Đoàn công tác của tỉnh Khánh Hòa thăm và làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế

Chiều 16-7, đoàn công tác của tỉnh Khánh Hòa do ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế để trao đổi kinh nghiệm công tác chuyển đổi số, phát triển du lịch văn hóa, xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương. Tiếp đoàn công tác của tỉnh Khánh Hòa có các ông: Lê Trường Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế; Nguyễn Thanh Bình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Quang cảnh buổi làm việc

Quang cảnh buổi làm việc

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu phát biểu tại buổi làm việc

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh tăng 7,03% so với cùng kỳ năm 2022; thu ngân sách đạt 11.452 tỷ đồng, vượt 15% so với dự toán. Trong quá trình phát triển, Thừa Thiên Huế luôn đặc biệt chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Từ năm 1996 đến nay, tỉnh đã đầu tư khoảng 2.265,4 tỷ đồng cho công tác trùng tu di tích; tiến hành bảo quản tu bổ phục hồi tổng cộng hơn 180 công trình và hạng mục công trình. Việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh xã hội của tỉnh và khu vực miền Trung, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ. Năm 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế đón 3,2 triệu lượt khách khách du lịch, tăng 51%, trong đó có 1,2 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu lưu trú ước đạt 8.000 tỷ đồng…

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cho biết, với mục tiêu đến năm 2025 sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh đã xác định các khâu đột phá phát triển gồm: Phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại, thông minh trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; trọng tâm ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng giao thông chiến lược, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng đô thị; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Những năm gần đây, tỉnh đã đẩy mạnh về công tác chuyển đổi số, tục giữ vững vị trí nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số chuyển đổi số (DTI), đến hết năm 2023, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số 10,6% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) toàn tỉnh, 100% doanh nghiệp nộp thuế điện tử. Đáng chú ý, năm 2023, chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Thừa Thiên Huế xếp thứ 1 toàn quốc; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 17 toàn quốc, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị trí thứ 8 toàn quốc…

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh tặng quà cho lãnh đạo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh tặng quà cho lãnh đạo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu (bên trái) tặng quà cho đoàn công tác tỉnh Khánh Hòa

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu (bên trái) tặng quà cho đoàn công tác tỉnh Khánh Hòa

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh đã thông tin một số kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian gần đây. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 tăng 12,73% so với cùng kỳ năm 2023, xếp thứ 2 so với cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt hơn 9.730 tỷ đồng, tăng 23%; du lịch đạt mức tăng trưởng ấn tượng với 5,2 triệu lượt khách lưu trú, tăng 88,1%, trong đó có 2,4 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt 27.000 tỷ đồng, tăng 96,%... Tuy nhiên trên lĩnh vực chuyển đổi số, Khánh Hòa còn khá chậm; việc phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch còn có những hạn chế. Đây là những lĩnh vực Thừa Thiên Huế đã và đang làm rất tốt và Khánh Hòa muốn học hỏi kinh nghiệm trên lĩnh vực này.

Đoàn công tác tỉnh Khánh Hòa chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế

Đoàn công tác tỉnh Khánh Hòa chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế

Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai tỉnh đã có những trao đổi về công tác chuyển đổi số (vai trò của Sở Thông tin và Truyền thông trong chuyển đổi số, cách triển khai các dự án, xây dựng kho dữ liệu dùng chung). Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm về công tác bảo tồn di tích, phát triển du lịch văn hóa. Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo hai địa phương đã trao đổi kinh nghiệm về xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương (việc tháo gỡ khó khăn để hoàn thành các tiêu chí, sáp nhập đơn vị hành chính, viêc giải quyết tốt, hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn các giá trị di sản và phát triển kinh tế; tên gọi sau khi tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương…).

Thay mặt đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh đã cảm ơn những chia sẽ cặn kẽ, thấu đáo của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Khánh Hòa giữ kết nối để trao đổi, chia sẻ và học tập kinh nghiệm để làm tốt hơn công tác tham mưu, quản lý trên lĩnh vực của mình, nhất là công tác chuyển đổi số.

XUÂN THÀNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202407/doan-cong-tac-cua-tinh-khanh-hoa-tham-va-lam-viec-voi-tinh-thua-thien-hue-3ac6c89/