Hạnh phúc vì được là hậu phương của người lính biển

Năm nay, lại một cái Tết nữa không có chồng ở bên, nhưng ba mẹ con đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế và lên kế hoạch đón Tết cùng hai bên nội, ngoại. Vất vả là vậy, nhưng chưa bao giờ cô giáo Nguyễn Thị Hằng thấy hối hận vì đã yêu và lấy chồng bộ đội, thậm chí còn rất hạnh phúc vì được là một phần cuộc sống của người lính biển.

“Anh biết không, ở quê nhà trời đã chuyển lạnh rồi. Những cơn gió bắt đầu mạnh mẽ hơn, sương mù phủ kín mỗi ban mai em thức dậy và nắng vàng nhạt hơn. Em cảm nhận rõ cái se lạnh đặc trưng của mùa đông đang đến gần. Có lẽ, đông đến làm cho lòng người trống trải và khơi gợi nỗi buồn hơn anh nhỉ?”. Đó là những tâm sự của cô giáo Nguyễn Thị Hằng gửi đến chồng là Thiếu tá Trần Trung Hiếu, Chính trị viên Trạm 2511, Trung đoàn Ra đa 251, Vùng 2 Hải quân.

 Trần Trung Hiếu và Nguyễn Thị Hằng hạnh phúc ngày nên duyên.

Trần Trung Hiếu và Nguyễn Thị Hằng hạnh phúc ngày nên duyên.

3 năm yêu nhau và 8 năm nên duyên vợ chồng, nhưng những dịp được ở cạnh nhau thật ngắn ngủi khiến cô giáo cảm nhận rõ hơn nỗi cô đơn khi thiếu vắng hơi ấm của chồng bên cạnh, đặc biệt là dịp Tết đến xuân về.

Nhớ lại kỷ niệm của 8 năm về trước, khi vừa cưới được 3 ngày, anh quay trở lại đơn vị công tác, người đất liền (Nghệ An), người nơi hải đảo xa xôi, lúc đó cô giáo ước rằng khoảng cách không phải là hàng nghìn cây số mà chỉ là vài trăm ki-lô-mét để những buổi chiều cuối tuần vợ chồng có thể gặp nhau.

Những giây phút nghẹn ngào, tủi thân, vợ nhìn chồng khóc như mưa khi anh bước lên xe giơ tay vẫy tạm biệt và nói: “Vợ ở nhà ngoan nhé!”. Lúc đó, một chút suy nghĩ ích kỷ len lỏi trong lòng. Chị chỉ muốn giữ chồng lại cho riêng mình. Bởi có đôi vợ chồng trẻ nào mới cưới mà chẳng muốn ở bên nhau. Có cô gái nào lại không mong được hưởng tuần trăng mật bên chồng khi vừa mới thành đôi. Chỉ có 3 ngày, họ còn chưa kịp quen hơi, ấm chỗ. Căn phòng nhỏ vẫn còn nguyên mùi gỗ từ chiếc giường, bộ bàn ghế và cả chiếc tủ trang điểm mà anh mới kịp mua trước ngày chung đôi, tất cả vẫn còn mới nhưng lại nhuộm một màu buồn và thiếu hơi ấm khi không có anh ở bên. Một mình người vợ trẻ chỉ biết ôm con gấu bông làm bạn mà nước mắt cứ chực trào, cổ họng nghẹn đắng lại.

Ngay cả những dòng tin nhắn, những cuộc gọi đôi lúc cũng phải vội vã vì sóng điện thoại chòng chành như những đợt sóng ngoài khơi xa. Ngày 8-3, 20-11, 14-2... và cả những ngày kỷ niệm của cả hai cũng không được ngọt ngào, ấm áp bên nhau bởi khoảng cách. Đã có lúc, ngồi trong căn phòng trống, Nguyễn Thị Hằng thầm ước những ngày lễ có anh ở bên để được cùng nhau đi ăn món mà mình thích, đi trên con đường quen thuộc đầy hương hoa sữa mà ngày yêu nhau họ thường nắm tay đi dạo. Vậy mà, thời gian cứ vô tình trôi qua, để rồi một năm sau ngày cưới họ mới được gặp lại.

