Hành động khẩn cấp chặn đường rủi ro
Khoảng 350 nghìn tỷ đồng đã quyết đưa vào nền kinh tế và phải 'tiêu' hết chỉ trong hai năm 2022, 2023, đây được ví như 'con dao hai lưỡi', tạo ra tăng trưởng nhưng nguy cơ nợ xấu, lạm phát bủa vây. Chặn đường rủi ro, Quốc hội, Chính phủ cùng ra mệnh lệnh: Hành động khẩn cấp.
Thi hành ngay lập tức
Để quyết được việc chi 350 nghìn tỷ đồng này, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội đã thu nhận được kỷ lục về số lượt đại biểu Quốc hội phát biểu. Chỉ tính riêng phiên thảo luận tại tổ về nội dung này đã có hơn 365 lượt đại biểu Quốc hội nêu ý kiến thẳng thắn, trí tuệ, trách nhiệm, tâm huyết. Kết quả là gần như 100% đại biểu Quốc hội nhất trí thông qua Nghị quyết về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó bổ sung nhiều nội dung được các đại biểu Quốc hội đề xuất vào Dự thảo.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị Chính phủ triển khai kế hoạch năm 2022, ngày 5/1/2022: “Điều hành quyết liệt và có hiệu quả, làm việc nào dứt điểm việc đó”.
Chẳng hạn như về chính sách miễn, giảm thuế, Nghị quyết đã bổ sung một số mặt hàng không được áp dụng mức giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng như: “công nghệ thông tin; chứng khoán; các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”; sửa đổi, bổ sung nội dung cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam “cho kỳ tính thuế năm 2022”; bổ sung nội dung hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động “có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm”; tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay “thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”…
Trong nghị quyết vừa ban hành đã bổ sung nội dung hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm.
Đặc biệt, Nghị quyết có hiệu lực thi hành ngay từ ngày 11/1/2022 đến ngày 31/12/2023; riêng đối với chính sách tài khóa quy định tại Nghị quyết được áp dụng cho năm ngân sách 2022 và 2023. Nhiều người trong giới chuyên gia - những người đã “đổ mồ hôi sôi nước mắt” góp sức cùng Quốc hội, Chính phủ thiết kế gói hỗ trợ này đều cho rằng, Quốc hội đã làm rất tốt vai trò, nhiệm vụ của mình là quyết định chính sách đúng và trúng.
Vấn đề còn lại là Chính phủ phải thực thi nhanh, đảm bảo đúng ý nghĩa của hai từ “khẩn cấp” để đưa chính sách đến đúng đối tượng, hỗ trợ để giải quyết những vấn đề cấp bách nhất, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực, hay tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi. “Nếu thực thi chính sách không tốt, không hiệu quả, sẽ là “con dao hai lưỡi”, gây ra những tác động tiêu cực” - TS. Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội các Khóa IX, XII và XIII, khẳng định.
“Đón lõng” tình huống xấu nhất
Chính phủ đã nhận diện rõ. Trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu với yêu cầu huy động nguồn lực lớn cho Chương trình khiến cho bội chi NSNN bình quân năm 2022-2023 tăng thêm khoảng 1,2% GDP mỗi năm; nợ công đến cuối năm 2025 khoảng 49-50% GDP; nợ Chính phủ 45-46%GDP; chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước có thể có năm vượt 25%, đồng thời với các tác động đó là áp lực lạm phát.
Ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Trong tổ chức thực hiện cần thận trọng, có phương án, giải pháp điều hành kịp thời, linh hoạt, phù hợp trong các tình huống xấu nhất để hạn chế tác động tiêu cực đến các cân đối vĩ mô, mặt bằng lãi suất, tỷ giá, xếp hạng tín nhiệm quốc gia; đồng thời thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi nền kinh tế trong thời gian ngắn nhất, tạo nền tảng để phát triển trong tương lai”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu rõ quyết tâm năm 2022 cơ bản giải ngân 40% tổng nguồn vốn của Chương trình, phần còn lại sẽ giải ngân trong năm 2023.
Chậm thì còn gì là khẩn cấp?
