Hành động sớm, giảm thiệt hại
Cà Mau là tỉnh ven biển duy nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), không được bổ sung nguồn nước ngọt từ các sông lớn đầu nguồn, đời sống và sản xuất của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngầm và nước mưa nên chịu ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng khi hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt xảy ra, nhất là khó khăn về nước sinh hoạt, đặc biệt là ở các khu vực thuộc vùng ngọt thuộc các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình và TP Cà Mau, các khu vực ven biển, đảo và hải đảo, vùng nông thôn.
Hạn hán, xâm nhập mặn sẽ còn gay gắt
Theo đánh giá của các cơ quan khí tượng thủy văn, thời gian tới tình hình hạn hán sẽ còn gay gắt hơn nữa do sự nóng lên của khí hậu toàn cầu, dưới tác động của biến đổi khí hậu, sẽ gây ra những hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn nếu không có giải pháp phòng, chống hợp lý. Hạn hán, cùng với xâm nhập mặn vùng ngọt, tiến sâu vào nội đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, những tác động khi xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt, cơ sở hạ tầng giao thông, đê biển... trên phạm vi toàn tỉnh. Ðặc biệt, khu vực nhạy cảm và chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là các vùng ngọt hóa thuộc địa bàn huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời; đối với điều kiện tự nhiên của tỉnh, đây cũng chính là vùng bị ảnh hưởng chủ yếu bởi xâm nhập mặn.
Theo nội dung chỉ đạo tại Công điện số 128/CÐ-TTg ngày 8/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ, những tháng đầu năm 2025 có thể xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ, nhất là tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Tại ÐBSCL, có khả năng xảy ra thiếu nước cục bộ, xâm nhập mặn sâu vào các cửa sông, ảnh hưởng đến sinh hoạt của Nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt trên địa bàn tỉnh Cà Mau chỉ xảy ra trong mùa khô và thường bắt đầu từ tháng 1 trở đi, có khả năng kéo dài đến hơn 6 tháng, riêng xâm nhập mặn vùng ngọt có thể kéo dài hơn. Hạn hán chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất và các đối tượng dễ bị tổn thương do xâm nhập mặn vùng ngọt. Cụ thể, người già, trẻ em, phụ nữ, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật và những hộ dân sinh sống ở những vùng có địa tầng nước bị nhiễm phèn là nhóm người dễ bị tổn thương do hạn hán. Ðặc biệt là phụ nữ nghèo, thu nhập thấp, phụ nữ yếu thế là đối tượng phải chịu tác động nặng nề nhất vì phần lớn sống bằng nghề nông, khi hạn hán xảy ra sẽ dẫn đến mất mùa, mất sinh kế, và với vai trò là người chăm sóc gia đình và lo việc bếp núc khiến người phụ nữ phải làm việc nhiều hơn và dễ bị tổn hại hơn do điều kiện về tâm, sinh lý, điều kiện sức khỏe.
Chủ động nên giảm dần thiệt hại
Thiệt hại do hạn hán gây ra trong mùa khô 2015-2016 trên 1.400 tỷ đồng; mùa khô 2019-2020 thiệt hại khoảng 800 tỷ đồng; mới đây, thiệt hại trong mùa khô 2023-2024 là trên 28 tỷ đồng. Mức độ gay gắt của hạn hán tương đương nhau, nhưng thiệt hại giảm dần và giảm sâu, là do địa phương đã chủ động, dần đảm bảo về hạ tầng cũng như nâng cao nhận thức trong ứng phó của người dân. Cụ thể, hiện tại hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt, ngăn triều có 214 cống thủy lợi và 25 trạm bơm điều tiết nước, ngăn mặn, giữ ngọt, xổ phèn, mặn... cơ bản đảm bảo vận hành ổn định, sẵn sàng ứng phó khi hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt xảy ra. “Ðó là hiệu quả rõ rệt của việc hành động sớm trước thiên tai”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, chia sẻ.
Từ thực tế trên cho thấy, cần chủ động, kịp thời điều tiết, dự trữ nước phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp, phòng cháy, chữa cháy rừng và hỗ trợ người dân theo phương án ứng phó với các thông tin cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt của cơ quan chức năng. Chủ động, linh hoạt trong tổ chức sản xuất, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện nguồn nước. Kịp thời truyền tải thông tin dự báo và cảnh báo sớm, cùng các phương án tuyên truyền với các thông điệp rõ ràng hướng dẫn thực hiện các hành động cụ thể (tích trữ nước, lương thực, bảo vệ sản xuất theo thông tin cảnh báo, lịch mùa vụ, loại giống phù hợp và chỉ đạo chính quyền địa phương...). Chủ động huy động mọi nguồn lực để phục vụ công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng ngọt đảm bảo kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt gây ra.
Ông Phan Hoàng Vũ cho biết, công tác ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt theo nguyên tắc ưu tiên cho nước sinh hoạt, nước phòng cháy, chữa cháy rừng; khuyến cáo Nhân dân không sản xuất ở những nơi có nguy cơ thiếu nước và chuyển sang sản xuất các loại cây trồng phù hợp, tiết kiệm nước, nhất là chủ động trữ nước mưa vào cuối mùa mưa để sử dụng sinh hoạt trong mùa khô; vận hành hiệu quả các công trình ngăn mặn; kinh phí thực hiện công tác ứng phó hạn hán phải đảm bảo kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy trình, quy định. “Tỉnh đã xây dựng 2 kịch bản nhằm chủ động ứng phó thiệt hại do hạn hán gây ra trong năm 2025 và những năm tiếp theo, trong đó đề ra khá cụ thể những hành động ứng phó theo từng cấp độ dự báo, đồng thời thường xuyên theo dõi tình hình, có sự cập nhật, điều chỉnh một cách linh hoạt sát với tình hình thực tế”, ông Phan Hoàng Vũ chia sẻ thêm.
Mùa khô năm nay, hồ chứa nước ngọt tỉnh có diện tích 102 ha, dung tích 3,85 triệu mét khối đã đưa vào vận hành. Cùng với đó, bên cạnh đầu tư mới, mở rộng hệ thống cấp nước nối mạng, thông qua sự hỗ trợ rất nhiều về bồn chứa nước trong dân, tình trạng thiếu nước ngọt trong mùa khô đã dần được kiểm soát, đảm bảo an toàn cuộc sống cho người dân.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/hanh-dong-som-giam-thiet-hai-a36669.html