Hành động vì sự phát triển thịnh vượng chung
Trong khuôn khổ Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11 ngày 10/2//2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tham luận của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ hướng tới việc đóng góp, cam kết hành động vì sự phát triển thịnh vượng chung trong vùng.
Giao thông là động lực tăng trưởng quan trọng của vùng (đồng chí Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
Giao thông vận tải là 1 trong 3 đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hiện nay, tuy nhiên, kết cấu hạ tầng giao thông vùng Trung du và miền núi phía Bắc vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Để giải quyết vấn đề, cần có sự đầu tư mang tính chiến lược cho hệ thống giao thông của vùng theo hướng bám sát quy hoạch, hiện đại, đồng bộ, ưu tiên phát triển các tuyến đường bộ, cảng hàng không, đường thủy.
Trong giai đoạn đến năm 2025, Bộ Giao thông vận tải sẽ tập trung chủ trì thực hiện đầu tư hoàn thành các tuyến đường Chợ Mới - Bắc Kạn, tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn. Giai đoạn đến năm 2030, chủ trì đầu tư hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc, tiền cao tốc như Cổ Tiết - Chợ Bến, tuyến nối Hà Giang với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nghiên cứu triển khai đầu tư nâng cấp đường sắt Lào Cai - Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng.
Cũng cần phát huy hơn nữa vai trò của các bộ chuyên ngành, cơ quan chuyên môn trong phối hợp thực hiện đầu tư các dự án. Tăng cường trao đổi giữa Trung ương và địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thi công và dự án đã huy động nguồn vốn. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển giao thông vận tải vùng, trong đó tiếp tục thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, nguồn vốn từ doanh nghiệp qua các hình thức đầu tư phù hợp.
Ngoài ra, cũng cần phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên ngành và các địa phương trong thúc đẩy triển khai các dự án giao thông kết nối giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới bộ trong khuôn khổ các cam kết hợp tác quốc tế.
ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ vùng cho các mục tiêu thịnh vượng (ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB tại Việt Nam)
Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đầu tư xây dựng trên cơ sở vay 1,1 tỷ USD của ADB, thông xe vào năm 2014 đã cải thiện rất rõ mạng lưới giao thông trong vùng, tạo ra sự gia tăng trong các hoạt động kinh tế, đầu tư, cơ hội phát triển cho các tỉnh trong vùng dự án. Ví như tại Lào Cai, mức thu nhập bình quân của người dân đã tăng từ 360 USD/người (năm 2008) lên 1.939 USD/người vào năm 2016 (tăng 5 lần); tỉnh Vĩnh Phúc tăng từ 890 USD lên 3.185 USD (tăng 3,5 lần); tỉnh Phú Thọ tăng 3 lần; tỉnh Yên Bái tăng 3,4 lần; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 51,9% (năm 2004) xuống còn 15% (năm 2016).
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới thành lập trong vùng cũng tăng trung bình 128%; kim ngạch thương mại xuyên biên giới tăng từ 477 triệu USD (năm 2006) lên hơn 800 triệu USD (năm 2016)...
Đây là cơ sở để ADB tiếp tục triển khai gói cho vay để đầu tư Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, được phê duyệt năm 2018 và đang triển khai, trong đó có dự án kết nối thành phố Lai Châu với tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, các dự án về du lịch tại tỉnh Điện Biên và Lào Cai, các dự án sản xuất nông nghiệp tại Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn; dự án xử lý nước thải tại Lào Cai, Bắc Giang, Quảng Ninh…
ADB cũng đang quan tâm đến các dự án có tính kết nối các quốc gia thuộc khu vực Tiểu vùng Mê-kông mở rộng và giao thương giữa Trung Quốc với Việt Nam, trong đó bao gồm cả việc hỗ trợ cơ sở hạ tầng logistics, trung tâm dịch vụ thương mại khu vực biên giới, hoặc các dự án cơ sở hạ tầng đô thị và du lịch bền vững cho Hòa Bình và Lào Cai, cơ sở hạ tầng xanh ở Lạng Sơn, Sơn La, Thái Nguyên, Yên Bái.
Cùng với các đối tác phát triển khác, ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ vùng Trung du và miền núi phía Bắc trong công cuộc phát triển của vùng vì mục tiêu thịnh vượng.
