Hạnh phúc của người dân là trên hết

Đồng Nai hiện đi đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới (NTM) khi có một huyện, 104 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 27 xã NTM kiểu mẫu.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ông Phạm Văn Ray. Ảnh: Huy Anh

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ông Phạm Văn Ray. Ảnh: Huy Anh

Để đạt được thành tích này, toàn tỉnh đã phấn đấu, nỗ lực bền bỉ trong suốt nhiều năm. Trong đó, người dân vừa là đối tượng được hưởng những giá trị cốt lõi mang lại, cũng là chủ thể đóng góp vai trò quyết định kiến tạo nên những thành tích ấn tượng.

* Lấy sức dân chăm lo cho dân

Trước đây, hàng chục hộ dân canh tác tại khu vực Trạm 11, ấp Lạc Sơn (xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) phải đi trên các con đường nhỏ hẹp trong lô cao su để vào rẫy nhà mình. Khi mùa mưa, con đường đất đỏ sình lầy, ngập nước khiến các xe vận chuyển nông sản di chuyển khó khăn. Thấy được nỗi vất vả của bà con, ông Phạm Văn Ray, hội viên Hội Nông dân xã Quang Trung, đã quyết định hiến gần 1 hécta đất để mở đường giao thông nông thôn cho bà con đi lại dễ dàng. Giá trị đất mà gia đình ông đã hiến khoảng 10 tỷ đồng.

Phần đất gia đình ông Ray đã hiến để xây dựng đường (chiều dài 1,5km, rộng 6m) góp phần nâng cao đời sống của cả trăm hộ dân khu vực vì thương lái đã vào tận vườn để mua nông sản cho bà con.

Những kết quả đạt được trong xây dựng NTM ở Đồng Nai những năm qua cho thấy, thực hiện phương châm “lấy sức dân để chăm lo cho dân” đã tạo nên kỳ tích về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Không chỉ hiến đất làm đường, gia đình ông Ray còn đóng góp hàng trăm triệu đồng để cùng các hộ dân khác và Nhà nước làm đường, đồng thời kéo đường điện hạ thế giúp bà con sản xuất nông nghiệp trên địa bàn ấp Lạc Sơn được thuận lợi.

Với những cống hiến to lớn của gia đình ông Phạm Văn Ray vào thành tựu xây dựng NTM ở địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã tặng bằng khen cho ông về thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đúng dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Bác 19-5 năm nay.

* Làng quê đổi thay

Đồng bào Chăm ở xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) sống tập trung ở ấp 4 với gần 3 ngàn nhân khẩu, 100% đồng bào theo đạo Hồi. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với các chương trình, chính sách được đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Chăm ấp 4 nói riêng, đã tạo sức bật để bà con vươn lên phát triển kinh tế.

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp 4, xã Xuân Hưng Mo Ha Mach A Mine kể, vào đầu những năm 1970, bà con người Chăm ở nhiều nơi về Xuân Hưng định cư, lập làng, sinh sống. Ngày ấy, núi rừng bao bọc cả ngôi làng, nhà cửa đều làm bằng nhà gỗ, lợp lá buông, đường sá sình lầy.

Thế nhưng, được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, bà con ấp Chăm đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để trồng cây lâu năm, phát triển chăn nuôi. Hiện làng Chăm xã Xuân Hưng là làng Chăm lớn nhất tỉnh. Xuân Hưng đã đạt chuẩn xã NTM nâng cao năm 2022 và đang tăng tốc về đích xã NTM kiểu mẫu.

“Trong quá trình xây dựng NTM, chúng tôi vận động bà con mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây thanh long, kết hợp với các cây nông nghiệp khác, đem lại kinh tế cao cho bà con. Đồng thời, vận động bà con thực hiện nếp sống văn minh, thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; đăng ký sử dụng nước sạch. Người dân rất nhiệt tình hưởng ứng tham gia xây dựng NTM” - ông Mo Ha Mach A Mine nói.

Theo ông Mo Ha Mach A Mine, khi xây dựng NTM, chất lượng sống của người dân nâng lên hẳn về kinh tế, cải thiện cảnh quan môi trường khi làng xã sáng - xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an ninh trật tự, giảm thiểu tai nạn giao thông, trẻ em có chỗ vui chơi an toàn tại nhà văn hóa ấp. Không ít người dân ở làng Chăm ấp 4, xã Xuân Hưng đã trở thành triệu phú, tỷ phú với thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm.

Đến ấp 4, xã Xuân Hưng hôm nay, mỗi người đều cảm nhận được sự thay da đổi thịt từng ngày. Nhiều ngôi nhà mới khang trang được mọc lên dọc theo những tuyến đường bê tông thẳng tắp nối liền làng Chăm với làng S’tiêng và khu vực người Kinh trong xã. Thành quả ấy chính là kết tinh của sự đoàn kết, nỗ lực vươn lên, chung sức, chung lòng cùng chính quyền địa phương xây dựng quê hương ngày thêm khang trang, giàu đẹp.

Phương Hằng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202405/hanh-phuc-cua-nguoi-dan-la-tren-het-601570c/