Hành khách nhảy khỏi xe giường nằm trước khi cháy trơ khung trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ
Chiếc xe ô tô khách giường nằm loại 42 chỗ đang lưu thông trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thì bất ngờ bốc cháy dữ dội.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống chiều 17/2, Chỉ huy Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 (Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ - Cục Cảnh sát giao thông) cho biết, đơn vị đang phối hợp với Công an huyện Thường Tín xác minh nguyên nhân vụ cháy xe khách trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.
Cụ thể, vào hồi hơn 13h chiều 17/2, tại km195+700 cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thuộc địa phận huyện Thường Tín - TP. Hà Nội đã xảy ra một vụ hỏa hoạn lớn khiến một chiếc xe khách giường nằm loại 42 chỗ bị thiêu rụi hoàn toàn.
Vào thời điểm trên, chiếc ô tô khách giường nằm mang BKS 36B-007XX đang lưu thông trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (hướng Hà Nội - Hà Nam), khi đến km195+700 (thuộc địa phận huyện Thường Tín - Hà Nội) thì bất ngờ bốc cháy.
Phát hiện chiếc xe khách bốc cháy, lái xe N.V.D lập tức tấp xe vào sát lề đường, đồng thời hô hoán để khoảng 10 hành khách nhanh chóng nhảy xuống xe thoát thân cũng như di tản tài sản xuống dưới an toàn.
Chỉ huy Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 (Cục CSGT) cho biết, khoảng 10 phút xảy cháy lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường để phân luồng giao thông. Lực lượng Cảnh sát PCCC huyện Thường Tín cũng đã có mặt để khống chế ngọn lửa, tuy nhiên do đám cháy quá lớn nên chỉ ít lâu sau chỉ còn trơ khung sắt.
Hiện vụ hỏa hoạn trên đang được lực lượng chức năng điều tra, làm rõ.
Trước đó, Báo Sức khỏe & Đời sống đã có nhiều bài viết phản ánh về tình trạng xe khách tháo bớt giường ghế chở hàng, xe khách độ hầm hàng, nóc xe để chở thêm hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và mất an toàn giao thông.
Ông Thân Văn Thanh - nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá, việc xe khách nhồi nhét hàng trên khoang hành khách hiện nay tiềm ẩn rất nhiều hiểm họa. Trên thực tế, đã xảy ra không ít vụ cháy xe khách mà nguyên nhân bắt nguồn từ hàng hóa được vận chuyển trên xe.
"Các xe khách chạy đường dài thường phải qua đi qua nhiều địa hình đèo, dốc. Nếu cải tạo khoang hành khách, nhồi nhét hàng hóa, khi lên đèo dốc hoặc địa hình không bằng phẳng, rất dễ xảy ra va đập hoặc đổ nhiên liệu, nguy cơ cháy sẽ rất cao.
Đó là chưa kể việc xe khách đã chở vượt tải trọng leo địa hình dốc thì tải trọng sẽ tăng lên gấp hai, gấp ba khiến xe càng nóng máy, càng dễ cháy. Điều này là cực kỳ nguy hiểm" ông Thanh nói và đề nghị lực lượng chức năng cần vào cuộc ngăn chặn tình trạng này.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Lê Bảo - Cao Tuân