Hành động giúp chàng trai sống sót trong vụ cháy nhà ở TP.HCM

Đang ngủ, anh C. nghe tiếng hét thất thanh báo cháy. Lúc giật mình tỉnh dậy, nam thanh niên đã thấy khói đen nghịt bốc lên từ cầu thang.

Đám cháy nhà 4 tầng làm hai người tử vong ở TP.HCM Đám cháy lớn căn nhà 4 tầng với 20 phòng trọ cho thuê gần Trung tâm Triển lãm và Hội chợ Tân Bình, TPHCM khiến hai người tử vong, nhiều người bị thương phải nhập viện.

Rạng sáng 20/12, người dân phát hiện căn nhà 4 tầng trên đường Xuân Hồng (phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM) bốc cháy. Nhiều người hô hoán, tìm cách dập lửa nhưng không thành.

Đội Cảnh sát PCCC - Cứu nạn - Cứu hộ Công an quận Tân Bình đã điều động nhiều phương tiện và cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường để dập lửa. Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM cũng huy động5 xe cấp cứu và 5 kíp cấp cứu ngoại việnnhanh chóng có mặt, tham gia cứu hộ.

Người dân cho biết khu trọ này có khoảng 20 phòng. Thời điểm xảy ra cháy, một số người đã kịp chạy thoát ra ngoài, 16 người thương vong.

Nhảy qua lan can tìm đường thoát

Đang điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất, anh N.C. (22 tuổi) cho biết mới thuê trọ vài tháng tại căn nhà này.

Sáng nay, khi đang ngủ, anh giật mình vì nghe tiếng hô cháy và phát hiện khói bốc lên từ cầu thang. Nghe thấy tiếng kêu cứu từ phòng dưới vọng qua cửa sổ, nhưng vì sợ khói ùa vào, anh không dám mở cửa.

"Tôi chỉ kịp chạy vào nhà vệ sinh, lấy quần áo nhúng nước, che mũi và miệng. Sau đó, tôi mở cửa chạy lên trên và nhảy qua lan can nhà hàng xóm", anh C. kể lại.

Theo anh C., căn nhà có 4 tầng, mỗi tầng có khoảng 4 đến 5 phòng, diện tích mỗi phòng khoảng 20 đến 25 m², được cho thuê với giá 2,9 triệu đồng/tháng. Tòa nhà không có lối thoát hiểm, chỉ có một cầu thang để di chuyển giữa các tầng. Tầng trệt của tòa nhà được dùng làm nơi để xe máy, lối đi lại nhỏ hẹp, gây khó khăn khi di chuyển trong tình huống khẩn cấp

Bác sĩ Nguyễn Thụy Trang, Trưởng khoa Cấp cứu, cho biết khoảng 7 giờ đến 8 giờ sáng nay, khoa tiếp nhận 13 nạn nhân. Trong đó, một số người bị thương nặng. Các bệnh nhân chủ yếu bị ngạt khí CO và bỏng đường hô hấp.

 Bệnh nhân C. đang được cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất. Ảnh: Phan Pháp.

Bệnh nhân C. đang được cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất. Ảnh: Phan Pháp.

Các bác sĩ đã dùng oxy và đặt ống thở để bảo vệ đường thở, đồng thời điều trị chống phù nề cho các bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân gặp nạn, có 3 trường hợp nguy kịch được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Các trường hợp nhẹ hơn, chủ yếu gồm chấn thương ngoài da và bỏng nhẹ, được chuyển đến các khoa Nội hô hấp, Cơ xương khớp, Tim mạch và Ngoại chấn thương để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Bỏng đường hô hấp và ngạt khí

Theo bác sĩ Nguyễn Duy Cường, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, các bác sĩ vẫn đang theo dõi sát tình trạng ngạt khí và đánh giá mức độ bỏng đường hô hấp do nhiệt và khí độc.

Với 3 bệnh nhân nặng, bác sĩ Cường cho biết 2 người trong tình trạng rất nguy kịch, phải hỗ trợ hô hấp xâm lấn và đặt nội khí quản. Các bác sĩ đã tiến hành nội soi phế quản để đánh giá mức độ ngạt khí và bỏng đường hô hấp.

Dù chưa thể đánh giá chính xác mức độ bỏng, nội soi cho thấy đường thở bệnh nhân bị tắc nghẽn bởi chất nhầy và bụi, gây ngạt khí nghiêm trọng. Sau khi bơm rửa, tình trạng của bệnh nhân cải thiện phần nào nhưng vẫn rất nặng.

Hiện các bệnh nhân này tiếp tục được hỗ trợ hô hấp qua máy thở và điều trị tích cực. Bác sĩ cho biết quá trình điều trị sẽ tập trung vào việc chống nhiễm khuẩn và xử lý bỏng theo từng giai đoạn tiếp theo.

 PGS.TS Lê Đình Thanh (ngoài cùng bên trái), Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, trực tiếp chỉ đạo công tác tiếp nhận và điều trị cho người bệnh. Ảnh: Phan Pháp.

PGS.TS Lê Đình Thanh (ngoài cùng bên trái), Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, trực tiếp chỉ đạo công tác tiếp nhận và điều trị cho người bệnh. Ảnh: Phan Pháp.

Bệnh nhân còn lại đang được hỗ trợ thở oxy dòng cao. Bệnh nhân tỉnh táo, hô hấp và huyết áp ổn định. "Chúng tôi tiếp tục theo dõi tình trạng ngộ độc CO và sẽ đánh giá lại mức độ phục hồi trong những ngày tới", bác sĩ Nguyễn Duy Cường cho biết.

Các bác sĩ khuyến cáo khi xảy ra cháy, cần sơ tán nạn nhân khỏi khu vực nguy hiểm do đây là vùng có nồng độ khí CO cao. Lực lượng cứu hộ cần được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ để đảm bảo an toàn trong quá trình tiếp cận hiện trường.

Sau khi sơ tán, cần đưa nạn nhân đến khu vực thoáng mát và gọi cấp cứu ngay lập tức để nhận được hỗ trợ y tế. Đặc biệt, cần xác định trường hợp nặng và có biện pháp cấp cứu kịp thời. Trong trường hợp nạn nhân ngừng tim, ngừng thở, cần thực hiện ngay các biện pháp hồi sức tim phổi (CPR).

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/hanh-dong-giup-chang-trai-song-sot-trong-vu-chay-nha-o-tphcm-post1519312.html