Hạnh phúc hòa trong tình yêu biên cương

Đến thăm anh chị trong ngôi nhà công vụ của đơn vị ở miền biên giới, chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc bình dị mà ấm áp. Anh là Thượng úy QNCN Phạm Văn Hưng, nhân viên Phòng Hậu cần-Kỹ thuật, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4, Quân khu 4 và chị là Vi Thị Loan, giáo viên Trường Mầm non xã Na Ngoi (Kỳ Sơn, Nghệ An).

Tình yêu không chỉ gắn kết hạnh phúc lứa đôi mà còn là động lực để anh chị nguyện gắn bó lâu dài, góp phần xây dựng quê hương miền biên viễn.

Vợ chồng anh Phạm Văn Hưng - chị Vi Thị Loan.

Vợ chồng anh Phạm Văn Hưng - chị Vi Thị Loan.

Năm 2002, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 được thành lập, cũng là thời điểm Phạm Văn Hưng về đơn vị nhận công tác. Những ngày đầu, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Phạm Văn Hưng cùng đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương quản lý và tổ chức thực hiện dự án khu kinh tế-quốc phòng Kỳ Sơn, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Tính anh hiền lành, lại nhiệt tình, trách nhiệm với công việc nên được đồng chí, đồng đội, bà con quý mến.

Thời điểm đó, cô gái Vi Thị Loan (quê ở xã Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) về công tác tại Trường Mầm non xã Na Ngoi. Chị Loan kể: “Ngày ấy, tôi về nơi đây chưa có điện, đường sá đi lại không thuận lợi, cuộc sống của bà con rất khó khăn. Vui nhất là mỗi khi có bộ đội Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 đến giao lưu văn hóa văn nghệ, giúp đỡ cô trò xây dựng nhà trường. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đã làm trái tim tôi xao xuyến”.

Nhận lời yêu anh nhưng chị còn có nhiều lo lắng, bởi tình cảm mới chớm nở thì anh Hưng được đơn vị cử đi học. Gia đình anh ở miền xuôi, còn chị là cô gái dân tộc Thái ở miền ngược... Hiểu được suy nghĩ của bạn gái, những tháng ngày xa cách, anh thường xuyên gọi điện, viết thư chia sẻ, động viên chị cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách. Những lo lắng ấy đã nhanh chóng qua đi, nhường chỗ cho tình yêu và sự tin tưởng, đợi chờ.

Hơn 14 năm về chung một nhà, cuộc sống có những lúc hết sức khó khăn. Từ lúc cưới nhau, anh chị ở ngôi nhà bằng mái lợp fibro xi măng bên vách núi, chật chội, thiếu thốn đủ bề. Nhiều hôm mưa bão bốc tung cả mái nhà, vợ con anh lại di chuyển sang nhà trẻ của đơn vị để tránh mưa lũ. Lại thêm tiết trời ở miền tây xứ Nghệ rất khắc nghiệt, anh chị phải gửi các con về quê nhờ ông bà chăm sóc. Chị Loan xúc động chia sẻ: “Năm 2008, chúng tôi về chung một nhà, hơn 10 năm phải đi thuê trọ, nhà ở xuống cấp, khổ nhất là những ngày mưa bão. Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng luôn động viên nhau cố gắng để hoàn thành mọi nhiệm vụ. Từ năm 2019, được ở trong căn nhà công vụ của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4, vợ chồng tôi rất vui mừng, càng thêm yên tâm công tác”.

Trái ngọt tình yêu nơi biên giới của anh chị là hai con đều chăm ngoan, học giỏi. “Cuộc sống còn nhiều khó khăn, thương các con phải xa bố mẹ nhưng vợ chồng tôi luôn động viên nhau, làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các con, cố gắng làm được nhiều điều tốt đẹp để vun đắp cho hạnh phúc gia đình”, anh Hưng thổ lộ với chúng tôi, ánh mắt nhìn về phía vợ chan chứa yêu thương.

Bài và ảnh: HOÀNG TRUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tiep-lua-truyen-thong/hanh-phuc-hoa-trong-tinh-yeu-bien-cuong-693235