Hành trang cho tân sinh viên khi bước vào ngưỡng cửa đại học - cao đẳng
Cầm trên tay tờ giấy báo nhập học là một sự kiện quan trọng trong đời đối với bất cứ một học sinh nào. Nhưng niềm vui, sự háo hức kéo dài chưa được bao lâu thì hầu hết các tân sinh viên lại phải đối mặt với nỗi lo lắng về những việc phải chuẩn bị trước khi bước vào giảng đường đại học?
Môi trường đại học khác rất xa với trường cấp 3, từ quy mô, phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất dến khung cảnh cũng được bố trí hoàn hảo hơn rất nhiều và đây sẽ là nơi các tân sinh viên sẽ gắn bó suốt bốn năm học.
Đó là một khoảng thời gian không hề ngắn, vì vậy, việc tìm hiểu thật kỹ là một điều cần thiết giúp các tân sinh viên không phải bỡ ngỡ và dễ gặp phải những trải nghiệm tồi tệ trong quá trình học đại học.
Trước khi nhập học các tân sinh viên cũng nên dành thời gian để “khám phá” khuôn viên trường học, lưu ý các địa điểm như văn phòng khoa, thư viện, phòng đào tạo, căng tin… những nơi mà họ có khả năng sẽ lui tới thường xuyên trong trường. Càng hiểu rõ về môi trường học tập các tân sinh viên sẽ càng gặp nhiều thuận lợi trong quá trình học đại học của mình.
Tân sinh viên phải chuẩn bị hồ sơ nhập học
Sau khi nhận được thông báo nhập học của các trường đại học, cao đẳng mơ ước thì điều đầu tiên các tân sinh viên cần chuẩn bị chính là hồ sơ nhập học. Vậy hồ sơ nhập học của bạn bao gồm những gì?
- Giấy báo nhập học (bản chính)
- Sơ yếu lý lịch học sinh - sinh viên (có công chứng của chính quyền địa phương)
- Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời hoặc bằng tốt nghiệp THPT (bản sao công chứng đối với sinh viên tốt nghiệp trước năm 2023)
- Học bạ THPT (bản gốc và bản sao công chứng)
- Giấy khai sinh (bản sao có công chứng)
- Giấy khám sức khỏe
- Giấy tờ pháp lý chứng nhận đối tượng ưu tiên như con thương binh, liệt sĩ, hộ nghèo,... (nếu có)
- Ảnh thẻ 3 x 4 và 4 x 6
Thực tế, mỗi đơn vị giáo dục sẽ có thời gian nhập học khác nhau, và một số giấy tờ, hồ sơ bổ sung thêm. Vì thế, bạn cần đọc kỹ thông tin ở trong giấy báo nhập học gửi về địa phương để tránh tình trạng sai hoặc thiếu giấy tờ.
Tìm chỗ trọ và chuẩn bị các vật dụng sinh hoạt cần thiết
Hầu hết các trường đại học đều có ký túc xá dành cho sinh viên, đây là nơi ở tập thể, ở ghép từ 4 - 8 người trong một phòng. Ưu điểm khi ở ký túc xá chính là chi phí thấp, thuận tiện cho quá trình đi học và quen được nhiều bạn mới hơn.
Tuy nhiên, ở ký túc xá cũng có một số nhược điểm như: giờ giấc không tự do, không được nấu ăn trong phòng và do ở quá đông nên sẽ không được thoải mái. Bên cạnh đó, thường ký túc xá cũng rất khó vào ở, phần lớn sẽ dành cho các bạn sinh viên thuộc diện chính sách hoặc ưu tiên.
Tìm chỗ ở trọ, với tâm lý tự lập thì phần lớn sinh viên đều sẽ lựa chọn không ở tại ký túc xá để được thoải mái về thời gian, không gian, nấu ăn. Tuy nhiên, đối với các tân sinh viên thì khi lựa chọn thuê ở trọ bạn cần đặc biệt lưu ý về các vấn đề sau:
Các bạn nên chọn những khu vực đảm bảo trật tự an ninh, vệ sinh, được trang bị những tiện nghi thiết yếu (điện, nước, Internet…). Nếu đã chọn được nhà trọ ưng ý, nên thỏa thuận rõ ràng trên giấy tờ ngay từ đầu về thời gian, giờ giấc, chi phí điện, nước và các mức phí khác. Tránh việc thỏa thuận miệng vì chủ nhà có thể tăng giá, cắt hợp đồng mà không có lý do chính đáng.
