Hành động thực chất
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 2.2024, có 5.146 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 88,3% so với tháng 1 và tăng 35,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Có 2.153 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 72,4% so với tháng 1 và giảm 18,3% so với cùng kỳ năm 2023. Có 1.506 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 30,4% so với tháng 1 và tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 2 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 49,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm trước. Có 10 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 6,5%; gần 3,7 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 14,5%. Bình quân một tháng có gần 31,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Nhìn vào các số liệu trên có thể thấy, các doanh nghiệp vẫn đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức cả từ bên ngoài cũng như những "lực cản" nội tại. Và cũng bởi vậy mà thay vì "gộp" nhiệm vụ cải cách môi trường kinh doanh thành một nội dung trong Nghị quyết 01/NQ-CP như năm 2023, năm nay, Chính phủ đã ban hành riêng Nghị quyết 02/NQ-CP về vấn đề này.
Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng thể là cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển, nâng cao vị thế của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.
Tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động. Giảm rủi ro chính sách, củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp.
Nghị quyết cũng đề ra các mục tiêu cụ thể như số doanh nghiệp gia nhập thị trường gồm thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong năm nay tăng ít nhất 10% so với năm 2023. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023...
Thực tế, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia liên tục được Chính phủ ban hành. Qua đó, nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, khoảng 3 năm trở lại đây, quá trình cải thiện môi trường kinh doanh đang bị chững lại. Nhiều điều kiện, rào cản mới đang phát sinh gây khó cho cộng đồng doanh nghiệp.
Vậy nên, việc ban hành trở lại Nghị quyết 02 là tiền đề quan trọng để tạo niềm tin, động lực cho doanh nghiệp phát triển, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Vấn đề còn lại, như ý kiến của nhiều chuyên gia là quá trình thực thi phải gắn với hiện thực hóa các mục tiêu cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh thông qua các hành động thực chất, quyết liệt của các cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ những vướng mắc đã và đang tồn tại gây khó khăn trong hoạt động của doanh nghiệp.
Cộng đồng doanh nghiệp có vị trí đặc biệt, là động lực phát triển và đóng góp quan trọng nhất vào quy mô và tốc độ tăng trưởng của kinh tế đất nước. Bởi vậy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, cần có giải pháp để chống chồng chéo, xung đột trong hệ thống pháp luật; tạo dựng môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, thông thoáng. Từ đó, khơi dậy động lực, gia tăng áp lực, tăng cường năng lực của các cơ quan chức năng trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để các doanh nghiệp có thể đạt hiệu quả cao nhất trong hoạt động.