Hành trang cho doanh nghiệp chinh phục thị trường
Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nặng nề tới doanh nghiệp, người lao động, nhưng nhiều thương hiệu Việt vẫn giữ ổn định sản xuất, vững vàng chất lượng sản phẩm và đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước.
Hơn thế nữa, những đơn vị sản xuất kinh doanh này đã không ngừng nỗ lực đưa thương hiệu Việt đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước, nhất là chinh phục thị trường quốc tế.
Những bước tiến bằng chất lượng
Theo doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, với sự biến động khó lường của nền kinh tế thị trường toàn cầu, nhận thức rõ việc chinh phục người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm, dịch vụ là chiến lược cần được ưu tiên hàng đầu. Cùng với đó, hành trang để doanh nghiệp bước ra thị trường quốc tế còn phải kể đến chính sách thu hút khách hàng, giá thành hợp lý, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng...
Trên cơ sở nhận thức này, hàng loạt doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, dây chuyền sản xuất tiên tiến, quản lý sản xuất phù hợp, đầu tư vào nhiều lĩnh vực để tạo sản phẩm chất lượng cao. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng có sự chọn lọc những hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận uy tín... để xây dựng thương hiệu trên thị trường.
Chia sẻ với phóng viên, ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Điện Quang đánh giá, chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao như là “sân chơi” cho các doanh nghiệp dựa vào đó mà nỗ lực đạt tới chuẩn mực trong sản xuất kinh doanh. Bởi đạt được tiêu chí này, doanh nghiệp xứng đáng được khách hàng lựa chọn và sự cố gắng đầu tư, nâng cao sản xuất cải thiện của doanh nghiệp trong khâu sản xuất sẽ dần được người tiêu dùng nhìn nhận.
Để đạt được Chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao không phải là điều dễ dàng với doanh nghiệp mà trải qua quá trình dài với nhiều giai đoạn xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu doanh nghiệp. Từ khâu giám sát, kiểm tra sản xuất... cho đến thành phẩm phải đảm bảo trang thiết bị, máy móc đạt chuẩn và cuối cùng là thủ tục pháp lý. Điều này cho thấy, doanh nghiệp phải nghiêm túc trong sản xuất mới được công nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao.
Ông Hồ Quỳnh Hưng cho biết thêm, tính đến năm 2022, Điện Quang đã có gần 50 năm đồng hành cùng người tiêu dùng Việt; trong đó là 26 năm liên tục đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao và luôn là doanh nghiệp đứng Top đầu danh sách ngành hàng chiếu sáng, điện gia dụng. Điện Quang tập trung chú trọng đến việc đầu tư đổi mới, áp dụng công nghệ hiện đại, cải tiến kỹ thuật cho hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất, nâng cao năng suất.
Tương tự, không ngừng đầu tư cho hoạt động bảo vệ tài nguyên nước và giảm tác động của bao bì đến môi trường bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19, Công ty La Vie - Một thành viên của Tập đoàn Nestlé (Thụy Sĩ), vừa được vinh danh trong Top 10 Doanh nghiệp FDI tiêu biểu về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững năm 2021-2022 Chương trình Giải thưởng Rồng Vàng - Golden Dragon Awards lần thứ 21. Kết quả này đạt được là nhờ vào La Vie luôn gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, thông qua các hoạt động “Tạo Giá Trị Chung” (Creating Shared Value - CSV).
Ông Fausto Tazzi, Tổng giám đốc của La Vie chia sẻ, là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nước khoáng thiên nhiên tại Việt Nam, ưu tiên của doanh nghiệp là gìn giữ nguồn nước khoáng quý và thực hiện các sáng kiến để cung cấp sản phẩm nước uống chất lượng cao đến người tiêu dùng theo cách thức bền vững về môi trường. Vì thế, La Vie đã thực hiện những nỗ lực với cam kết về sự bền vững của môi trường, liên quan đến tài nguyên nước, bao bì nhựa và khí thải carbon.
Tính đến nay, La Vie là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam được cấp chứng nhận quốc tế Liên minh Quản lý nước (Alliance for Water Stewardship - viết tắt AWS). Tiêu chuẩn AWS được áp dụng trên toàn cầu với các tiêu chí vô cùng khắt khe, giúp các doanh nghiệp sử dụng nước hiểu rõ thách thức của nguồn nước trong khu vực. Từ đó, có hành động cụ thể, minh bạch và cùng với cộng đồng địa phương giải quyết các thách thức nhằm đảm bảo sự bền vững của nguồn nước chung.
