Hạnh phúc trọn vẹn nơi biên giới Việt-Lào

Đi theo tiếng gọi của tình yêu, nhiều công dân Lào đã theo chồng (vợ) về Việt Nam sinh sống ở xã thuộc địa bàn biên giới tỉnh Quảng Bình. Vậy nhưng, đằng sau những mối tình 'xuyên quốc gia' này là vô vàn khó khăn khi họ chưa được pháp luật công nhận là vợ chồng hợp pháp. Bởi vậy, việc được nhập quốc tịch Việt Nam đã mang lại niềm hạnh phúc trọn vẹn cho các cặp vợ chồng Việt-Lào…

Những mối tình xuyên biên giới

Dọc dài theo dãy Trường Sơn hùng vĩ của tỉnh Quảng Bình, không khó để tìm gặp những mái nhà mang “2 quốc tịch” Việt-Lào. Sau nhiều năm sống không hợp pháp trên đất Việt Nam, đến nay, họ đã được Chủ tịch nước cho nhập quốc tịch, trở thành công dân Việt Nam. Với sự quan tâm, hỗ trợ về mọi mặt của chính quyền địa phương, cuộc sống của họ ngày càng ổn định, an tâm gắn bó lâu dài với vùng đất mới.

Cách đây 17 năm, Nang Tuất (SN 1981), cô gái Lào xinh đẹp ở bản Pà Cần, xã Khun Sêng, huyện Bua Lạ Pha, tỉnh Khăm Muồn đã theo “người yêu” là anh Hồ Văn Khăm về định cư ở bản Cây Cà, xã Trường Sơn (Quảng Ninh). Chừng ấy năm sống chung một mái nhà, 2 vợ chồng Hồ Văn Khăm và Nang Tuất có 3 mặt con nhưng anh chị vẫn chưa trở thành vợ chồng hợp pháp bởi chưa đăng ký kết hôn. Chỉ đến khi chị Nang Tuất được nhập quốc tịch Việt Nam vào năm 2019, anh chị mới chính thức thành vợ, thành chồng.

Chị Nang Tuất và con trai hiện ở bản Cây Cà, xã Trường Sơn (Quảng Ninh).

Chị Nang Tuất và con trai hiện ở bản Cây Cà, xã Trường Sơn (Quảng Ninh).

Chị Nang Tuất chia sẻ: “Mình rất vui mừng khi được trở thành công dân Việt Nam. Những ngày đầu khi đến đây, mọi thứ đều lạ lẫm. Mặc dù được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ nhưng vì chưa nhập quốc tịch nên mình không được hưởng các chế độ, chính sách khác. Đặc biệt, việc làm các giấy tờ pháp lý cho gia đình và con đi học là vô cùng khó khăn. Từ khi được nhập quốc tịch, trở thành công dân Việt Nam, gia đình mình cũng được quan tâm hơn, hỗ trợ vay vốn làm ăn, làm giấy tờ cho con đi học, công việc cũng thuận lợi. Mình cảm ơn Nhà nước Việt Nam, cảm ơn chính quyền các cấp đã luôn tạo điều kiện để gia đình có được cuộc sống hạnh phúc ở đây”.

Cũng giống như chị Nang Tuất, chị Y Thấu (SN 1992) vừa được nhập quốc tịch Việt Nam theo đề án thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước.

Chị Y Thấu cho biết: Năm 2014, vì “ưng cái bụng” với anh Đinh Bửu, chị di cư từ cụm bản Noỏng Mạ (Lào) về làm dâu ở bản 61, xã Thượng Trạch (Bố Trạch). Mối tình “xuyên quốc gia” của anh chị lúc đó gặp không ít khó khăn do mình là người di cư tự do, kết hôn không giá thú. Sau khi được nhập quốc tịch Việt Nam, được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, cấp cây, con giống để sản xuất thì cuộc sống của gia đình anh chị mới thực sự an cư, đổi thay từng ngày.

Vun đắp tình hữu nghị

Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch Đinh Cu cho biết: Trong lịch sử, những cuộc di cư của người Lào theo đường 20 qua cửa khẩu Cà Roòng-Noỏng Mạ đến Thượng Trạch và ngược lại vẫn diễn ra thường xuyên. Trai gái người Ma Coong ở hai nước qua lại thăm thân, bén duyên với nhau rồi nên vợ, nên chồng. Vậy nhưng, đây thường là những cặp vợ chồng “ngoài giá thú” vì không đăng ký kết hôn.

Năm 2019, có 4 người Lào cư trú trên địa bàn xã được Chủ tịch nước đồng ý cho nhập quốc tịch Việt Nam. Khi được nhập quốc tịch, họ được hưởng các quyền và nghĩa vụ như công dân Việt Nam, được hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, cây và con giống; bảo hiểm y tế, giấy khai sinh, kết hôn...

Theo thông tin từ Sở Ngoại vụ: Thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước ký ngày 8/7/2013, sau một thời gian hoàn thành các thủ tục pháp lý giữa hai bên, năm 2019, đã có 18 người Lào cư trú trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được Chủ tịch nước đồng ý cho nhập quốc tịch Việt Nam.

Một góc bản 61, xã Thượng Trạch (Bố Trạch).

Một góc bản 61, xã Thượng Trạch (Bố Trạch).

Đây là những công dân Lào di cư tự do, sống dọc biên giới của tỉnh, khá thiệt thòi, trong đó, không có quyền công dân nên không làm được các giấy tờ pháp lý của bản thân và cho các con đi học...

Sau khi được nhập quốc tịch Việt Nam, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều gia đình, cá nhân được đăng ký hộ tịch, đăng ký kết hôn và cấp các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, họ được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, biên giới...

Theo phản ánh của chính quyền địa phương các xã biên giới, kể từ khi được nhập quốc tịch Việt Nam đến nay, cuộc sống của những gia đình “Việt-Lào” ngày càng ổn định.

Với những người Lào này, có lẽ tình yêu đôi lứa và tình yêu đất nước dường như đã hòa làm một. Vậy nên, trong cuộc sống hàng ngày, họ coi vùng đất mới của chồng (vợ) như quê hương thứ hai, cùng chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bản làng văn minh, giàu đẹp, góp phần vun đắp tình hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.

Cùng với phía Việt Nam, năm 2023, 49 công dân tỉnh Quảng Bình (trong đó có 22 nữ) di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới tỉnh Khăm Muồn (Lào) đã được Thủ tướng Chính phủ Lào cho phép nhập quốc tịch Lào theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước ký ngày 8/7/2013.

Phan Phương

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/202411/hanh-phuc-tron-ven-noi-bien-gioi-viet-lao-2222290/