Hạnh phúc của những nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu ở tuổi 'xưa nay hiếm'
Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9 này có không ít nghệ sĩ đến nhận trong tình trạng được người nhà dìu đến vì đã ở tuổi 'xưa nay hiếm'. Họ là những nghệ sĩ gạo cội, với những đóng góp lớn lao cả thời chiến lẫn thời bình...
Đặc cách để phong tặng kịp thời
Trong số 391 nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần này, có tới 199 nghệ sĩ thuộc diện "đặc cách". Nghĩa là nếu cứ dựa vào tiêu chí phải đủ huy chương thì hơn một nửa số nghệ sĩ lần này sẽ tiếp tục bị… trượt.
Và lần đầu tiên trong lịch sử, Chính phủ đã có một Nghị quyết riêng đối với việc trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho cá cá nhân có nhiều cống hiến nhưng chưa đủ tiêu chuẩn theo như quy định.
Gần đến ngày trao tặng, ngày 12/8 Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 1358/QĐ-CTN và Quyết định số 1359/QĐ-CTN về việc truy tặng, phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho 391 nghệ sĩ. Đây là những cá nhân đã được Chính phủ ra Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 18/7/2019 đề nghị xét phong tặng, truy tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Nghị quyết số 54 nêu rõ, việc đề nghị xét đặc cách này được đưa ra trong khi chưa sửa đổi Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Những trường hợp này dù hồ sơ không đáp ứng đủ theo quy định như về số lượng huy chương… song đều là những người có nhiều cống hiến cho nghệ thuật nước nhà.
Thế nên đợt phong tặng này có thể nói là kỳ để lại nhiều dư âm đẹp và sự đồng tình của đông đảo nghệ sĩ, công chúng.
Nghệ sĩ Trần Hạnh - một trong 50 cá nhân được đặc cách xét tặng danh hiệu NSND đợt này có lẽ là người đón nhận được nhiều sự chúc mừng của đồng nghiệp và công chúng nhất. Khi ông bước lên sân khấu nhận bằng, ở dưới khán đài, những người có mặt đã đồng loạt vỗ tay thay lời chúc gửi đến ông. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng dành cho người nghệ sĩ gạo cội cái ôm tình cảm, càng khiến NSND Trần Hạnh thêm xúc động.
Cũng nhờ sự đặc cách kịp thời này mà nhiều tên tuổi gạo cội của điện ảnh, của sân khấu kịch nói, âm nhạc, cải lương, chèo… đã được vinh danh kịp thời, như: Ca sĩ Phan Muôn, ca sĩ Tô Lan Phương, nghệ nhân ca trù Phó Thị Kim Đức, ca sĩ Tạ Minh Tâm, ca sĩ Rơ Chăm Phiang, các nghệ sĩ điện ảnh Thụy Vân, Minh Đức, Kim Xuân, các nghệ sĩ cải lương Thanh Tuấn, Minh Vương, Thoại Miêu, các nghệ sĩ chèo Thanh Bình, Thanh Ngoan, Minh Thu, các nghệ sĩ kịch nói Việt Anh…
NSND cao tuổi nhất lần này là nhà quay phim Đường Tuấn của Hãng phim Giải phóng. Ông năm nay đã bước sang tuổi 90, nổi tiếng với những cảnh quay trong phim "Cánh đồng hoang" của đạo diễn Hồng Sến. Sau này ông cũng quay phim "Người tìm vàng" cho NSND, đạo diễn Đào Bá Sơn. Với sự nghiệp mấy chục năm làm nghề, nghệ sĩ Đường Tuấn Ba từng được trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp điện ảnh Việt Nam, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2000 nhưng phải đến tận bây giờ, danh sách phong tặng NSND mới chính thức có tên ông.
