Vợ cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết gây bất ngờ trước phiên tòa phúc thẩm

Trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) đã nộp khắc phục, bồi thường thêm 353 tỷ đồng. Và người đứng ra nộp thay bị cáo Quyết hàng trăm tỷ đồng chính là vợ cựu Chủ tịch FLC.

Không yêu cầu bồi thường vì không biết bị lừa

Như ANTĐ thông tin, ngày 26-12 tới đây, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “Thao túng chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo đơn kháng cáo của 25 bị cáo và nhiều bị hại, người liên quan khác.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm cùng thông báo kháng cáo, ngoài 25 bị cáo, còn có 134 bị hại và 384 người liên quan có đơn kháng cáo với các nội dung xin giảm hình phạt; xin giảm hoặc miễn trách nhiệm bồi thường dân sự; gỡ phong tỏa tài sản và kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC bị dẫn giải đến phiên tòa sơ thẩm.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC bị dẫn giải đến phiên tòa sơ thẩm.

Ngay trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, ngày 13-12 vừa qua, vợ cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã nộp 203 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho chồng. Đến ngày 19-12, vợ bị cáo Quyết tiếp tục nộp thêm 150 tỷ đồng nữa. Nâng tổng số tiền bị cáo Quyết khắc phục thêm là 353 tỷ đồng.

Tại giai đoạn sơ thẩm, bị cáo Trịnh Văn Quyết được ghi nhận là đã bồi thường, khắc phục 237 tỷ đồng. Do đó tính đến thời điểm này, tổng số tiền mà cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã bồi thường, khắc phục hậu quả là 590 tỷ đồng.

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Trịnh Văn Quyết phải bồi thường cho các nhà đầu tư (bị hại) mua cổ phiếu ROS là 1.364 tỷ đồng, phải truy nộp số tiền 500 tỷ đồng do thao túng chứng khoán. Tổng số tiền phải khắc phục là 1.864 tỷ đồng. Bản án sơ thẩm ghi nhận gia đình bị cáo đề nghị dùng toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả cho Trịnh Văn Quyết.

Về vấn đề bồi thường cho các nhà đầu tư, trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, Tòa sơ thẩm triệu tập hơn 30.000 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS của Công ty Faros trong phiên chào sàn với tư cách bị hại. Ngoài ra, hơn 63.000 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ROS được triệu tập với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Tuy nhiên, thực tế nhiều nhà đầu tư sau khi mua cổ phiếu ROS đã bán, có người mua bán nhiều lần, cổ phiếu bị trộn lẫn trong các lần giao dịch sau đó. Có nhà đầu tư thì đã bán hết cổ phiếu nên không có yêu cầu bồi thường và có những nhà đầu tư không biết bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên không yêu cầu bồi thường.

Dành quyền khởi kiện cho các bị hại

Theo bản án sơ thẩm, trong số hơn 30.000 bị hại này, xác định được 133 bị hại và còn nắm giữ cổ phiếu ROS trong lần bán ra ban đầu. Có 85 người gửi đơn tới tòa án xác nhận đã nhận đủ tiền bồi thường từ gia đình bị cáo Trịnh Văn Quyết.

Trịnh Minh Huế (đeo kính, hàng trên) và các bị cáo liên quan tại phiên tòa sơ thẩm.

Trịnh Minh Huế (đeo kính, hàng trên) và các bị cáo liên quan tại phiên tòa sơ thẩm.

Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, 27.866 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ROS có yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Tòa sơ thẩm xác định, một cổ phiếu ROS mệnh giá 10.000 đồng có hơn 7.200 đồng là vốn khống, không có thật nên buộc các bị cáo bồi thường phần vốn góp khống là 7.200 đồng/cổ phiếu cho các bị hại là nhà đầu tư đã mua cổ phiếu ROS ban đầu.

Quá trình hoạt động, Công ty Faros đã 2 lần tăng vốn, phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức. Do đó, tỷ lệ vốn khống trong mỗi cổ phiếu Faros giảm bớt, chỉ còn hơn 5.400 đồng.

Công ty Faros vẫn đang hoạt động, cổ phiếu ROS đang lưu hành, chỉ bị hủy niêm yết. Do đó, buộc các bị cáo phải bồi thường phần vốn khống 5.400 đồng/cổ phiếu cho những người liên quan là các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS về sau.

Đối với các bị hại, người liên quan chưa có yêu cầu bồi thường trong vụ án này, Tòa sơ thẩm dành quyền khởi kiện cho họ khi có yêu cầu.

Với các nhà đầu tư đã bán cổ phiếu ROS cho các nhà đầu tư khác, họ có thể tự thỏa thuận với bên mua về việc hoàn trả giá trị bị nâng khống. Nếu không thỏa thuận được có quyền đề nghị giải quyết bằng vụ án dân sự khác.

Về nội dung kháng cáo trong vụ án, bị cáo Trịnh Văn Quyết kháng cáo xin giảm nhẹ mức án phạt tù và xin xem xét, giảm trách nhiệm bồi thường dân sự. Hai em gái bị cáo Quyết là Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga cũng kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đồng thời đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét lại phần bồi thường, khắc phục hậu quả.

Liên quan, bị cáo Lê Công Điền (cựu Vụ trưởng Vụ giám sát công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo. Bị cáo Trầm Tuấn Vũ (cựu Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Theo thông báo kháng cáo, ông Lê Hải Trà (cựu Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM) và bị cáo Trần Đắc Sinh (cựu Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM) không kháng cáo. Hai ông này lần lượt bị Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 5 năm tù và 6 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Bùi Vinh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vo-cuu-chu-tich-flc-trinh-van-quyet-gay-bat-ngo-truoc-phien-toa-phuc-tham-post598952.antd