Hạnh phúc nghề y
Mang niềm vui, sức khỏe cho bệnh nhân chính là hạnh phúc, sứ mệnh to lớn của những người làm ngành y. Dẫu ở cương vị nào, họ cũng dốc tâm sức, tài đức và cường độ làm việc để thực hiện tròn sứ mệnh, nỗ lực vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân.
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, phóng viên báo Cà Mau gặp gỡ các y, bác sĩ để cùng sẻ chia chuyện nghề, trăn trở và những đóng góp trong ngành y.
Lấy người bệnh làm trung tâm
Tình yêu với nghề y nhen nhóm từ khi phải ra vào bệnh viện chăm sóc cha bệnh nặng, Bác sĩ CKII Nguyễn Mỹ Dung, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Chuyên khoa Nội tiết), Bệnh viện Ða khoa Hoàn Mỹ Minh Hải, đã nỗ lực hiện thực hóa tình yêu ấy. Ðến nay, chị đã có gần 30 năm khoác áo blouse trắng với tâm huyết là làm tất cả những gì có thể để chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người bệnh, luôn lấy người bệnh làm trung tâm.
Trăn trở lớn nhất hiện nay của chị chính là để mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ y tế. Theo chị, để cập nhật kiến thức về chăm sóc sức khỏe thì ngoài bảo hiểm y tế toàn dân, phát triển y tế địa phương, cũng cần phối hợp với các tổ chức từ thiện, Hội Thầy thuốc trẻ, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, trường học... để mở rộng và triển khai hiệu quả các chương trình về chăm sóc sức khỏe, kỹ thuật y tế mới - hiện đại đến được từng người, từng nhà.
Kỷ niệm đáng nhớ của Bác sĩ Nguyễn Mỹ Dung trong thời gian làm nghề là thời khắc cùng bác sĩ sản khoa của bệnh viện tiếp nhận theo dõi điều trị một thai phụ được làm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) có rối loạn đường huyết. Trong quá trình theo dõi, chị tư vấn tận tâm, đồng cảm và chia sẻ lo lắng với thai phụ. Niềm vui như vỡ òa cùng với cặp vợ chồng hiếm muộn ấy khi chị và ê kíp y - bác sĩ nhìn thấy em bé chào đời khỏe mạnh.
“Kiến thức là vô tận nên cần được cập nhật liên tục, học tập, trau dồi, đúc kết kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp để có thể tiếp cận với nền y học hiện đại, vì sức khỏe và an toàn cho người bệnh là trên hết”, Bác sĩ Dung khẳng định.
Làm việc bằng tất cả tâm huyết
Thầm lặng với công việc “giải mã” bệnh dựa trên siêu âm chụp chiếu, Bác sĩ CKI Trần Thanh Tuấn, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Ða khoa Hoàn Mỹ Minh Hải, luôn cần mẫn trau dồi chuyên môn, đưa ra những chẩn đoán bệnh chính xác từ những tấm phim, soi rọi từng lát cắt trên màn hình máy tính để tìm ra bất thường bên trong cơ thể người bệnh. Anh làm công việc này bằng tất cả say mê của mình.
“Dù là công việc lặng thầm phía sau các thành công trong điều trị của đồng nghiệp, nhưng những bác sĩ chẩn đoán hình ảnh như chúng tôi vẫn luôn tận tâm, hỗ trợ đắc lực nhất sau quá trình thăm hỏi và khám bệnh. Bởi hiện nay, không có chuyên khoa nào là không liên quan đến hình ảnh học y khoa. Ngay cả da liễu, tâm thần... cũng phải dùng đến chẩn đoán hình ảnh để giúp cho việc chẩn đoán bệnh được toàn diện hơn. Do đó, chẩn đoán hình ảnh tương tác với mọi chuyên khoa và hỗ trợ theo nhiều cấp độ trong việc cung cấp thêm thông tin lâm sàng cho bệnh nhân”, Bác sĩ Tuấn vui vẻ.
Bác sĩ Tuấn cho rằng, không chỉ riêng nghề y, nghề nào cũng vậy, phải yêu nghề mới làm được nghề. Trong môi trường đặc thù của nghề y, thường xuyên phải tiếp xúc với người bệnh, mắc các bệnh lý phức tạp nên rất áp lực. Y, bác sĩ phải luôn đặt mình trong tâm thế của người nhà để thấu hiểu, đồng cảm, đặt lợi ích của bệnh nhân lên hàng đầu, từ đó, giải quyết mọi áp lực, căng thẳng, hướng tới chất lượng làm việc tốt nhất.