Cô giáo Nguyễn Thị Hằng chưa bao giờ thấy hối hận vì đã yêu và lấy chồng bộ đội.

Cô giáo Nguyễn Thị Hằng chưa bao giờ thấy hối hận vì đã yêu và lấy chồng bộ đội.

Hai năm sau đó, anh chuyển công tác về Kho 710 (Cục Kỹ thuật Hải quân), chị bỏ việc ở quê, từ Nghệ An đến TP Hồ Chí Minh thuê nhà ở một năm, sau đó chuyển sang ở nhà công vụ để được gần chồng nhiều hơn. Năm 2019, niềm vui mỉm cười khi cháu Trần Nguyễn Như Quỳnh ra đời trong sự đón chờ của gia đình, bởi sự xa cách của hai vợ chồng quá lâu. Năm 2020, khi chị Hằng mang thai lần hai được 4 tháng, vào dịp gần Tết, anh nhận quyết định công tác với vai trò là Phó chính trị viên Nhà giàn DK1.2.

Ngay sau khi nhận thông báo từ chồng, cánh tay chị buông thõng xuống. Cưới nhau bao nhiêu năm là bấy nhiêu cái Tết chưa được trọn vẹn bên nhau. Trong khi nhà nhà sửa soạn sắm Tết thì chị lại chuẩn bị quần áo cho chồng lên đường. Những ngày sau đó, con gái cầm cuốn album ảnh cưới của bố mẹ, miệng bi bô: “Bố ơi! Bố ơi”. Mẹ bảo với con: “Bố lại đi biển nhé!”. Thế là mẹ con cùng òa lên khóc nức nở. Lại thêm một cái Tết nữa thiếu đi bàn tay của anh, biết bao nhiêu dự định phía trước đều phải gác lại, nhường cho nhiệm vụ thiêng liêng đang đón đợi phía trước.

Con gái thứ 2 Trần Nguyễn Huyền Trân chào đời được 7 tháng, lúc đó anh Trần Trung Hiếu được về thăm nhà. Nhìn thấy bố, cả hai con gái đều khóc vì con lớn quên mặt bố, con nhỏ lần đầu nhìn thấy lạ nên không theo. Biết bao nhiêu buồn tủi, chị Hằng đều nén lại vì tình yêu của mình dành cho chồng. Lấy chồng xa biền biệt, nhiều khi nhớ lắm nhưng cũng không thể gặp. Mỗi khi bản thân ốm đau, đều phải tự chăm sóc cho mình. Mỗi khi có chuyện buồn, thay vì ôm anh làm nũng thì vợ chỉ biết tỉ tê bên bàn phím cùng chồng mà thôi.

Chị rất hạnh phúc vì được là một phần cuộc sống của người lính biển.

Chị rất hạnh phúc vì được là một phần cuộc sống của người lính biển.

Dù xa cách nhưng chị luôn tự nhủ khi hai trái tim cùng nhịp đập, hướng về nhau thì có xa đến mấy cũng hóa gần trở lại, vợ sẽ luôn cố gắng trở thành hậu phương vững chắc để chồng yên tâm cùng đồng đội chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bao khó khăn chị đều chịu đựng được, chỉ hy vọng chồng luôn vững tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó. Chị gạt đi hạnh phúc cá nhân của riêng mình để chồng vững vàng nơi đầu sóng.

Năm nay, lại một cái Tết nữa không có chồng ở bên, nhưng ba mẹ con đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế và lên kế hoạch đón Tết cùng hai bên nội, ngoại. Vất vả là vậy, nhưng chưa bao giờ cô giáo Nguyễn Thị Hằng thấy hối hận vì đã yêu và lấy chồng bộ đội, thậm chí còn rất hạnh phúc vì được là một phần cuộc sống của anh.

Bài và ảnh: TRẦN THANH HUYỀN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/hanh-phuc-vi-duoc-la-hau-phuong-cua-nguoi-linh-bien-764077