Hành động trước khi quá muộn
Những trận mưa trút xuống Hà Nội và các tỉnh miền Bắc từ đêm 2-10 được ví như các cơn mưa vàng giúp đảo chiều ngoạn mục chất lượng không khí tại thủ đô, từ ô nhiễm tới mức nguy hại sang trong lành chỉ sau một đêm.
Những chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được tại các điểm ở Hà Nội trong sáng 3-10 đã xuống dưới mức đáng lo ngại cho sức khỏe con người. Tại nhiều điểm đo, chất lượng không khí đã hiển thị màu xanh, AQI từ 0-50, tức là tốt, trong lành.
Chỉ khoảng 12 giờ trước đó, AQI phổ biến ở mức chất lượng không khí kém và xấu (AQI 100-150 và AQI 151-200), thậm chí có những thời điểm đo được ở mức rất xấu (AQI 201-300) và nguy hại (AQI 301-500). Hà Nội được cứu đâu phải do biện pháp nào mà hoàn toàn nhờ "ông trời".
Đảo chiều, cải thiện trông thấy... không có nghĩa vấn đề ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như tại TP HCM hay các TP lớn khác đã được giải quyết. Chỉ số chất lượng không khí có thể lại leo lên màu đỏ, tím hay nâu chỉ không lâu sau khi... trời hết mưa. Bởi những nguồn gây ô nhiễm không khí vẫn còn nguyên và vẫn chưa có giải pháp tức thời nào cho vấn đề này.
Theo giới chức chuyên môn và quản lý, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng ô nhiễm không khí. Như theo sự liệt kê của giới chức Hà Nội, có tới ít nhất 12 nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí ở Hà Nội những ngày qua, từ khí xả thải của ôtô, xe máy; khói bụi từ các cơ sở sản xuất; phá dỡ các công trình, vận chuyển vật liệu cho tới đốt củi, đốt rác thải, đốt rơm rạ trên đồng, đun than tổ ong. Chỉ riêng đun than tổ ong, chưa biết căn cứ theo số liệu thống kê nào mà giới chức Hà Nội đã cho rằng người dân thủ đô đốt tới 528 tấn than tổ ong mỗi ngày và đây là nguồn gây ô nhiễm đáng kể.
Những nguyên nhân trên đây có thể thấy ở các TP lớn của nước ta. Đáng nói là "thủ phạm" đã được "điểm mặt" từ lâu nhưng chưa được xử lý rốt ráo và căn cơ. Khí thải từ xe máy và ôtô là nguồn gây ô nhiễm đáng kể nhưng vẫn đều đặn tăng, lên tới mức hơn 6 triệu phương tiện cá nhân ở Hà Nội và gần 9 triệu ở TP HCM hiện nay. Việc di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm khỏi nội ô cũng đặt ra từ lâu nhưng làm rất chậm chạp. Các công trình xây dựng thì khỏi phải nói khi cảnh bụi mù mịt hay xe chở vật liệu vừa chạy vừa rải đất, cát xuống đường là chuyện thường.
Trong những ngày mức độ ô nhiễm không khí lên tới mức báo động vừa qua, giải pháp được nhiều giới chức đề cập tới nhất là... khuyến cáo người dân hạn chế ra đường! Hạn chế sao được khi đến giờ là phải đi học, đi làm, đi kiếm sống?
Thế giới đã thống kê ô nhiễm không khí ở đô thị sẽ bùng nổ trong giai đoạn GDP tính theo đầu người từ mức trên 2.000-8.000 USD. Ô nhiễm không khí nặng nề ở thủ đô Bắc Kinh trong giai đoạn phát triển kinh tế nóng của Trung Quốc là một minh chứng điển hình.
GDP bình quân đầu người Việt Nam đạt 2.540 USD năm 2018, tức là vấn đề ô nhiễm không khí mới chớm vào giai đoạn có thể bùng nổ. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới không chỉ sức khỏe người dân mà cả môi trường đầu tư, du lịch... Vì thế, hãy hành động ngay, quyết liệt và hiệu quả trước khi quá muộn.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/hanh-dong-truoc-khi-qua-muon-20191003224113957.htm