Bình thường mới trong kinh doanh
Bà Vưu Lệ Quyên, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Bình Tiên (Biti’s) cho rằng, bình thường mới trong kinh doanh là làm sao có thể quản trị doanh nghiệp, vận hành sản xuất kinh doanh thích ứng được với những biến động thị trường hay thói quen người tiêu dùng thay đổi.
Phân tích cụ thể, bà Vưu Lệ Quyên cho hay, việc ưu tiên cho mục tiêu, chiến lược nào trong bình thường mới rất quan trọng đối với doanh nghiệp và toàn thể người lao động. Hiện nay, mục tiêu của Biti's là phục hồi lại những con số tăng trưởng của năm 2019.
Mặc dù đây cũng là mục tiêu đầy thách thức khi đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở trong và ngoài nước, kéo sức mua giảm sút. Do đó, doanh nghiệp bền vững là những doanh nghiệp xây dựng được hệ thống và thương hiệu bền vững được chứng nhận bởi những cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, hiệp hội ngành hàng...
Cùng quan điểm, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Phúc Sinh Group chỉ ra rằng, cùng với độ mở của nền kinh tế, cũng như sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam, doanh nghiệp lúc nào cũng phải trên tinh thần "bình thường mới thường xuyên" trong sự biến động của thị trường thế giới. Chính vì vậy, trong quản trị doanh nghiệp cần chủ động thích nghi với tư duy sẵn sàng thay đổi.
Vào thời điểm này, doanh nghiệp cần quan tâm hàng đầu là chuyển đổi số và trong việc chuyển đổi số là làm sao để mọi người sử dụng doanh nghiệp hiệu quả và nhanh gọn. Do đó, người quản lý phải tự trải nghiệm trước và thuyết phục mọi người cùng sử dụng. Đầu tư công nghệ là một trong những tài sản của doanh nghiệp, nhưng phải thực tế và hiệu quả chứ không phải thấy doanh nghiệp khác triển khai mình cũng triển khai mà không quan tâm đến hiệu quả.
Ở góc độ chuyên gia, ông Phạm Đình Huỳnh, Giám đốc Khối dịch vụ doanh nghiệp tư nhân Deloitte Private, Deloitte Việt Nam, hiện nay chuyển đổi số không còn là chuyện cần hay không, mà đã trở thành yêu cầu tất yếu trên hành trình phát triển doanh nghiệp và xây dựng thương hiệu. Sự cần thiết phải chuyển đổi số là yêu cầu với cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu không chỉ doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Phạm Đình Huỳnh, đối với chuyển đổi số trong bình thường mới, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có những thuận lợi riêng của người đi sau, tức là có thể rút ngắn thời gian. Kế hoạch kinh doanh trong điều kiện bình thường hay bình thường mới thường xuyên thì doanh nghiệp nên có chiến lược, nguồn lực và nhân lực để đảm bảo đạt mục tiêu kinh doanh và hướng đến sự phát triển bền vững.
Báo cáo của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho thấy, thị trường giá cả đang bị tác động bởi giá vàng, giá dầu của thế giới; số ca nhiễm COVID-19 cũng có xu hướng tăng khi các hoạt động gần như mở cửa hoàn toàn..., nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh không bị ảnh hưởng nhiều. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 3/2022 trên địa bàn thành phố đã tăng 25,9% so với tháng 2/2022 và tăng 5,5% so với cùng kỳ. Đồng thời, tính chung quý I/2022, chỉ số IIP trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tăng 1% so với cùng kỳ.
Với chỉ số IIP tăng tích cực trong những tháng đầu năm 2022 của nhiều nhóm ngành nghề, lĩnh vực... cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động tại TP Hồ Chí Minh kỳ vọng tận dụng đà tăng trưởng này để tiếp tục ổn định, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng đang là một trong những địa phương mở cửa thị trường nội địa và quốc tế, thúc đẩy kết nối lại thương mại, đầu tư, du lịch... nên tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai chiến lược sản xuất kinh doanh và "phá băng" thị trường trong thời gian tới.