Hành động sớm - chủ động trước thiên tai

Những năm gần đây, Điện Biên đối mặt với tình hình thiên tai ngày càng gia tăng, với tần suất và cường độ mạnh hơn, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản. Từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai đã gây thiệt hại trên 253 tỷ đồng, làm nhiều người chết, mất tích. Thiên tai đã tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, sinh kế của cộng đồng dân cư, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, hộ nghèo, gia đình neo đơn. Điều này đã làm gia tăng những khó khăn về an sinh xã hội, đòi hỏi các biện pháp hiệu quả giúp cộng đồng đối phó với các nguy cơ thiên tai trong tương lai.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam ký kết biên bản chuyển giao kết quả thực hiện dự án IREM.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam ký kết biên bản chuyển giao kết quả thực hiện dự án IREM.

Tỉnh Điện Biên có hơn 82% dân số là người dân tộc thiểu số, chủ yếu sinh sống ở khu vực đồi núi, vùng cao, vùng xa, những nơi có nguy cơ thiên tai lớn. Trong khi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của người dân, nhất là đồng bào DTTS về phòng, chống giảm nhẹ rủi ro thiên tai vẫn còn hạn chế.

Trong bối cảnh đó, dự án “Tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai cho đồng bào DTTS tỉnh Điện Biên” (IREM) do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức World Vision International (Tầm nhìn Thế giới quốc tế) tại Việt Nam triển khai thực hiện tại 9 xã thuộc các huyện: Mường Ảng, Mường Chà, Tuần Giáo và TP. Điện Biên Phủ. Với mục tiêu “Hành động sớm - chủ động trước thiên tai”, dự án sẽ tăng cường khả năng chống chịu trước rủi ro thiên tai cho người dân và cộng đồng thông qua nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương và khung trường học an toàn. Đồng thời triển khai các sáng kiến về nước sạch, sinh kế thông minh với khí hậu và nâng cấp cơ sở vật chất nhằm cải thiện điều kiện sống của cộng đồng.

Dự án IREM tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai trong điều kiện thời tiết mưa lũ tại xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo. Ảnh: Mai Thảo

Dự án IREM tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai trong điều kiện thời tiết mưa lũ tại xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo. Ảnh: Mai Thảo

Tuần Giáo là một trong những huyện tham gia dự án IREM. Những năm qua, trên địa bàn huyện xảy ra nhiều loại hình thiên tai như: Rét đậm, dông lốc, mưa lớn gây sạt lở đất, lũ ống và lũ quét đã làm hư hỏng nhà cửa, trường học, các tuyến giao thông, hệ thống cấp nước sạch, điện, thủy lợi; gây thiệt hại lúa, hoa màu, vật nuôi.

Từ năm 2023 đến nay, mưa lũ gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân và cơ sở hạ tầng thiết yếu. Điều này đã khiến những hộ nghèo, gia đình có trẻ em, người khuyết tật, neo đơn gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì sinh kế. Ngoài ra, nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng sau mỗi đợt thiên tai, khiến công tác bảo vệ và phát triển cộng đồng trở nên khó khăn hơn.

Thực hiện dự án IREM, huyện Tuần Giáo đã triển khai nhiều hoạt động tăng cường thực hiện quản lý rủi ro thiên tại dựa vào cộng đồng; tăng cường thực hiện khung trường học an toàn, như: Truyền thông về rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu; cắm biển cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt lở; làm đường bê tông nội bản, cống thoát nước, hỗ trợ téc nước; cung cấp trang thiết bị, dụng cụ cứu hộ cho tổ đội xung kích; hướng dẫn người dân phòng, chống rủi ro thiên tai...

Nhiều hộ dân bản Búng, xã Búng Lao, huyện Mường Ảng đang sinh sống trong vùng có nguy cơ thiên tai. Trong ảnh: Người dân hót sụt sạt trong mùa mưa lũ 2024.

Nhiều hộ dân bản Búng, xã Búng Lao, huyện Mường Ảng đang sinh sống trong vùng có nguy cơ thiên tai. Trong ảnh: Người dân hót sụt sạt trong mùa mưa lũ 2024.

