Hạnh phúc của những gia đình quân nhân hiếm muộn
Từ chủ trương hỗ trợ các cặp vợ chồng quân nhân bị hiếm muộn của Bộ Quốc phòng và sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của đơn vị, nhiều gia đình quân nhân thuộc Quân khu 2 không may bị hiếm muộn đã có được 'tài sản vô giá' là những đứa con, được hưởng thiên chức làm mẹ, làm cha. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ, đồng thời cũng là động lực để mỗi quân nhân phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ngày cuối tuần, gia đình Đại úy Hoàng Văn Khoa, Đại đội trưởng Đại đội Cảnh vệ thuộc Kho K28, Cục Kỹ thuật Quân khu 2 ở xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) tràn ngập tiếng nói cười xen lẫn tiếng bi bô của con trẻ. Chứng kiến không khí vui vẻ của gia đình, chúng tôi không nghĩ rằng chỉ cách đây hơn một năm, không khí gia đình anh Khoa lúc nào cũng trầm lắng. Năm 2013, anh Khoa lập gia đình, mặc dù cả hai vợ chồng đều mạnh khỏe nhưng mãi vẫn chưa được hưởng niềm vui làm cha, làm mẹ. Vợ chồng anh đi khám, điều trị ở nhiều nơi song không có kết quả. Cuối năm 2018, vợ chồng anh Khoa quyết định đến Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội khám, điều trị bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Được sự điều trị tích cực của đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế, đầu năm 2020, vợ chồng Khoa vỡ òa hạnh phúc khi đón con gái đầu lòng. Quá trình điều trị hiếm muộn, Đại úy Hoàng Văn Khoa luôn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ, động viên từ đồng đội, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự là gia đình Trung úy QNCN Nguyễn Tiến Ngọc, lái xe thuộc Đại đội 8, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 406, nhà ở tổ 17, phường Gia Cẩm, TP Việt Trì (Phú Thọ). 5 năm kể từ ngày cưới cũng là từng ấy thời gian vợ chồng anh Ngọc vất vả ngược xuôi tìm đến các bệnh viện uy tín trong lĩnh vực chữa trị hiếm muộn... Chị Nguyễn Thị Hương-vợ Trung úy QNCN Nguyễn Tiến Ngọc, trải lòng: “Đã có lúc vợ chồng tôi buông xuôi, nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ từ người thân, đồng đội, đơn vị của anh Ngọc, chúng tôi có thêm động lực để quyết tâm hơn trên hành trình tìm hy vọng”. Trong suốt quá trình chữa trị, Trung úy QNCN Nguyễn Tiến Ngọc không chỉ được cấp ủy, chỉ huy đơn vị tạo điều kiện về thời gian, đồng đội thường xuyên chia sẻ, động viên mà còn được Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (DS, GĐ&TE) Bộ Quốc phòng hỗ trợ 50 triệu đồng theo Hướng dẫn số 2318/HD-CT về việc “Hỗ trợ người hiếm muộn, vô sinh đang công tác trong quân đội”. Kiên trì điều trị theo phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, đầu năm 2018, vợ chồng Trung úy QNCN Nguyễn Tiến Ngọc đã có con gái đầu lòng-cháu Nguyễn Thùy Chi trong niềm vui của gia đình, người thân và đồng đội.
Theo thống kê của Ủy ban DS, GĐ&TE Quân khu 2, giai đoạn 2016-2020, toàn quân khu có hàng chục trường hợp gia đình quân nhân hiếm muộn, trong đó chủ yếu là sĩ quan cấp úy, QNCN thu nhập thấp, không ít trường hợp phải vay mượn để chữa trị dài ngày.
Là đơn vị đóng quân ở biên giới, vùng cao có quân nhân hiếm muộn, Đại tá Trần Văn Chanh, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 326 chia sẻ: “Với những trường hợp hiếm muộn, Đảng ủy, chỉ huy đoàn và đơn vị cơ sở thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất về thời gian, công việc, giúp các đồng chí không may bị hiếm muộn điều trị hiệu quả”. Cùng chung quan điểm, Thượng tá Đặng Quốc Bảo, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Kho K28 cho rằng: “Chủ trương hỗ trợ gia đình quân nhân hiếm muộn, nhất là với những đồng chí công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của Bộ Quốc phòng là rất đúng đắn, giàu tính nhân văn. Lãnh đạo, chỉ huy Kho K28 cũng luôn thấu hiểu và chia sẻ, hỗ trợ các trường hợp hiếm muộn ở đơn vị”.
Theo Đại tá Nguyễn Thế Thìn, Phó trưởng phòng Quân y, Cục Hậu cần Quân khu 2, với chức năng là cơ quan thường trực, Phòng Quân y thường xuyên tham mưu với Ủy ban DS, GĐ&TE quân khu chỉ đạo ban DS, GĐ&TE các cấp tạo điều kiện tốt nhất giúp đỡ những trường hợp hiếm muộn ở đơn vị mình; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng hướng dẫn ban DS, GĐ&TE các cấp tiến hành thẩm định, rà soát, nắm chắc từng trường hợp để hỗ trợ điều trị kịp thời. Từ năm 2016 đến nay, Ủy ban DS, GĐ&TE quân khu đã đề nghị Ủy ban DS, GĐ&TE Bộ Quốc phòng hỗ trợ cho 59 đồng chí bị hiếm muộn, trong đó hỗ trợ điều trị kỹ thuật cao là 50 triệu đồng/trường hợp. Riêng 6 tháng đầu năm 2020 đã đề nghị hỗ trợ 5 trường hợp. Điều này góp phần để 15 cặp vợ chồng hiếm muộn đã có được niềm vui làm cha, làm mẹ, nhiều gia đình quân nhân hiếm muộn khác cũng đã có tín hiệu mừng hoặc chuẩn bị sinh con, qua đó giúp mỗi quân nhân luôn an tâm tư tưởng, gắn bó với đơn vị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.