Hạnh phúc dưới hiên nhà

Hôn nhân sẽ vững bền nếu vợ chồng cùng nỗ lực dựng xây. Ảnh: Internet

Xây dựng hôn nhân đã khó, giữ được hôn nhân bền lâu càng khó hơn. Để hạnh phúc, an vui luôn hiện hữu dưới mái hiên nhà, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực dốc lòng, dốc sức.

1. Tôi có một anh bạn thân. Anh bạn tôi rất yêu vợ mình. Cuộc hôn nhân của anh trải qua 20 năm với không ít khó khăn. Anh nói những gì có được hôm nay đều là do một tay vợ anh vun vén, gầy dựng. Vợ anh không thuộc mẫu phụ nữ phấn son, quần áo lụa là, chân dài thắt đáy lưng ong. Chị là người chịu thương chịu khó, suốt ngày tất bật với việc buôn bán tảo tần ngoài chợ để cùng chồng gầy dựng kinh tế gia đình nuôi con ăn học. Anh bảo, nếu không có sự đảm đang, vén khéo trợ lực của vợ, kinh tế gia đình anh chưa hẳn đã ổn như bây giờ.

Anh nói, đàn ông nào cũng thích phụ nữ đẹp, nhưng để cưới một người về làm vợ, họ chắc chắn sẽ chọn người phụ nữ vén khéo, biết quan tâm, chăm sóc gia đình, con cái, biết giữ mình, chung thủy, yêu thương chồng. Vợ anh tuy không xinh đẹp, nhưng là người hiểu chuyện, biết đối nhân xử thế hài hòa với gia đình bên chồng, biết giữ gìn hòa khí mỗi khi hai vợ chồng xảy ra xung đột. Hầu như lần nào khi nói về vợ mình, bạn tôi chỉ toàn kể về những ưu điểm hơn là nhắc đến những khuyết điểm của vợ.

Nhắc đến việc này, anh mỉm cười: “Nhân vô thập toàn mà, con người ai chẳng có khuyết điểm, bản thân mình cũng không thể hoàn hảo, sao có thể đòi hỏi ở người khác. Với những ưu điểm của cô ấy, mình đã là người quá may mắn rồi”. Tôi nghĩ, chắc hẳn vợ của bạn tôi sẽ rất hạnh phúc khi chồng luôn ghi nhận, quan tâm, cảm kích, tôn trọng cô ấy. Người ta từng nói rằng, thái độ của người chồng có vai trò quyết định trạng thái tâm lý của người vợ. Người phụ nữ sẽ cảm thấy hạnh phúc, bình an khi ở bên người chồng luôn tâm lý, yêu thương, tin tưởng, trân trọng mình.

2. Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã từng nghe câu “nhân vô thập toàn”, nhưng để áp dụng cách nhìn này với vợ (chồng) mình không phải ai cũng thuần thục. Bởi lẽ bản ngã của con người không ngừng đòi hỏi người khác, nhất là vợ (chồng) mình phải đáp ứng những điều mà bản thân mong muốn. Câu chuyện anh Bảo ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), là một ví dụ.

Chị Hoa vợ anh là một phụ nữ giỏi giang, năng động trong công việc kinh doanh, nguồn thu nhập hàng tháng chị mang về cho gia đình khá. Trong khi anh Bảo là một giáo viên trường làng, thu nhập không cao. Bởi vậy, anh Bảo ít nhiều ái ngại với vợ về “vai trò trụ cột” của bản thân trong gia đình, thêm vào đó, chị Hoa suốt ngày tất bật với công việc làm ăn nên thời gian dành cho chồng, con không nhiều. Những bữa cơm gia đình thưa vắng bóng dáng chị Hoa.

