Hành động thiết thực ngăn xả rác bừa bãi
Trước tình trạng xả rác bừa bãi ở vỉa hè, bãi đất trống, sông, suối ảnh hưởng mỹ quan đô thị; tắc nghẽn cống, suối gây ngập úng cục bộ, UBND TP.Biên Hòa và UBND các phường, xã đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường.
* Ngăn rác xuống suối
Hiện nay, P.Hố Nai có 12 điểm cầu, cống bắc qua các con suối, tại các điểm cầu này đều được UBND phường gắn biển cảnh báo không được xả rác bừa bãi kèm mức xử phạt cụ thể cho hành vi trên. Đồng thời, hơn 1 năm nay, UBND phường cũng lắp các tấm lưới kim loại để ngăn tình trạng vứt rác xuống suối gây nghẽn dòng chảy, ảnh hưởng đến môi trường.
Phó chủ tịch UBND P.Hố Nai Vũ Văn Chiêu cho hay: “Chúng tôi dùng lưới B40, lắp từ mặt cầu cao lên khoảng 4m để ngăn việc xả rác của người dân địa phương và người đi đường. Nhờ việc gắn biển cảnh báo, lắp hàng rào kim loại mà khoảng 2 năm nay, khu vực điểm cầu qua suối đã hạn chế hẳn tình trạng rác tràn ngập. Việc này đã góp phần giảm bớt tình trạng ô nhiễm môi trường và hạn chế tắc nghẽn dòng suối gây ngập mùa mưa lũ”.
Giống như P.Hố Nai, nhiều địa phương khác tại TP.Biên Hòa đã thực hiện nhiều cách để ngăn người dân xả rác bừa bãi, đảm bảo môi trường, mỹ quan đô thị. Cụ thể, ngoài các camera an ninh được Công an TP.Biên Hòa trang bị, các phường, xã còn lắp đặt thêm các camera an ninh khác (do công an địa phương quản lý) tại các giao lộ, các điểm hay xảy ra tình trạng đổ rác bừa bãi. Vì vậy, khi xuất hiện tình trạng rác chất thành đống bừa bãi, UBND phường, xã sẽ kiểm tra lại hình ảnh và cử lực lượng canh chừng, bắt quả tang để xử phạt người xả rác.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương tích cực tổ chức phong trào Ngày thứ bảy xanh - sạch - đẹp bằng việc phân công cán bộ, đoàn viên, thanh niên dọn vệ sinh, thu dọn các tờ rơi quảng cáo bị dán bừa bãi. Song song đó, một số UBND phường, xã cũng tận dụng hệ thống loa phát thanh phường hoặc lập các đội tuyên truyền lưu động phát đi thông tin cảnh báo người dân không xả rác và các mức phạt theo quy định hiện hành.
Phó chủ tịch UBND P.Hiệp Hòa Hoàng Ngọc Phương cho biết, trong thời gian qua, địa phương đã nhắc nhở, xử lý được một số trường hợp đổ rác bừa bãi ở các bãi đất trống ven đường dẫn lên cầu Bửu Hòa, kế bên chợ Hiệp Hòa... Đồng thời phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của thành phố tuyên truyền, vận động người dân không xả rác bừa bãi, nhất là ở các sông, suối, mương, cống thoát nước... trên địa bàn để bảo vệ môi trường, nhất là chất lượng nguồn nước chảy ra sông Đồng Nai, nơi cung cấp nguồn nước thô để xử lý thành nước sinh hoạt.
* Tiếp tục thực hiện phân loại rác tại nguồn
Trên thực tế, việc đăng ký thu gom rác sinh hoạt ở TP.Biên Hòa đã được phần lớn người dân thực hiện nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng vứt, xả rác bừa bãi ra môi trường. Do đó, nhiều đơn vị, địa phương đã triển khai các hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phân loại rác thải tại nguồn.
Mới đây, Sở TN-MT đã phối hợp cùng UBND TP.Biên Hòa tổ chức hoạt động thu đổi chất thải lấy quà tặng tại 5 phường: Quang Vinh, Trung Dũng, Quyết Thắng, An Bình, Trảng Dài.
Theo đó, những rác thải tái chế được loại ra trong quá trình sinh hoạt (rác thải nhựa, giấy vụn...) sẽ được người dân đem đến điểm thu đổi tại 5 phường trên để đổi lấy các món quà là nhu yếu phẩm, vật dụng hữu ích trong cuộc sống. Hoạt động này cũng nằm trong chuỗi hưởng ứng Tuần lễ Đồng Nai xanh năm 2020, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phân loại rác.
Phó chủ tịch UBND P.Trung Dũng Lê Thanh Đăng cho biết: “Để hoạt động này đạt hiệu quả, trước đó chúng tôi đã thông báo rộng rãi cho người dân địa phương. Vì vậy, ngày chủ nhật 7-6, đã có rất nhiều người dân hưởng ứng, đem chất thải tái chế đến thu đổi. Việc này giúp người dân có ý thức thu gom, phân loại rác ngay tại nguồn thay vì xả bừa bãi”.
Bên cạnh đó, UBND TP.Biên Hòa tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch phân loại rác thải tại nguồn dựa theo Kế hoạch phân loại rác tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025 của UBND tỉnh. Theo đó, rác thải rắn sinh hoạt sẽ được phân loại tại nguồn theo 4 nhóm: có khả năng tái chế, thực phẩm, cồng kềnh, chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác.
Anh Nguyễn Khắc Luân (ngụ P.Quyết Thắng) kiến nghị, việc triển khai phân loại rác đã có từ lâu nhưng không nhiều hộ dân thực hiện nên tính hiệu quả không cao. Do đó, để lần này thực hiện có hiệu quả, bên cạnh việc tuyên truyền sâu rộng đến người dân thì UBND các phường, xã cần kiểm tra, giám sát và có sơ kết, tổng kết hiệu quả của chương trình phân loại rác thải tại nguồn để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm duy trì một thói quen tốt, thiết thực trong bảo vệ môi trường.