"Khi làm việc bằng tất cả tâm huyết, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân sẽ cảm nhận được, thể hiện qua những sự bày tỏ hết sức giản dị, chân thành như: lời cảm ơn, dòng tin nhắn hỏi thăm nhân ngày lễ, Tết, ngày thầy thuốc... hay đơn giản chỉ là cái bắt tay thật chặt và niềm vui, nụ cười khi xuất viện... Ðó chính là món quà ý nghĩa nhất mà các y, bác sĩ nhận được", Bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Luôn là người thân của bệnh nhân
Hơn 10 năm gắn bó với nghề, niềm hạnh phúc lớn nhất với Bác sĩ Lê Thanh Dị, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Ða khoa tỉnh Cà Mau là có rất nhiều ông bà, cô, chú, cậu, dì, anh, chị... Anh cười: “Họ xuất viện rồi vẫn gọi, nhắn tin hỏi thăm, biểu con ráng giữ sức khỏe. Rồi thi thoảng lại gửi tôm, cá, mớ rau, trái cây vườn nhà... như thể gửi cho con cháu ở xa quê”.
Khoa Cấp cứu là khoa duy nhất trong bệnh viện không bao giờ được báo hết giường, không bao giờ được phép từ chối người bệnh và mọi việc đều luôn khẩn trương, chính xác, kịp “thời gian vàng” để cứu sống người bệnh... Do vậy, Bác sĩ Lê Thanh Dị luôn tự dặn lòng phải đọc, phải học nhiều hơn để nâng cao chất lượng và niềm tin của người bệnh. Anh vui vì có thể góp sức cùng sự phát triển của bệnh viện khi bệnh viện được xếp hạng I.
“Những ai có người thân, người nhà làm trong ngành y tế sẽ thấu hiểu sự vất vả mà những nhân viên, y, bác sĩ phải trải qua. Ðại dịch Covid-19 vừa qua đã minh chứng tất cả. Tôi mong xã hội có cái nhìn cảm thông hơn với ngành y, để lực lượng khoác áo blouse trắng giảm bớt áp lực, có nhiều hơn thời gian, tâm, trí, lực học hỏi, luyện tập, nghiên cứu phụng sự cho sự phát triển ngành y”, Bác sĩ Lê Thanh Dị bộc bạch.
Theo Bác sĩ Lê Thanh Dị, để ngành phát triển hơn, mong rằng tỉnh chú trọng công tác đào tạo, đào tạo liên tục, chuyên sâu hơn, để đội ngũ y, bác sĩ đi tu nghiệp, trau dồi kiến thức nâng cao trình độ chuyên môn; đồng thời, chú trọng đời sống cho lực lượng ngành y. Ðối với người dân, khi có bệnh nên đến các cơ sở y tế thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán, điều trị; không nên đến những cơ sở y tế không được cấp phép, hay tin những lời đồn, hoặc không phải bác sĩ chuyên khoa, điều trị phản khoa học, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng.
Dồn hết tâm sức cho từng ca phẫu thuật
Là bác sĩ nữ đầu tiên và duy nhất theo Khoa Ngoại Thần kinh của Bệnh viện Ða khoa tỉnh Cà Mau, nên khi mới về công tác, dường như ai gặp Bác sĩ Trần Bé Hiếu cũng hỏi vì sao nữ lại chọn ngoại khoa (một chuyên ngành vất vả), đã vậy còn chọn Ngoại Thần kinh - chuyên ngành phức tạp.
“Tôi bị hỏi nhiều đến mức lo sợ bản thân làm không nổi. Nhưng đến nay đã gần 5 năm công tác tại khoa, tôi nhận ra ngành nghề nào, chuyên ngành nào muốn thành công đều vất vả, bất kể là nam hay nữ. Một ca bệnh nội khoa phức tạp đâu vì gặp bác sĩ nam mà trở nên đơn giản, một ca chấn thương nghiêm trọng đâu vì gặp bác sĩ nam mà trở nên dễ dàng, một đêm trực đâu vì là bác sĩ nam mà rút ngắn vài tiếng... Với chúng tôi, mỗi người đều vì mục tiêu riêng, giữ cho mình những động lực riêng mà tiếp tục cố gắng; đó là sức khỏe của người bệnh”, Bác sĩ Bé Hiếu tâm tình.
Tâm niệm của Bác sĩ Bé Hiếu là bản thân không ngừng học hỏi nâng cao kiến thức, không ngừng luyện tập để ngày càng thành thạo kỹ thuật; lắng nghe bệnh nhân nhiều hơn để mang đến sự hài lòng và hơn hết chính là giành lại sự sống từ tay “tử thần” cho nhiều bệnh nhân.
“Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, tôi muốn gửi đến tất cả đồng nghiệp, những y, bác sĩ, nhân viên y tế lời chúc sức khỏe vì đôi khi những người chăm sóc sức khỏe cho người khác lại là người ít quan tâm đến sức khỏe của mình nhất. Mục tiêu năm 2024 của tỉnh là 13,5 bác sĩ/10.000 dân, con số cũng phần nào nói lên trách nhiệm, thách thức trong tương lai. Thế nên, mong rằng tất cả nhân viên, cán bộ y tế lắng nghe cơ thể nhiều hơn, chăm sóc bản thân nhiều hơn, khỏe mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần để tiếp tục vượt qua khó khăn, nỗ lực cống hiến vì sức khỏe Nhân dân”, Bác sĩ Hiếu nhắn gửi./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/hanh-phuc-nghe-y-a31427.html