Phát triển nông nghiệp trong vùng cần tư duy mới (đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị càng khẳng định nông nghiệp, nông thôn có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng đối với vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, nông thôn là nơi sinh sống, tạo sinh kế của 81% dân số trong vùng.
Phát triển sản xuất nông nghiệp trong vùng cần thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, từ phạm vi sản xuất nông nghiệp sang tích hợp đa ngành dịch vụ, công nghiệp; từ đơn giá trị nông sản sang tích hợp sản phẩm đa giá trị; từ tập trung hỗ trợ người sản xuất sang hỗ trợ tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị.
Đây cũng là quan điểm tại Nghị quyết số 19 ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để thực hiện, cần tập trung phát triển cây trồng hàng hóa như chè, cà phê, cây dược liệu, cây lương thực đặc sản, phát triển vật nuôi phù hợp với điều kiện vùng; tập trung xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh đảm bảo tiêu chuẩn bền vững, đáp ứng theo từng nhóm thị trường.
Ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giá trị hàng hóa gia tăng. Cùng với đó là xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ gắn với hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu, hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp.
Với đặc thù vùng, cần ưu tiên xứng đáng cho phát triển kinh tế lâm nghiệp, coi trọng bảo vệ môi trường và duy trì đa dạng sinh học, cân bằng tự nhiên. Bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng theo hướng phát triển đa giá trị, bền vững và hiệu quả như gắn với phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và kinh tế dưới tán rừng. Các địa phương làm tốt chương trình OCOP, triển khai đồng bộ chính sách phát triển, nhất là chuyển mạnh các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”…
Tăng cường khối đại đoàn kết, nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào trong vùng (đồng chí Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc)
Những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, dự án nhằm hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng cao, vùng Trung du, miền núi phía Bắc. Do xuất phát điểm thấp, đến nay, đời sống Nhân dân trong khu vực này vẫn thuộc hàng khó khăn nhất cả nước. Trong khi đó, các thế lực thù địch, phản động vẫn chưa từ bỏ âm mưu chống phá, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số, gây mất đoàn kết dân tộc.
Nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào các dân tộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc, cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vai trò, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh tuyên truyền để các cấp, các ngành, các lực lượng, mọi người dân nhận thức rõ và đúng về sự cần thiết của tăng cường đại đoàn kết toàn dân; tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách về dân tộc, tôn giáo, chính sách xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Đồng thời, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách đối với đồng bào dân tộc, vùng Trung du và miền núi với trọng tâm là triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...
Vùng Trung du, miền núi phía Bắc và cơ hội hợp tác đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc (ông Lee Jong Seob, Giám đốc KOTRA Hàn Quốc tại Việt Nam)
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và Việt Nam vào năm 1992, thương mại song phương đã tăng hơn 160 lần trong 30 năm qua. Hàn Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam.
Đến nay, các dự án FDI Hàn Quốc vẫn tập trung chủ yếu ở những thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Còn tại các tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc (ngoại trừ Thái Nguyên và Phú Thọ) đang có rất ít dự án FDI được triển khai.
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam có tiềm năng để phát triển du lịch cũng như nông - lâm nghiệp, nhờ diện tích rừng lớn cùng với nguồn tài nguyên dồi dào. Hơn nữa, việc gần với biên giới Trung Quốc mang lại cho khu vực này sự thuận lợi nhất định trong logistics và giao thông vận tải. Lợi thế địa lý có thể giúp khu vực này trở thành cơ sở sản xuất nội địa để hướng tới thị trường mục tiêu Trung Quốc.
Nếu khai thác tốt tiềm năng của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc sẽ là cơ hội khác để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường châu Á và toàn cầu. Việc hợp tác với các công ty Hàn Quốc có thể mang lại hiệu quả tích cực trong các lĩnh vực như khai thác tài nguyên khoáng sản, chế biến và xuất khẩu lâm - nông sản, đầu tư sản xuất, thương mại, dịch vụ... Để nâng cao sản lượng nông nghiệp và tăng năng suất ở Việt Nam, cần xây dựng các tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao với các công nghệ mới nhất. Hy vọng rằng việc hợp tác đầu tư với công ty nông nghiệp thông minh với công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc sẽ mang lại hiệu quả đầu tư tốt...
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/359906-hanh-dong-vi-su-phat-trien-thinh-vuong-chung