NSND Kim Đức (Phó Thị Đức) cũng là nữ nghệ sĩ cao tuổi nhất. Năm nay bà đã 88 tuổi, là nghệ nhân ca trù, đào nương cuối cùng của giáo phường Khâm Thiên. Dù tên tuổi của bà không "phổ cập" như âm nhạc hay phim ảnh nhưng với nghệ thuật ca trù, bà là một tên tuổi lớn. 7 tuổi biết hát ca trù, 13 tuổi theo anh trai đi biểu diễn và trở thành ca nương nổi danh. Sau khi nghỉ công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, nghệ sĩ Kim Đức vẫn dành rất nhiều tâm huyết để truyền dạy nghệ thuật ca trù cho thế hệ kế cận. Có thể kể đến 3 học trò chân truyền của bà là: NSND Xuân Hoạch, NSƯT Đặng Công Hưng và NSƯT Đoàn Thanh Bình.
84 tuổi mới là NSƯT
Nghệ sĩ đàn bầu Phạm Ngọc Hướng, nhận danh hiệu NSƯT khi đã ở tuổi 84 khiến không ít người ngỡ ngàng. Lúc lên nhận bằng, ông phải nhờ đến sự trợ giúp của hai nhân viên và phải ngồi ghế cho đến khi xong phần trao tặng. Để đến được Nhà hát Lớn dự lễ, vợ ông - NSƯT Vũ Dậu phải mang thuốc theo để "tiếp" cho ông. "Vừa rồi, nhận danh hiệu xong là cô phải tiếp thêm một đợt thuốc cho chú vì chú rất yếu. Hôm qua chú mới ra viện để kịp đến dự lễ vinh danh. Càng về già thì chú càng bị nhiều bệnh hơn, từ tim mạch đến các bệnh dạ dày, tiền liệt tuyến, đại tràng. Cũng may trời phú cho cô sức khỏe tốt hơn chú nên có điều kiện để chăm sóc cho chú lúc tuổi già", ca sĩ gạo cội Vũ Dậu chia sẻ.
Đưa ông đến nhận danh hiệu chỉ có NSƯT Vũ Dậu, các con ông bà là nhạc sĩ Ngọc Châu, ca sĩ Khánh Linh vì bận công việc riêng nên dành sự chúc mừng cho ông ở nhà, trong một không khí nhẹ nhàng nhưng ấm cúng.
Nghệ sĩ Vũ Dậu và nghệ sĩ Phạm Ngọc Hướng cùng làm hồ sơ xin xét duyệt danh hiệu NSƯT từ đợt 3. Ông là nghệ sĩ đàn bầu, còn bà là ca sĩ nức tiếng một thời. Nghệ sĩ Vũ Dậu vốn nổi danh với những bài hát cách mạng: "Cô gái mở đường", "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn", "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây", "Những ánh sao đêm", "Đêm nay anh ở đâu" … Không chỉ trời phú cho giọng hát đặc biệt, bà còn được biết tới là nữ ca sĩ có nhan sắc lộng lẫy ở thời tuổi trẻ và là một trong những giọng ca nhạc nhẹ đầu tiên tại miền Bắc vào thập niên 1970, 1980 của thế kỷ trước.
Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, nghệ sĩ Vũ Dậu được cử đi Paris phục vụ hội nghị. Đoàn không chỉ biểu diễn ở kinh đô của nước Pháp mà còn đi lưu diễn 6 tháng liền ở Algeria, Mông Cổ, Liên Xô, Trung Quốc… Với những đóng góp lớn lao đó, năm 1993 bà được trao danh hiệu NSƯT. Nhưng niềm vui của bà không được trọn vẹn khi người bạn đời của bà lại không qua được vòng cơ sở.
Nói về việc này, nghệ sĩ Vũ Dậu chia sẻ: "Là gia đình làm nghệ thuật chân chính, chúng tôi nghĩ mọi thứ nên "hữu xạ tự nhiên hương" sẽ tốt hơn. Vì gia đình quan niệm, cái quý giá nhất là công chúng đón nhận. Danh hiệu dù không được thì chúng tôi cũng không có gì nuối tiếc vì đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật, được được công chúng ghi nhận rồi".