Có lần, anh Bảo nhắc vợ sắp xếp công việc dành thời gian cho gia đình thì chị Hoa dấm dẳng: “Anh đã không hiểu cho công việc kinh doanh bên ngoài của vợ vất vả, bận bịu như thế nào, mà còn đòi hỏi. Thử hỏi tiền xây nhà cửa, mua xe máy, rồi tiền hàng tháng phụng dưỡng cha mẹ hai bên ai lo mà anh trách móc?!”. Nghe chị Hoa nói vậy, trong lòng anh Bảo tràn ngập sự tự ái, anh ngầm hiểu rằng vợ đang chỉ trích anh là người vô tích sự, mọi trọng trách trong gia đình đều đè lên vai vợ. Thêm vào đó, những hiểu nhầm va chạm nho nhỏ trong lối sống, sinh hoạt, trong cách hành xử hàng ngày, khiến tình cảm vợ chồng họ ngày càng xa cách.

3. Nhiều người lớn tuổi nói rằng, bây giờ lớp trẻ bỏ nhau dễ dàng quá, có khi chỉ một câu “không hợp” là hôn nhân chấm dứt “đường ai nấy đi”. Hai con người trưởng thành trong hai môi trường gia đình khác nhau, dĩ nhiên cách giáo dục sẽ khác nhau, tính cách của mỗi người vì thế cũng sẽ khác biệt. Bởi vậy, nếu có những điểm tương đồng giữa vợ chồng cũng chỉ có thể là tương đối. Thêm vào đó, những áp lực cơm áo gạo tiền cùng với việc nuôi dạy con cái trong đời sống hôn nhân chắc chắn sẽ khiến không ít đôi vợ chồng va chạm, bất đồng quan điểm nhiều hơn.

Những lúc như vậy, thay vì cố tranh phần thắng về mình thì vợ (chồng) nên học cách kiềm chế cảm xúc bản thân, biết tiến, biết lùi đúng lúc. Tình cảm vợ chồng sẽ dần lạnh nhạt cách xa nếu thường xuyên có những trận “khẩu chiến” bất phân thắng bại. Lúc đó, trong lòng mỗi người chỉ toàn nhớ đến những điều đáng ghét của vợ (chồng) mình, những ưu điểm của bạn đời tự nhiên sẽ trốn biệt.

Ai đó nói rằng, không có một cuộc hôn nhân nào hoàn hảo, nhưng hôn nhân sẽ hạnh phúc bền lâu nếu mỗi người biết nỗ lực cố gắng vì nhau, biết trân trọng những đóng góp, những ưu điểm của người bạn đời, biết yêu thương và làm điểm tựa cho nhau.

Một cuộc hôn nhân mà vợ (chồng) luôn đòi hỏi mọi thứ phải thật công bằng, người “đầu ấp tay gối” của mình phải hội đủ những tố chất mà mình mong muốn sẽ rất chông chênh, bởi “nhân vô thập toàn”. Vợ (chồng) không nghĩ cho nhau, không nhường nhịn, thấu hiểu, ghi nhận những nỗ lực đóng góp của nhau thì hạnh phúc khó mà tìm về gõ cửa dưới mái hiên nhà.

Hôn nhân không phải trò đùa, càng không phải không hợp thì chia tay chóng vánh, đường ai nấy đi, bởi còn có con cái và những hệ lụy phía sau những cuộc hôn nhân tan vỡ. Làm thế nào để hôn nhân bền vững? Để trả lời cho câu hỏi này đòi hỏi người trong cuộc phải không ngừng nỗ lực dựng xây vun đắp hạnh phúc. Một khi bạn đã đặt chân vào cuộc sống hôn nhân, hãy không ngừng hướng đến mục tiêu chung tốt đẹp của hôn nhân hơn là để ý, chấp nhặt những điều vụn vặt trong cuộc sống chung. Đừng vì cái tôi, vị kỷ, đòi hỏi quá mức của bản thân mà đánh mất những điều quý giá trong hôn nhân. Hãy sống có trách nhiệm hơn, bao dung hơn với người bạn đời, với cuộc hôn nhân của mình để có thể xây dựng gia đình thành một tổ ấm đúng nghĩa.

NGỌC QUỲNH

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/234745/hanh-phuc-duoi-hien-nha.html