đến nay đã trở thành phong trào rộng khắp trên phạm vi cả nước, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường (BVMT), bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Năm 2024, với chủ đề

Ngày Môi trường thế giới 5/6 do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động, được Việt Nam hưởng ứng từ năm 1982, đến nay đã trở thành phong trào rộng khắp trên phạm vi cả nước, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường (BVMT), bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Năm 2024, với chủ đề "Phục hồi đất chống hạn hán và sa mạc hóa", cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh tiếp tục xác định nâng cao nhận thức, coi nội dung phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa là một nội dung không thể tách rời của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và là nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển bền vững.

Đoàn viên, thanh niên xã Chiềng Châu (Mai Châu) dọn dẹp vệ sinh môi trường tuyến đường vào bản Lác.

Đoàn viên, thanh niên xã Chiềng Châu (Mai Châu) dọn dẹp vệ sinh môi trường tuyến đường vào bản Lác.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường, 2 đợt rét đậm trên diện rộng; 12 đợt nắng nóng diện rộng và nhiều ngày nắng nóng cục bộ, nóng gay gắt, đặc biệt gay gắt; 12 đợt mưa lớn diện rộng và các ngày cục bộ có mưa vừa, mưa to. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai ước trên 129 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2023 cũng là năm ghi nhận kỷ lục nắng nóng kéo dài diện rộng khiến nhiều sông, suối trên địa bàn tỉnh rơi xuống mực nước chết. Tình trạng này có nguy cơ lặp lại trong năm 2024, bởi theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hòa Bình, mùa Hè năm nay tiếp tục nắng nóng, nguy cơ hạn hán, thiếu nước diễn ra trên diện rộng.

Đồng chí Phạm Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục BVMT cho biết: Chưa bao giờ nguy cơ về xói mòn đất, hạn hán và sa mạc hóa lại hiện hữu rõ ràng như hiện nay. Theo Công ước của Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa, có tới 40% diện tích đất trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu (44 nghìn tỷ USD). Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000, nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050. Ngày Môi trường thế giới 5/6 năm 2024 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động với chủ đề "Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa”, nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình BĐKH, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.

Xác định BVMT là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế bền vững, tỉnh Hòa Bình tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm BVMT, chống BĐKH. Trong đó, tập trung triển khai Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành; các chương trình, nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Trung ương và của tỉnh về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; giảm phát thải khí nhà kính; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon.

Tập trung rà soát, phân loại, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường đất; điều tra, đánh giá khu vực đất bị ô nhiễm, có nguy cơ ô nhiễm đảm bảo các khu vực này phải được khoanh vùng; xây dựng và thực hiện kế hoạch xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường đất bị ô nhiễm theo quy định; có biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu tối đa quá trình sa mạc hóa, hạn hán trên địa bàn.

Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương và tạo điều kiện cho người dân tham gia tiếp cận với thông tin, kỹ thuật phòng tránh khô hạn và hoang mạc hóa. Bổ sung nguồn kinh phí, nhân lực, phương tiện dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn của Trung ương và địa phương trong việc chống sa mạc hóa và hạn hán.

Đẩy mạnh hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, phát triển sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ hoặc bị sa mạc hóa, bên cạnh đó nghiên cứu, áp dụng những giải pháp tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước và bảo vệ bề mặt của đất.

Nâng cao nhận thức, coi nội dung phục hồi đất, chống hạn hán, sa mạc hóa là một phần không thể tách rời của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, là nhiệm vụ quan trọng của quá trình phát triển bền vững gắn chặt với các chương trình, dự án, sáng kiến có liên quan tới BĐKH, giảm nhẹ thiên tai và phát triển sinh kế bền vững.

Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp (đặc biệt là hoạt động chăn nuôi, canh tác nông nghiệp).

Triển khai thực hiện đồng bộ phân loại rác thải tại nguồn theo hướng dẫn tại Quyết định số 1792/QĐ-UBND, ngày 4/8/2023 của UBND tỉnh. Việc phân loại rác thải tại nguồn phải được thực hiện chậm nhất ngày 31/12/2024, đảm bảo chất thải phát sinh phải được xử lý đáp ứng các yêu cầu về BVMT, quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về chất thải tương ứng trước khi thải ra môi trường, đặc biệt nghiêm cấm việc xả thải không đúng quy định ra môi trường đất.

Đẩy mạnh áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững nhằm hạn chế tối đa quá trình sa mạc hóa, ứng phó, thích ứng với BĐKH.

Triển khai nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc phục hồi đất, chống hạn hán, sa mạc hóa, đặc biệt là những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của hiện tượng hạn hán, sa mạc hóa. Phát hiện, biểu dương, khen thưởng kịp thời tổ chức, cá nhân và cộng đồng, doanh nghiệp có thành tích, sáng kiến tiêu biểu trong hoạt động BVMT, ứng phó với BĐKH, bảo vệ tài nguyên của đất nước.

Phương Linh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/189914/hanh-dong-de-phuc-hoi-dat,-chong-han-han-va-sa-mac-hoa.htm