Hạnh phúc của mẹ

Xuất hiện đã khá lâu và được tổ chức vào các ngày khác nhau tại nhiều quốc gia trên thế giới, Ngày của mẹ phổ biến nhất là ngày Chủ nhật thứ 2 của tháng 5 hằng năm. Năm nay, Ngày của mẹ diễn ra vào Chủ Nhật, 14-5.

Tại Việt Nam, bên cạnh các ngày lễ như 8-3, 20-10 hay Vu Lan báo hiếu rằm tháng 7 âm lịch thì Ngày của mẹ cũng là dịp để mỗi người con bày tỏ tình cảm, tấm lòng hiếu thảo của mình với mẹ.

Ở bất kỳ đâu trên thế giới này, mẹ luôn quan tâm và yêu thương những đứa con của mình. Tuy nhiên, tri ân tình cảm sâu nặng ấy không chỉ có những đứa con do người mẹ “đứt ruột” sinh ra mà còn có cả một nửa yêu thương của con mình, đó là những người con dâu, con rể trong gia đình. Và những người mẹ ấy lại có “hạnh phúc nhân đôi”.

“Phải đâu mẹ của riêng anh

Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi

Mẹ tuy không đẻ, không nuôi

Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong”

Những câu thơ nêu trên của nữ sĩ Xuân Quỳnh thật đúng với tình cảm mà chị Hoàng Thị Khuyên ở khu phố 1, phường Tân Đồng, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước dành cho mẹ chồng Nguyễn Thị Khiếu gần 90 tuổi của mình. Hằng ngày, ngoài quán xuyến gia đình nhỏ, chị luôn dành thời gian chăm sóc mẹ. Đây là tình cảm chân thành mà chị dành cho mẹ và gia đình chồng trong suốt hơn 18 năm qua từ khi chị về làm con dâu của mẹ.

Nhà ở liền vách nên chị cũng có điều kiện sớm hôm gần gũi, chăm sóc mẹ hơn. Nhất là khi mẹ đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm” và phải phẫu thuật cột sống vào năm ngoái. Bản thân chị cũng bị bệnh bạch cầu, đang điều trị hơn 1 năm nay, nên chị hiểu sự bất tiện, khó khăn cũng như tâm lý của người bị bệnh. Vậy nên việc chăm sóc, yêu thương không chỉ giúp mẹ giữ gìn sức khỏe mà còn giữ cho tâm lý mẹ luôn an yên.

Được chăm sóc mẹ cũng là niềm vui mỗi ngày của chị Hoàng Thị Khuyên

Được chăm sóc mẹ cũng là niềm vui mỗi ngày của chị Hoàng Thị Khuyên

Chị Khuyên chia sẻ bí quyết để có thể thấu hiểu và yêu thương mẹ chồng cũng như mẹ ruột của mình:“Mọi thứ đều phải xuất phát từ tình cảm. Khi về làm dâu, mình tâm niệm bố mẹ chồng cũng là người thân của mình, mẹ chồng là người sinh ra chồng mình. Mình có được hạnh phúc như ngày hôm nay phần lớn nhờ bố mẹ chồng, nên trong trái tim mình, bố mẹ chồng cũng là bố mẹ đẻ”.

Tuy tuổi cao, bước chân đã nặng nhọc và khó khăn trong di chuyển nhưng bà Khiếu vẫn còn khá minh mẫn. Bà tâm sự, bao năm qua, bà luôn chủ động san sẻ yêu thương, bảo ban, chăm sóc các con, cháu trong gia đình. Con dâu, con rể bà đều xem như con ruột, vì bà hiểu tình yêu phải có sự vun vén và nỗ lực từ hai phía. Bà Khiếu chia sẻ: “Tôi rất mãn nguyện, tự hào khi các con có cuộc sống gia đình hạnh phúc, đầm ấm. Và tôi càng hạnh phúc hơn khi có con dâu hiếu thảo, biết lo lắng, chăm sóc vun vén cho gia đình. Tôi thường động viên, khuyên nhủ các con luôn yêu thương nhau, giữ gìn nếp nhà, tình cảm gia đình”.

Có nhiều cách để những người con thể hiện tấm lòng biết ơn đối với sự hy sinh, nỗi lo toan vất vả của mẹ đã nuôi nấng ta nên người. Khi trưởng thành và nhất là khi đã làm mẹ thì chúng ta càng thấm thía ân tình sâu nặng ấy. Và khi sự thấu hiểu được thể hiện bằng những hành động cụ thể sẽ làm cho mẹ thấy ấm áp, hạnh phúc và càng yên tâm hơn về những đứa con của mình. Đó là món quà vô giá mà mỗi người con dành cho mẹ giữa cuộc đời này.

Niềm vui của cụ bà U90 từ sự hiếu thảo của con cháu

Niềm vui của cụ bà U90 từ sự hiếu thảo của con cháu

Bà Đặng Thị An, ở xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú năm nay đã gần 70 tuổi nhưngbà luôn cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng và hạnh phúc khi các con của bà dù đi đâu, làm gì cũng luôn nhớ về mẹ, nhất là trong những dịp tri ân báo hiếu thì các con luôn quây quần đủ đầy khiến bà cảm thấy vô cùng ấm áp.

Bà An vui vẻ cho biết: “Tôi rất tự hào và hạnh phúc vì có một người con gái rất ngoan, hiếu thảo, đặc biệt là con rể luôn quan tâm sức khỏe của mẹ và tạo điều kiện để vợ cũng như các con của mình về thăm bà. Những dịp lễ tri ân ở chùa, các con cũng tham gia rửa chân cho mẹ, tôi rất xúc động. Điều này giúp các con thấu hiểu được công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ, tổ tiên mình”.

Rửa chân cho phụ mẫu - tri ân báo hiếu của con dành cho mẹ

Rửa chân cho phụ mẫu - tri ân báo hiếu của con dành cho mẹ

Hiếu đạo là truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam và chữ hiếu được xem là thước đo đạo đức của con người trong xã hội. Đã xa rồi thời đại khắt khe với quan niệm “mẹ chồng, nàng dâu”, phụ nữ ngày nay đã biết thấu hiểu và sẻ chia cùng nhau để xây dựng nên mối quan hệ gia đình tốt đẹp.

Từ chính những yêu thương, san sẻ chân thành giữa các thành viên trong gia đình, nhất là sự khéo léo trong mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu; sự quan tâm đến gia đình bên ngoại của những chàng rể thời hiện đại cũng là yếu tố xây dựng nên những điều tốt đẹp trong cuộc sống này. Tất cả điều ấy làm cho mối quan hệ gia đình ngày càng vững bền, sự hiếu đạo được thực hành đều đặn mỗi ngày chứ không phải chỉ một ngày nào đó đặc biệt trong năm.

Hạnh phúc nào bằng những điều ấp ủ được sẻ chia và những điều mong mỏi đã thành hiện thực. Hy vọng rằng Ngày của mẹ năm nay sẽ thêm ý nghĩa hơn, đặc biệt hơn cho tất cả những người đã làm mẹ, có mẹ.

Bài: Ly Na - ảnh: Đặng Hùng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/144205/hanh-phuc-cua-me