Hạnh phúc của Trung tá Rơ Mah Núp
Nhắc đến Trung tá Rơ Mah Núp, Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm chính trị Ban CHQS huyện Đức Cơ, Bộ CHQS tỉnh Gia Lai, đồng đội luôn dành cho anh sự tin yêu, quý trọng bởi nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm trong công việc. Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị tại đơn vị, anh còn giúp nhiều người dân trên địa bàn huyện Đức Cơ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Thành quả đó không thể không nhắc đến người bạn đời đã luôn thấu hiểu, sẻ chia, sẵn sàng đồng cam cộng khổ, đồng hành với anh trong cuộc sống...
Giúp bà con xóa nghèo
Công tác tại Ban CHQS huyện Đức Cơ được 17 năm, thấm nhuần quan điểm “Bộ đội Cụ Hồ-đi dân nhớ, ở dân thương”, Trung tá Rơ Mah Núp-người con của đồng bào Gia Rai luôn là cầu nối đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến với bà con các dân tộc trên địa bàn phụ trách. Anh Núp cũng thường xuyên thăm hỏi những gia đình khó khăn, gia đình có công với cách mạng. Qua những buổi “gần dân” như thế, anh và đồng đội không chỉ giúp người dân dần loại bỏ những hủ tục lạc hậu, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần mà còn động viên, giúp đỡ những hộ có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế gia đình.
Làng Punk, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, trước đây thuộc diện khó khăn, nhiều gia đình còn thiếu ăn, đứt bữa. Bằng kinh nghiệm trồng tiêu của mình, anh Núp và đồng đội hướng dẫn bà con trồng và chăm sóc cây tiêu để xóa đói, giảm nghèo. Nhiều người dân tại huyện Ia Grai đã hăng hái lao động sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế và mang lại thu nhập cao. Mỗi người một hoàn cảnh, cách nghĩ, cách làm khác nhau nhưng tất cả đều cùng chung quyết tâm vượt khó, thoát nghèo.
Ông Rơ Mah Blam, người được anh Núp hướng dẫn trồng tiêu thành công nói: “Gia đình tôi sinh sống ở đây nhiều năm rồi. Trước đây dù có nhiều đất và chăm chỉ làm nương rẫy nhưng vẫn nghèo đói lắm vì cách làm nông nghiệp cũ, lạc hậu. Giờ có bộ đội Núp hướng dẫn cách canh tác mới, cây tiêu cho nhiều trái, thu nhập cũng cao hơn, con cái được ăn học đàng hoàng, chúng tôi vui lắm”.
Ông Blam vui một thì anh Núp vui 10 vì anh đã góp phần giúp cho người dân nơi đây ổn định cuộc sống, tích cực lao động để làm giàu trên mảnh đất quê hương. Thế nhưng khi nói về những kết quả việc làm của mình, Trung tá Rơ Mah Núp lại khiêm tốn cho rằng, bởi anh có một hậu phương vững chắc, với người vợ hiền đảm đang, tháo vát, hết lòng vun vén cho gia đình.
Mái nhà bình yên
Tổ ấm bình yên của Trung tá Rơ Mah Núp nằm ở làng Breng 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai (Gia Lai), cách đơn vị gần 100km. Chị H’ayôn và anh Núp vốn sinh ra, lớn lên tại làng Ktro Đeng. Cả hai có nhiều thứ chung: Chung trường học, chung thầy cô giáo, chung bạn bè. Vì vậy, chuyện họ yêu nhau, đến với nhau cũng như một lẽ tự nhiên. Anh Núp học hành giỏi giang, vào bộ đội và giúp dân phát triển kinh tế nên chị H’ayôn lại càng vui. Vì vậy, những lúc con ốm đau, nhưng hiểu công việc của chồng tại đơn vị nên chị H’ayôn chẳng mấy khi thở than mà luôn động viên chồng yên tâm công tác.
Nhiệm vụ của anh Núp thường xuyên xa nhà, chị H’ayôn đã tạo cho mình thói quen vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Nương rẫy luôn xanh tốt vì có bàn tay chị chăm sóc. Nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ bởi đã có chị chu toàn. Con cái lớn lên trong tình yêu thương của cả hai và sự dạy bảo chu đáo của người vợ.
Gia đình anh Núp, chị H’ayôn trồng gần 300 gốc cà phê và 200 trụ chanh dây. Những lúc anh Núp vắng nhà, việc chăm sóc nương rẫy do một tay chị H’ayôn đảm nhiệm. Là người Gia Rai nên việc làm nương rẫy chị H’ayôn đã thành thạo từ nhỏ. Song để phát triển thành mô hình kinh tế có hiệu quả thì lại là câu chuyện khác. Khí hậu ở Gia Lai phân biệt hai mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa nên công việc phòng, chống sâu bệnh, thiên tai cho cây trồng cũng được chị H’ayôn hết sức chú ý.
Ngoài việc thường xuyên cập nhật thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, chị H’ayôn còn chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những hộ gia đình đã thành công. Đến nay, những cây cà phê, trụ chanh dây dưới bàn tay chăm sóc của vợ chồng chị ngày một xanh tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Mỗi lần anh Núp về thăm nhà, khuôn mặt chị H’ayôn luôn ánh lên niềm vui, hạnh phúc và tự hào. Còn với anh Núp, những phút giây được ở bên gia đình không nhiều nên anh luôn tự nhủ phải tận dụng để giúp đỡ vợ con những việc nặng nhọc. Vậy là những kiến thức mới về trồng cà phê, tiêu, chanh dây... được anh chị bổ sung cho nhau để ngày càng tiến bộ.
23 năm không phải là quãng thời gian quá dài trong đời người, nhưng cũng đủ để chị H’ayôn hiểu thế nào là đồng cam cộng khổ, là hạnh phúc gia đình. Bằng tình cảm chân thành và sự sẻ chia, chị tự hứa với bản thân sẽ luôn chăm lo thật tốt cho bố mẹ hai bên, nuôi dạy các con ngoan ngoãn để mái nhà luôn bình yên mỗi khi anh Núp trở về. Hết kỳ nghỉ phép, anh Núp tạm biệt gia đình trở lại đơn vị công tác. Đã bao lần như thế, dù không thường xuyên có mặt ở nhà nhưng anh luôn vững tin ở hậu phương đã có vợ hiền đảm đang, chu toàn mọi việc, là điểm tựa vững chắc để anh yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.