Hạnh phúc phụ thuộc vào... người giúp việc?
Nếu nói rằng thị dân Việt Nam đang ngày càng lệ thuộc vào người giúp việc thì có lẽ là võ đoán. Song, thực tế không hiếm gia đình đã thường trả lương cho người giúp việc hết một nửa thu nhập. Thậm chí, tác giả Phạm Quang Vinh đã bình luận về việc Hạnh phúc phụ thuộc người giúp việc.
Tôi có cơ hội làm việc với khá nhiều trẻ em Việt Nam ở độ tuổi thiếu niên. Khi nói chuyện hoặc khi hướng dẫn cho các em làm một số việc cá nhân như nấu nướng, chuẩn bị các thứ đồ của mình, đôi khi tôi được nghe những câu trả lời tương đối sững sờ, theo kiểu như là: “Việc này cháu thường không làm”; “Việc này nhà cháu có người giúp việc làm rồi!”. Đó là những câu trả lời không quá xa lạ, đặc biệt là với các thiếu niên ở đô thị.
Thi thoảng, tôi cũng được nghe những câu chuyện về các cháu thiếu niên Việt Nam khi đi học ở nước ngoài, có khá nhiều cháu bị sốc, stress, căng thẳng do có rất nhiều từ các cháu phải tự làm lần đầu tiên trong đời, từ việc nấu nướng, giặt giũ, cho đến phải việc quyết định những công việc cá nhân.
Điều này có lẽ được hình thành từ một lối sống, thói quen sinh hoạt tương đối phổ biến ở các đô thị của chúng ta trong thời gian khoảng vài ba chục năm gần đây.
Rất nhiều gia đình, kể cả những gia đình không phải quá có điều kiện, đều có một người giúp việc trong nhà. Người đó sẽ làm hầu như tất cả mọi việc, từ dọn dẹp, nấu nướng đến chăm sóc trẻ em…
Thậm chí, từng có câu chuyện mà mọi người nói vui với nhau, ví dụ như: “Dạo này con của tôi nói giọng của vùng này, vùng kia bởi vì trong nhà có người giúp việc quê ở vùng đó”. Là do trẻ con khi ở nhà thì nói và tiếp xúc với người giúp việc nhiều hơn so với bố mẹ và vì vậy có sự ảnh hưởng.
Một lần, anh bạn của tôi tâm sự, anh thấy cuộc sống gia đình có vấn đề, bởi từ khá lâu, bữa sáng hay bữa tối đều do giúp việc chuẩn bị, bố mẹ và con cái hầu như không vào bếp. Anh ấy nhìn thấy một sự nguy hiểm, vì trong nhà, không gian riêng tư không còn bởi sự hiện diện của 3 người giúp việc. Trong nhà, cũng không ai có nhu cầu dọn dẹp, nấu nướng. Và con của anh ấy khi nhìn vào cách hành xử của bố mẹ, cũng sẽ nhờ người giúp việc làm hết việc này đến việc khác, dẫn đến mất dần khả năng tự chăm sóc, tự làm những việc của mình.
Tôi hiểu người giúp việc là cần thiết. Nhiều gia đình trẻ có người giúp việc sẽ giúp họ rất nhiều trong hỗ trợ, chăm sóc cho con cái, hỗ trợ chuyện dọn dẹp công việc lặt vặt trong gia đình. Tôi cũng nghĩ, việc có người giúp việc là cần thiết khi chúng ta cần phải chăm sóc người cao tuổi.
Tuy nhiên, sử dụng người giúp việc cũng cần và nên phải được cân nhắc ở một khía cạnh nữa, đó là liệu sự hỗ trợ người giúp việc có ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, sự chăm sóc, sẻ chia trong gia đình; và có ảnh hưởng đến việc giáo dục con cái của chúng ta, để các cháu có được những kỹ năng cá nhân thông thường hay không?
Ví dụ như việc tự nấu nướng, tự chọn món ăn, tự chăm sóc, sắp xếp quần áo, tự dọn dẹp phòng của mình…. đó là những kỹ năng bắt buộc và thông thường của một người trưởng thành. Và những kỹ năng đó không thể hình thành nếu như trong suốt tuổi trẻ, các cháu, các em không được thử nghiệm, tự làm những việc như vậy.
Và tôi nghĩ các gia đình trẻ, trong chừng mực nào đó, nên cân nhắc một cách đầy đủ và nghiêm túc trước khi sử dụng người giúp việc, cũng như những giới hạn của việc sử dụng người giúp việc có ảnh hưởng gì tới cuộc sống của gia đình mình./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/goc-nhin/blog/hanh-phuc-phu-thuoc-vao-nguoi-giup-viec-post976972.vov