Đối với việc chuẩn bị các vật dung sinh hoạt, bạn cần sắm sửa một vài vật dụng phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như ăn, ngủ, học tập,… Một chiếc giường dễ chịu và thoải mái sẽ là người bạn đồng hành tuyệt vời suốt thời sinh viên.
Nếu ở một mình, hãy chọn loại giường đơn bằng gỗ công nghiệp. Nếu phòng quá nhỏ và chi phí ít hơn, có thể mua nệm thay thế. Với các loại chăn, gối, màn, bạn nên chọn vải cotton thoáng mát.
Tủ quần áo cũng là một món đồ cần thiết. Với chi phí trung bình, các loại tủ gấp với chất liệu vải tốt, màu sắc, hoa văn bắt mắt sẽ phù hợp với nhu cầu của sinh viên cũng như không gian eo hẹp của nhà trọ.
Một món đồ khác cũng không thể thiếu đó chính là các dụng cụ làm bếp. Hãy mua sắm một vài thứ để nấu ăn nếu bạn không muốn ngày nào cũng phải ăn cơm tiệm. Một chiếc bếp điện từ với giá thành rất kinh tế, nhanh và tiện dụng, lại phòng tránh được cháy nổ là một lựa chọn vô cùng thông minh dành cho các bạn sinh viên. Để tiết kiệm, bạn chỉ cần chọn những dụng cụ làm bếp thiết yếu nhất như xoong chảo, chén bát, đũa, muỗng, thớt…
Mua sắm laptop và các thiết bị phục vụ cho học tập
Laptop hay máy tính để bàn là một vật dụng không thể thiếu đối với tân sinh viên. Bởi vì hiện nay, các trường đại học đều sử dụng phần mềm để trình chiếu bài giảng trên lớp và sinh viên cũng cần chuẩn bị bài thuyết trình, tìm hiểu thông tin và làm bài tập về nhà trên máy tính.
Tân sinh viên nên trực tiếp đến các cửa hàng điện tử trên thị trường để được tư vấn và quyết định chọn lựa sản phẩm phù hợp với túi tiền và sở thích của mình. Ngoài ra, nên cân nhắc chọn mua laptop hơn là máy tính để bàn vì các bạn sẽ cần mang theo khi học nhóm, thuyết trình hay làm bài tập trên lớp.
Tân sinh viên các ngành đồ họa, mỹ thuật thường cần nhiều dụng cụ học tập hơn nên phải tìm hiểu thật kỹ để mua đầy đủ. Vì còn là sinh viên, kinh phí eo hẹp nên hay lên một danh sách cụ thể những món cần mua trước khi bắt tay vào mua sắm để tránh bị cuốn vào những món đồ không cần thiết gây lãng phí.
Chuẩn bị phương tiện đi lại
Nếu các bạn đã có phương tiện đi lại như xe máy, xe đạp điện… thì nên tìm hiểu kỹ về tình trạng an ninh khu vực nhà trọ. Nếu phòng trọ của bạn có chỗ để xe an toàn thì rất tốt, nhưng nếu phòng trọ không có địa điểm để xe cụ thể thì bạn nên cất xe vào trong phòng của mình, hoặc một chỗ gửi xe qua đêm có uy tín để tránh việc mất trộm xảy ra.
Đối với việc di chuyển bằng xe buýt, hiện nay, trên các phương tiện công cộng, tội phạm móc túi hoạt động với nhiều chiêu thức khá tinh vi. Vì thế, các bạn phải thận trọng trong việc giữ gìn những đồ dùng quan trọng như tiền bạc hoặc điện thoại khi đi xe buýt.
Vào đại học là một trong những bước ngoặt quan trọng của cuộc đời. Hầu hết các bạn trẻ sẽ phải xa gia đình và bắt đầu cuộc sống tự lập. Vì vậy, việc gặp không ít khó khăn trong quá trình chuẩn bị là điều không thể tránh khỏi.
Trên đây là những lưu ý cơ bản nhất bạn có thể chuẩn bị trước khi bắt đầu “chuyến đi đến những miền đất mới” để học tập. Những điều này rất đơn giản nhưng lại không thể thiếu được trong hành trang của các bạn.
Nếu có một sự chuẩn bị kỹ càng thì các bạn sẽ không phải lo lắng quá nhiều, gây ảnh hưởng đến việc học tập. Cuối cùng, chúc các bạn tân sinh viên có một mùa nhập học thành công, suôn sẻ!