Hành trang và động lực kinh tế năm 2023
Hành trang và động lực kinh tế Việt Nam bước vào năm 2023 không chỉ là những thành công trên mà còn khát vọng hùng cường của một quốc gia.
Kinh tế Việt Nam bước vào năm 2023 tràn trề năng lượng gắn với đà phục hồi ấn tượng của năm 2022, năm đầu tiên trong giai đoạn 3 năm dịch Covid-19 2020-2022, cả nước đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kinh tế kế hoạch; tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong hơn 20 năm qua, thuộc top đầu trong các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, góp phần đưa GDP của Việt Nam dự kiến vươn lên thứ 3 về quy mô trong khu vực Đông Nam Á và thứ 33 thế giới năm 2022.
Hơn nữa, nội lực và hiệu quả đầu tư xã hội của nền kinh tế được nâng cao do tốc độ tăng trưởng GDP đạt cao hơn, thu ngân sách nhà nước tăng vượt trội, trong khi giảm được chi phí vốn đầu tư xã hội và duy trì được tỷ lệ lạm phát thấp hơn mục tiêu kế hoạch; tỷ lệ nghèo giảm; tổng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng bùng nổ; hệ số tín nhiệm quốc gia dài hạn và thương hiệu quốc gia được cải thiện, uy tín, vị thế quốc tế tiếp tục củng cố; kinh tế số và chuyển đổi số có sự phát triển mới; thăng dư thương mại hàng hóa cao do xuất khẩu sang tất cả các thị trường đều phục hồi so với năm 2021, trong đó xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) tăng 23,5% và sang khu vực Đông Nam Á tăng 23,3%.
Lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản Việt Nam có thể đạt mức 11 tỷ USD, tức đã về đích trước hẹn so với mục tiêu Chính phủ đặt ra là đạt 10 tỷ USD vào năm 2025...
Hành trang và động lực để Việt Nam bước vào năm 2023 không chỉ là những thành công trên về kinh tế năm 2022, mà còn có khát vọng hùng cường của một quốc gia 100 triệu dân đang nỗ lực cải cách hành chính, đột phá thể chế để vượt lên chính mình trong bối cảnh còn nhiều thách thức cả trong và ngoài nước, khi thế giới đang đối mặt với "làn sóng thứ 5 của cuộc khủng hoảng nợ" gắn với xu hướng lạm phát và nợ công tiếp tục gia tăng, suy giảm tổng cầu tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế trên thế giới chậm lại (với 90% các nền kinh tế phát triển, 80% các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi đều bị IMF và WB hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2022 và 2023); các doanh nghiệp còn chịu mức độ cao cả chi phí đầu vào và sự lệ thuộc quá mức, cùng sự thiếu hụt nguồn cung đầu vào. Sự trì trệ của thị trường chứng khoán và bất động sản, tình hình cắt giảm lao động, giờ làm tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập và yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội.
Hành trang và động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023 được duy trì trên nền tảng triển khai các chính sách kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế và hướng tới sự cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo sự vận hành lành mạnh, thông suốt và ổn định của hệ thống tài chính; phát triển và nâng cao năng lực tính minh bạch và hiệu quả thể chế, củng cố tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư; tăng cường kiểm soát và lành mạnh hóa các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường tín dụng, thị trường lao động và thị trường năng lượng; thúc đẩy Chương trình phục hồi và các chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, kiểm soát nợ xấu, nợ thuế và chi phí vốn của doanh nghiệp; tăng cường thu hút FDI đầu tư mới, thúc đẩy liên kết và chuyển giao công nghệ giữa khu vực FDI và kinh tế trong nước; phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tăng cường công tác bảo đảm an sinh xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo...,
Hành trang và động lực năm 2023 của Việt Nam còn được gia tăng từ sự chủ đông nhận diện và khai thác tốt hơn các cơ hội kinh tế gắn với việc tham gia các FTA thế hệ mới, cũng như từ mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Hàn Quốc và Mỹ - ASEAN, sự ấm áp hơn trong quan hệ Việt - Đức và với nhiều quốc gia khác trên thế giới và sự quyết liệt, hiệu quả hơn trong giáo dục nhận thức, hành động “gỡ thẻ vàng” của EU trong xuất khẩu ngành thủy sản sang châu Âu.
Đặc biệt, hành trang và động lực năm 2023 còn được làm giàu thêm bởi các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp chủ động theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động đánh giá các tác động và thông tin dự báo tình hình thị trường; tăng năng lực phản ứng chính sách và phản ứng thị trường linh hoạt, kịp thời và hiệu quả, hướng tới hài hòa về cơ cấu hàng hóa, cơ cấu thị trường và cán cân thương mại với từng thị trường, khu vực; hài hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; hài hòa cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả tăng trưởng; Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và xuất khẩu; xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam; tăng cường các khung chính sách giám sát, xử lý nợ để giảm thiểu rủi ro và khôi phục lòng tin của nhà đầu tư.
Về tổng thể, hành trang và động lực phát triển kinh tế năm 2023 đến từ sự hội tụ và cộng hưởng các nỗ lực khai thác tốt hơn các động lực từ nền tảng đã có, chủ động nhận diện và linh hoạt vượt qua các thách thức, vừa chia sẻ niềm vui, tự tin và tự hào, vừa tỉnh táo nhận diện đúng để hành động đúng cả trong kinh doanh và trong quản lý, cả vĩ mô và vi mô, cả nước mắt và lâu dài, nhằm tiếp tục hoàn thành và vượt mức tất cả các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023…/.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hanh-trang-va-dong-luc-kinh-te-nam-2023-232821.html