Hành động vì khí hậu - chìa khóa để chống lại đại dịch
Đại dịch Covid-19 đã cho thấy sự tàn phá khủng khiếp của dịch bệnh đối với sức khỏe, cuộc sống của con người trên khắp toàn cầu. Dịch bệnh không phân biệt biên giới quốc gia, lãnh thổ, chủng tộc, màu da… Rồi đây, dịch Covid-19 sẽ qua đi, tuy nhiên, nếu không có những hành động tích cực để bảo vệ môi trường trên hành tinh xanh này, thì dịch bệnh sẽ tiếp tục là một thảm họa đối với sức khỏe con người, bởi sức khỏe của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào 'sức khỏe' của hành tinh chúng ta đang sống.
Trực tiếp chữa trị và chứng kiến sự hủy diệt của dịch bệnh Covid-19 tại tâm dịch ở đất nước Italia, Roberto Romizi - một bác sĩ đa khoa ở Italia, đã có những hiến kế, đóng góp tiếng nói chia sẻ về “chìa khóa” để chống lại dịch bệnh trong tương lai - hành động vì khí hậu Trái đất.
Nơi có chất lượng không khí kém hơn, tỉ lệ tử vong do Covid-19 cao hơn
Covid-19 đã khiến thế giới đảo lộn. Là một bác sĩ ở tâm dịch Italia, bác sĩ Roberto Romizi thấy bệnh nhân phải đối mặt với thực tế rằng họ không thể tự bảo vệ mình khỏi căn bệnh này. Tiền bạc, chế độ ăn uống, thuốc khử trùng tay, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân… không ai có thể giữ an toàn cho bản thân khỏi dịch bệnh trừ khi tất cả chúng ta cùng chung tay để ngăn chặn virus lây lan.
Đại dịch Covid-19 đã cho thấy rằng, sức khỏe tốt không thể tồn tại trong sự riêng lẻ. Nó phụ thuộc vào một số yếu tố bên ngoài và một trong số đó là môi trường lành mạnh. Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng biến đổi khí hậu làm tăng rủi ro từ các bệnh truyền nhiễm, khiến dịch bệnh bùng phát thường xuyên hơn, khó dự đoán hơn và ngày càng khó đối phó hơn.
Đó là lý do tại sao ngay cả khi dịch bệnh bị đẩy lùi, cũng không có nghĩa là sức khỏe của hành tinh chúng ta được giải quyết, mà loài người vẫn tiếp tục phải đối mặt nhiều hơn với các cuộc khủng hoảng trong tương lai, như sự bùng phát dịch bệnh hoặc những khủng hoảng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Hồi năm ngoái, khoảng 7 triệu người trên thế giới đã tử vong do hậu quả của ô nhiễm không khí.
Chất lượng không khí kém làm suy yếu hệ hô hấp và tuần hoàn của con người. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, các thành phố có chất lượng không khí kém có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao hơn so với những nơi có không khí trong lành hơn. Một số nhà khoa học đã thấy rằng, ở vùng phía Bắc Italia như Bologna và Emilia Romagna, nơi có chất lượng không khí kém, các bác sĩ đã phải chứng kiến tỷ lệ tử vong khủng khiếp của bệnh nhân Covid-19 trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt.
Mối liên hệ giữa sức khỏe cộng đồng và sức khỏe của hành tinh chúng ta chưa bao giờ rõ ràng hơn lúc này. Đó là lý do tại sao các tổ chức đại diện cho hơn 40 triệu chuyên gia y tế đã ký tên vào bức thư gửi kêu gọi cần phải đặt vấn đề sức khỏe cộng đồng là trung tâm của các gói phục hồi kinh tế sau khi dịch bệnh bị đẩy lùi.
