Hạnh phúc của cặp vợ chồng sau nửa thập kỷ 'tìm con'

Sau 5 năm chạy chữa, nhờ y học hiện đại và bệnh viện hỗ trợ chi phí điều trị, vợ chồng anh Phong, chị Hằng đã có được 'trái ngọt' là cặp song sinh khỏe mạnh.

Kết hôn năm 2019, anh Hoàng Văn Phong (SN 1994) và cô giáo mầm non Phùng Thị Hằng (SN 1996, ở Lạng Sơn) mong ngóng mãi nhưng vẫn chưa có tin vui.

Năm 2022, đến bệnh viện thăm khám, anh chị được kết luận vô sinh, nguyên nhân do chất lượng “con giống” của chồng không tốt, ảnh hưởng bởi tiền sử quai bị từ thuở nhỏ, vợ bị polyp buồng tử cung. Để có con, người bệnh cần phải can thiệp hỗ trợ sinh sản.

Tuy nhiên, chi phí để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là rất lớn so với thu nhập của đôi vợ chồng trẻ. Khó khăn về kinh tế, áp lực bởi điều tiếng, không ít lần cả hai thấy bất lực muốn buông bỏ.

Trong lúc cảm thấy chán nản nhất, anh chị biết đến một chương trình hỗ trợ điều trị cho quân nhân hiếm muộn. Đặt bút điền tên mình vào hồ sơ xét duyệt, cả hai may mắn được lựa chọn hỗ trợ chi phí thực hiện IVF.

Vợ chồng chị Hằng bên 2 "thiên thần" nhỏ. (Ảnh: Như Loan)

Vợ chồng chị Hằng bên 2 "thiên thần" nhỏ. (Ảnh: Như Loan)

Trải qua quá trình điều trị vật vả, chị Hằng may mắn đậu thai đôi ngay lần đầu chuyển phôi. Sau 9 tháng mang thai, ngày 21/10 vừa qua, 2 bé trai chào đời khỏe mạnh trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình.

Vợ chồng tôi mừng lắm, trước đây nhiều lúc “tìm con” thất bại, cuộc sống chỉ toàn nước mắt, nhưng nay đã có thể cười. Sau 5 năm mong ngóng mới được bế con trên tay, không niềm hạnh phúc nào hơn. Nhờ được bệnh viện hỗ trợ, bác sĩ giúp đỡ, vợ chồng tôi đã có cơ hội hiện thực hóa ước mơ làm cha mẹ", chị Hằng xúc động nói tại buổi gặp mặt của các gia đình hiếm muộn được hỗ trợ chi phí IVF tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.

Theo ThS.BS Đinh Hữu Việt, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, quai bị là bệnh truyền nhiễm do virus paramyxo gây ra. Bệnh có thể gây chết tế bào mầm, giảm số lượng, hình thái và khả năng vận động của tinh trùng dẫn đến vô sinh. Khoảng 20% bệnh nhân dưới 10 tuổi mắc quai bị có thể viêm tinh hoàn. 60% bệnh nhân viêm tinh hoàn bị teo một bên, giảm lượng “con giống” khỏe mạnh, gây khó thụ thai tự nhiên.

Biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất của bệnh quai bị là viêm tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ. Bệnh tuy lành tính nhưng có khả năng gây biến chứng, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của cả nam và nữ.

Theo bác sĩ Việt, trước đây nhiều nam giới bị biến chứng quai bị gần như không có cơ hội làm cha. Hiện những trường hợp này có thể có con bằng cách gom “con giống” trữ lạnh. Tình trạng nặng hơn, bác sĩ chỉ định các kỹ thuật như vi phẫu micro-TESE.

Bác sĩ khuyến cáo các cặp vợ chồng chủ động khám sức khỏe tiền hôn nhân. Trường hợp sau khi kết hôn một năm, không sử dụng biện pháp ngừa thai nhưng chưa có con nên khám, điều trị sớm. Nam giới độc thân hoặc chưa mong con cũng nên khám sức khỏe sinh sản định kỳ để được đánh giá tình trạng sức khỏe sinh sản.

Như Loan

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/hanh-phuc-cua-cap-vo-chong-sau-nua-thap-ky-tim-con-ar912186.html