“Rủi ro chính sách là có. Vì vậy, phải phân bổ nguồn lực cho đúng, trúng, sử dụng hiệu quả, khả thi, có tính lan tỏa cao. Thời gian thực hiện chỉ có hai năm, nếu không bảo đảm triển khai nhanh, hiệu quả thì không còn là gói hỗ trợ khẩn cấp nữa”. - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Còn trong phiên thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên dẫn lại thực tế tháng 9/2021, tăng trưởng âm rất sâu, nhập siêu tới 2,75 tỷ USD, nhưng nhờ có những chính sách kích cầu, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, mở lại nền kinh tế thì tăng trưởng kinh tế rất rõ. Chỉ số phát triển công nghiệp liên tục 3 tháng cuối năm 2021 đều ở ngưỡng trên dưới 5%, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 tăng trưởng rất ngoạn mục, dự kiến đạt 670 tỷ USD, xuất siêu được 4 tỷ USD vào thời điểm 31/12/2021.
“Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ở thời điểm này không còn sớm nhưng cũng chưa phải là muộn”- ông Diên quả quyết- “tuy nhiên, phải thực hiện càng nhanh càng tốt và phải thực hiện dứt điểm, thì mới giải quyết được bài toán phục hồi và phát triển hiện nay mà không để lại hậu quả tiêu cực nào cho nền kinh tế”.
Cũng để “đón lõng” cho tình huống xấu nhất, Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện, bảo đảm đúng quan điểm, mục tiêu, công khai, minh bạch, hiệu quả, khả thi và tiến độ; không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách. Quốc hội giao UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết. Cùng với đó, Quốc hội đã giao Kiểm toán Nhà nước tổ chức thực hiện kiểm toán hằng năm việc thực hiện Chương trình, bảo đảm thực hiện nhanh, hiệu quả, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp cuối các năm 2022, 2023 và kỳ họp giữa năm 2024.
Câu chuyện “hậu trường”
Không vì ngại rủi ro mà rụt rè trong hỗ trợ vì rụt rè quá chính sách có thể không đâu vào đâu. Nghị quyết về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trước khi được Quốc hội thông qua, cũng vì thế mà trải qua nhiều ngày nâng lên đặt xuống ở hậu trường Quốc hội và Chính phủ.
Như đối với chính sách về điều chỉnh thuế VAT trong Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, ban đầu Chính phủ không đề xuất, sau đó nhận được các góp ý thì đề xuất với mức giảm thuế chỉ 1%. Tuy nhiên, giảm 1% thì không tạo được cú hích về tiêu dùng, do đó, UBTVQH thống nhất phải giảm 2%, đồng thời thu hẹp phạm vi, áp dụng cho các mặt hàng thiết yếu, lượng tiêu dùng lớn và trước mắt có thể áp dụng ngay vì sức cầu của nền kinh tế hiện đang rất yếu. Chính phủ đã tiếp thu, giảm thuế VAT 2% và áp dụng trong năm 2022.
“Các nước có điều kiện đã phát tiền trực tiếp cho dân”- Chủ tịch Quốc hội nói - “chúng ta không có điều kiện phát tiền mặt như vậy nhưng thông qua chính sách giảm thuế sẽ giúp đạt được 2 mục tiêu là vừa san sẻ gánh nặng cho người dân, vừa kích cầu nền kinh tế. Cũng không quá lo lắng giảm thuế thì ảnh hưởng đến thu ngân sách, khi hàng hóa tiêu thụ tăng lên thì tổng thu ngân sách chưa chắc đã giảm. Tương tự như chính sách giảm thuế trước bạ 50% trong năm 2021 thì tổng thu ngân sách không những không giảm mà còn tăng lên”.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1999 là thời điểm bắt đầu áp dụng thuế VAT đến nay, Việt Nam giảm sắc thuế này từ 10% xuống 8%. Cách đây vài năm, trước sức ép cân bằng thu chi ngân sách nhà nước bởi xu hướng giảm thuế trực thu và giảm thu do thực hiện các hiệp định thương mại tự do, Bộ Tài chính từng kiến nghị nâng thuế VAT từ 10% lên 12%.