Sức khỏe của con người phụ thuộc vào “sức khỏe” của hành tinh xanh
Nhiều quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) cũng đã có những bước đầu tiên trong kế hoạch “phục hồi xanh” với Thỏa thuận xanh bảo vệ sức khỏe cộng đồng là trọng tâm, trong đó 25% tổng kinh phí được dành cho các hành động bảo vệ khí hậu, hay tài trợ cho công nghệ xanh. Tuy nhiên, áp lực vẫn đang gia tăng đối với các nhà lãnh đạo G20 như Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha, Anh - để nhấn mạnh rằng sức khỏe cộng đồng không thể tách rời khỏi “sức khỏe” của hành tinh chúng ta, cần phải tăng cường nỗ lực để giảm thiểu tối đa ô nhiễm không khí.
Điều này có nghĩa là lựa chọn các chính sách kinh tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế song hành với hành động bảo vệ khí hậu. Các nhà kinh tế hàng đầu lập luận rằng, các chính sách tích cực về khí hậu - như đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng sạch hay canh tác thân thiện với khí hậu sẽ mang lại những lợi ích kinh tế lớn. Một khảo sát mới đây của các ngân hàng Trung ương và kho bạc của các nước G20 đã xác định một loạt các chính sách phục hồi sau đại dịch Covid-19 sẽ mang lại những kích thích kinh tế hiệu quả, có thể được thực hiện nhanh chóng và sẽ mang lại những tác động tích cực đối với khí hậu.
Những khoản đầu tư này cũng có thể giúp mang lại nhiều việc làm hơn. Một báo cáo gần đây cho thấy rằng, nếu các quốc gia đầu tư đúng mức vào năng lượng tái tạo từ nay đến năm 2050, nó sẽ tăng gấp bốn lần việc làm liên quan đến năng lượng tái tạo. Điều đó cũng có nghĩa là các thành phố phải ưu tiên người đi bộ, người đi xe đạp và giao thông công cộng. Tại thành phố Milan (Italia), có mô hình mới “Làn đường mở” dành cho người đi xe đạp, giảm tốc độ xe ô tô và mở rộng đường dành cho người đi bộ.
Hay như Thủ đô London (Anh) với kế hoạch mở rộng vỉa hè để tạo nhiều không gian hơn cho người đi bộ, mở làn đường dành cho xe đạp và cấm ô tô đi vào một số con đường lớn trong thành phố. Những hành động để giảm lượng khí thải carbon đem lại lợi ích sức khỏe cộng đồng, giúp bầu không khí sạch hơn, dân số tích cực hơn và cũng giúp làm giảm sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Tác động tiêu cực của khí hậu đồng nghĩa với nguy cơ mất an ninh lương thực, thời tiết khắc nghiệt và không khí ô nhiễm khiến chúng ta bị bệnh. Và nó liên quan đến sức khỏe cộng đồng trong đại dịch, đối với những người may mắn - là bị mắc kẹt trong nhà nhiều tháng. Còn với những người không may mắn và dễ bị tổn thương nhất - họ phải một mình vật lộn với dịch bệnh, và ra đi đơn độc mà không có người thân bên cạnh.
Đối với bác sĩ Roberto Romizi, đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất trong sự nghiệp y tế của ông, nó đã thay đổi cuộc sống của mọi người. Đó là lý do tại sao ông cùng với hơn một nửa lực lượng y tế toàn cầu rất ủng hộ các Chính phủ đầu tư đúng đắn để hướng tới một tương lai xanh hơn, lành mạnh hơn, giúp cho sức khỏe cộng đồng tốt hơn.
Đã đến lúc chấm dứt suy nghĩ ngắn hạn khiến cộng đồng của chúng ta rất dễ bị tổn thương do Covid-19, khiến các thành phố bị bao trùm bởi bầu không khí ô nhiễm và gây ra biến đổi khí hậu. Đại dịch Covid-19 đã nhắc nhở chúng ta rằng sự sống của con người phụ thuộc vào nhau. Đó là lý do tại sao người dân Italia cất tiếng hát cùng nhau từ các ban công, tiếng vỗ tay cổ vũ các nhân viên y tế của người dân Paris… Đã đến lúc cần nhận ra rằng, sức khỏe chúng ta phụ thuộc nhiều vào “sức khỏe” của hành tinh chúng ta đang sống.