Hạnh phúc sum vầy
Chị nhẩm tính tổng cộng lương của hai vợ chồng, tiền thưởng Tết của cơ quan và các khoản phải chi: Quà biếu sếp, quà Tết hai bên ông bà nội ngoại, sắm quần áo mới cho hai con, tiền mừng tuổi các ông già bà cả và trẻ nhỏ, tiền sắm đào, quất, bánh kẹo, mâm ngũ quả, mấy con gà, bánh chưng…
Nhẩm tính xong thì chị thở dài. Anh Sơn biết vợ lo lắng nên động viên: “Tết nào mà chả vậy, em tính tính toán toán làm gì cho mệt”.
Quên đi thì thôi chứ cứ nghĩ đến là chị Hà lo ngay ngáy. Chị lo Tết xong thì tài chính của gia đình sẽ thâm hụt, chị phải sống trong tình trạng “viêm màng túi”, giật gấu vá vai, ăn tiêu tiết kiệm để bù cho cái Tết phải tiêu đủ các khoản, nhất là khoản quà Tết.
Hai đứa nhỏ thì cứ háo hức, đếm từng ngày để được đón Tết đến Xuân về, sẽ được mẹ mua quần áo mới cho diện Tết, được nghỉ học để về ông bà chơi, được mừng tuổi và được thưởng thức những món ăn ngon, trong khi chị Hà cứ muốn thời gian trôi chậm lại.
Chị còn ước hai, ba năm mới có Tết một lần thì càng tốt. Sắm Tết trong gia đình thì chị sẽ “liệu cơm gắp mắm”, tiền ít mua ít, tiền nhiều mua nhiều nhưng riêng khoản quà Tết thì không thể bớt xén so với Tết trước được.
Đau đầu nhất là khâu chọn lựa quà Tết cho sếp. Nếu mang mỗi cái phong bì đi Tết sếp cũng thật vô duyên. Tết nào anh Sơn và chị Hà cũng phải nghĩ ra món quà thật “độc”, thật ý nghĩa và không lặp lại quà của lần trước. Vì vậy, trước Tết, dù bận rộn đến đâu anh Sơn cũng cất công tìm được những món quà ưng ý để biếu sếp. Năm thì cặp gà Đông Tảo, năm thì chậu mai vàng, năm thì cây đào thế có đủ nụ, hoa, quả…
Tìm và mua quà đã kỳ công, “phục kích” ở cổng nhà sếp, lựa đúng lúc sếp có nhà để vào chúc Tết lại là cả một “kỳ công” nữa. Nhiều khi chị Hà bực bội, tự trách bản thân mình: “Đúng là tự mình làm khổ mình, phú quý sinh lễ nghĩa chứ có sếp nào bắt mình phải cầu kỳ thế đâu”, rồi chị lại tự an ủi: “Thôi thì cả năm có mỗi dịp Tết để tỏ lòng cảm ơn, quan tâm đến cấp trên”.
Xong việc Tết sếp, anh Sơn và chị Hà mới nghĩ đến quà Tết cho hai bên nội ngoại. Bố mẹ chị Hà thì dễ tính nên anh Sơn mua quà gì ông bà cũng vui vẻ. Thậm chí nhiều Tết anh Sơn chỉ mua một gói quà “tượng trưng” còn lại thì anh Tết các cụ bằng tiền mặt.
Nhà chị Hà đông anh em nên khi Tết đến, các con, các cháu quây quần bên ông bà rất nhộn nhịp. Các con biếu ông bà bao nhiêu tiền thì ông bà mừng tuổi lại các cháu hết. Ngược lại, bố mẹ anh Sơn rất khái tính. Ông bà không bao giờ nhận tiền của con dâu, cũng không yêu cầu con dâu phải mua cái này, mua cái kia cho mình. Nhưng nếu chị Hà không để ý, sắm thừa hoặc thiếu là y như rằng mẹ chồng chị sẽ không vui.
Vì không ở chung nhà nên giáp Tết, chị Hà phải tranh thủ ghé qua thường xuyên để xem bố mẹ chồng thiếu cái gì thì chị sẽ sắm dần hoặc ông bà có cái gì rồi để chị không mua lặp. Thành ra, Tết đến, chị Hà vất vả, tất bật gấp mấy ngày thường.
Tết này, chị Hà vẫn chu đáo với bố mẹ chồng như mọi năm. Chị sắm Tết nhà mình thế nào thì chị cũng sắm Tết cho bố mẹ chồng y như thế. Vậy mà trong bữa cơm tất niên, mẹ chồng chị không nói câu nào. Biết bà buồn, ăn uống không ngon miệng nhưng chị không dám hỏi. Chị cứ băn khoăn không biết mình gây ra lỗi gì khiến bà không vui.
Đến khi nhận được điện thoại của em gái anh Sơn, chị Hà mới vỡ lẽ. Thì ra Tết này cô út không về. Cô ấy lấy chồng ở thành phố, nhân dịp nghỉ Tết nhiều ngày nên vợ chồng con cái quyết định đi du lịch nước ngoài. Cô út chỉ kịp gửi ít tiền về làm quà Tết bố mẹ. Giọng cô háo hức: “Em sắp lên máy bay rồi! Khi về em sẽ có quà cho mọi người”.
Chị Hà không hề ngạc nhiên vì cơ quan chị cũng có mấy gia đình khá giả đã lên kế hoạch rủ nhau đặt vé đi du lịch xa từ trước Tết cả tháng trời. Quan niệm của họ là “chơi Tết” chứ thời “ăn Tết” đã lùi xa vào dĩ vãng rồi. Riêng chị Hà chỉ muốn “nghỉ Tết” nhưng nghĩ đến cảnh phải vào bếp nấu hai, ba mâm cơm cho cả đại gia đình rồi rửa bát, rửa chén trong thời tiết giá lạnh thì chị chẳng hứng thú chút nào.
Biết chuyện gia đình em gái đi du lịch “tránh Tết”, anh Sơn tự nhủ: “Nhất định khi em gái trở về anh sẽ góp ý. Cả năm có cái Tết đoàn viên thì lại đi du lịch, làm bố mẹ buồn là phải”.
Nghe mẹ chồng phàn nàn: “Bố mẹ chẳng sống được bao lâu nữa, Tết về chỉ mong con cháu đủ đầy. Vậy mà nó lại sợ Tết, trốn Tết để đi chơi ở tận nước ngoài”. Chị Hà chợt nhận ra rằng món quà Tết có ý nghĩa nhất đối với bố mẹ hai bên chính là sự sum vầy đông đủ của các con, các cháu. Tết đến là dịp gia đình được đoàn tụ, được nghỉ ngơi sau cả một năm bận rộn, làm việc vất vả và ít có thời gian dành cho nhau. Quà Tết chỉ cần tượng trưng để thể hiện lòng hiếu thảo chứ không cần quá cầu kỳ hay nặng về vật chất, cốt yếu nhất vẫn là ở tấm lòng của con cháu dành cho ông bà, bố mẹ.
Các cụ xưa dạy thật thấm thía: “Già được bát canh, trẻ được manh áo mới”. Ngày Tết, chỉ cần con cháu sum vầy, nấu những món ăn ngon, nóng hổi, ngồi bên ông bà, ríu rít chuyện trò, thưởng thức rồi cùng nhau đi chơi xuân, đi chúc Tết họ hàng thì hẳn là cha mẹ già nào cũng cảm thấy niềm hạnh phúc ngập tràn.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hanh-phuc-sum-vay-post622892.html