Anh Hạng A Nếnh, bản Háng Khúa, xã Phình Sáng cho biết: Tham gia dự án IREM, gia đình tôi và người dân trong bản đã được trang bị nhiều kiến thức, kinh nghiệm về phòng chống, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản khi xảy ra thiên tai. Bản Háng Khúa nằm cạnh suối, mùa mưa lũ vừa qua đã xảy ra lũ ống, lũ quét, nhưng với kiến thức được học tập nên gia đình và dân bản đã chủ động phòng tránh.

Theo ông Mùa Va Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo, sau một năm triển khai thực hiện dự án IREM đã góp phần nâng cao nhận thức, năng lực về các rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu cho hơn 2.000 người. Tăng cường năng lực xây dựng và thực hiện các kế hoạch phòng chống rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho 25.710 lượt người; tăng cường năng lực ứng phó cho các tổ, đội xung kích phòng chống thiên tai. Thúc đẩy và duy trì công tác quản lý trường học an toàn tại các cơ sở giáo dục cho 1.821 giáo viên và học sinh; hỗ trợ cơ sở vật chất nhằm thúc đẩy môi trường học tập an toàn hơn cho 3.720 giáo viên và học sinh.

Dự án IREM tập huấn cho Đội xung kích phòng, chống thiên tai xã Mường Lạn, huyện Mường Ảng. Ảnh: CTV

Dự án IREM tập huấn cho Đội xung kích phòng, chống thiên tai xã Mường Lạn, huyện Mường Ảng. Ảnh: CTV

Đối với các huyện dự án còn lại, việc triển khai dự án IREM cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Sau 1 năm đã có trên 35.000 người dân và hơn 15.000 trẻ em được nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai thông qua các hoạt động truyền thông. Hơn 22.000 người, bao gồm 6.000 trẻ em và 101 người khuyết tật được hỗ trợ thông qua 47 sáng kiến cộng đồng. 10.000 giáo viên, học sinh tại 28 trường học được nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai; 45 sáng kiến “Trường học an toàn” bảo vệ gần 6.000 học sinh, trong đó có 65 học sinh khuyết tật. Các chương trình còn giúp người dân nâng cao năng lực ứng phó với lũ quét, sạt lở đất, hạn hán và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác.

Ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Với những kết quả đạt được, dự án IREM đã tạo dấu ấn quan trọng trong công tác giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu tại tỉnh Điện Biên. Các hoạt động của dự án không chỉ giúp nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống và phát triển bền vững cho các cộng đồng DTTS, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương. Những kết quả này là cơ sở để xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ hơn, có khả năng đối phó với những thách thức do thiên tai và biến đổi khí hậu trong tương lai. Dự án còn góp phần lan tỏa kinh nghiệm, kỹ năng phòng chống rủi ro thiên tai cho cơ quan chức năng, người dân ngoài địa bàn dự án thực hiện.

Nhiều hộ dân xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông sinh sống trên sườn đồi núi, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất. Ảnh: CTV

Nhiều hộ dân xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông sinh sống trên sườn đồi núi, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất. Ảnh: CTV

Qua rà soát của cơ quan chức năng, tính đến tháng 9/2024, toàn tỉnh vẫn còn 2.337 hộ sinh sống trong các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất. Cụ thể, huyện Nậm Pồ có 322 hộ; Mường Ảng 223 hộ; Mường Chà 341 hộ; Điện Biên Đông 81 hộ; Tủa Chùa 132 hộ; Mường Nhé 22 hộ; Tuần Giáo 26 hộ; Điện Biên 839 hộ; thị xã Mường Lay 61 hộ và TP. Điện Biên Phủ 290 hộ. Đồng thời, 101 trụ sở cơ quan, trường học và các tuyến đường giao thông cũng đang đối mặt với nguy cơ sạt lở, lũ quét. Vì vậy, việc nhân rộng các mô hình dự án phòng chống rủi ro thiên tai hiệu quả là rất cần thiết.

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/khoa-hoc/hanh-dong-som-chu-dong-truoc-thien-tai