Hành động khẩn cấp để bảo vệ sông Me Kong

Trong bối cảnh dòng sông Me Kong đang chịu ảnh hưởng từ các dự án hạ tầng liên quan tới nước và biến đổi khí hậu, báo cáo mới của Ủy hội Sông Me Kong đã kêu gọi 'ngoại giao nước' khẩn cấp để bảo vệ dòng sông lớn nhất Đông Nam Á và thúc đẩy phát triển bền vững cho hàng triệu người trong khu vực.

Ngày 15.3, Ủy hội Sông Me Kong (MRC) - gồm các quốc gia thành viên là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam - đã công bố Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch Chiến lược của MRC giai đoạn 2016 - 2020. Báo cáo đã nêu bật những thành tựu chính, các hành động đã thực hiện, và các chỉ số chính trong nâng cao nhận thức trên toàn khu vực về ảnh hưởng, cả tích cực và tiêu cực, của các hoạt động phát triển cũng như lũ lụt và hạn hán ngày càng nghiêm trọng đối với hạ lưu sông Me Kong.

Những hoạt động này đã thúc đẩy các quốc gia thành viên tiến hành những bước phối hợp chưa có tiền lệ với hai quốc gia láng giềng ở thượng nguồn là Trung Quốc và Myanmar. Báo cáo dài 174 trang cũng nêu các bài học kinh nghiệm, trong đó khuyến nghị rằng dữ liệu kịp thời và tri thức khoa học vững chắc sẽ giúp định hướng các nhà lập kế hoạch và hoạch định chính sách trong quá trình ra quyết định và thực thi.

Sông Me Kong đoạn chảy qua Thái Lan nhìn thấy những khối đá khi mực nước xuống thấp nhất trong hơn 60 năm qua - Ảnh: MRC cung cấp

Sông Me Kong đoạn chảy qua Thái Lan nhìn thấy những khối đá khi mực nước xuống thấp nhất trong hơn 60 năm qua - Ảnh: MRC cung cấp

Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwon, Chủ tịch Ủy ban sông Me Kong Thái Lan, người từng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng MRC năm 2021, cho biết hiện vẫn còn nhiều việc phải làm để thực hiện các biện pháp và quản lý tài nguyên nước. “Ở hạ lưu sông Me Kong, biến đổi khí hậu tác động sâu sắc đến phúc lợi kinh tế - xã hội của người dân, đang đặt ra thách thức cho các nhà hoạch định chính sách… 'Ngoại giao nước' ngày càng có vai trò quan trọng trong khu vực của chúng ta, đặc biệt là trong bối cảnh gia tăng số lượng dự án thủy điện, dự án hạ tầng tài nguyên nước khác, cũng như các hoạt động phát triển”.

Để giải quyết vấn đề này, MRC đã điều chỉnh Khung chỉ số của Ủy hội về 5 yếu tố trong Quản lý lưu vực sông, gồm: Môi trường, xã hội, kinh tế, biến đổi khí hậu và hợp tác. Các chỉ số này sẽ được dùng kết hợp với nhau để giúp tạo ra bức tranh đầy đủ hơn về hiện trạng và xu hướng tác động của các hoạt động phát triển, cũng như các cơ hội đi kèm.

Báo cáo có trích dẫn ví dụ cụ thể, đó là Trung tâm Quản lý lũ lụt và hạn hán cấp vùng của MRC năm 2017 đã được mở rộng để thực hiện thêm chức năng dự báo hạn hán. Từ đó tới nay, khả năng dự báo hạn hán đã giúp cứu sống tính mạng và bảo vệ tài sản của người dân trong lưu vực. Đáng chú ý, khả năng dự báo cải thiện này là sản phẩm của việc củng cố các mối quan hệ cấp khu vực, đặc biệt với Bắc Kinh. Lần đầu tiên, Trung Quốc đã đồng ý chia sẻ dữ liệu thủy văn mùa khô của mình.

Một điểm nổi bật của Kế hoạch Chiến lược MRC giai đoạn 2021 - 2025 là các nhóm chuyên gia chung của lưu vực - đại diện cho cả sáu quốc gia ven sông Me Kong - hỗ trợ kỹ thuật cho công tác lập kế hoạch chủ động; hệ thống thông tin và giám sát tích hợp; và điều phối các hoạt động trong lưu vực. Dựa trên việc tham gia và liên lạc, truyền thông thường xuyên, được thể chế hóa của các bên liên quan trong 5 năm qua, MRC tiếp tục thúc đẩy quá trình tham vấn trước theo hướng cởi mở, bao trùm, qua đó tạo điều kiện để công chúng chủ động tham gia.

Đỗ Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/hanh-dong-khan-cap-de-bao-ve-song-me-kong-kpgdfsosol-80950