'Hành trang' vào tương lai
Ngày 16-2-1995, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 19-CP của Chính phủ 'khai sinh' cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động - Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động, với chức năng, nhiệm vụ chính là tổ chức thu, chi BHXH, giải quyết chế độ, chính sách và bảo toàn, đầu tư, tăng trưởng Quỹ BHXH.
Lăng kinh An sinh
Ðây được xem là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hoàn thiện hệ thống chính sách và việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, nhằm đáp ứng yêu cầu khách quan đặt ra trong tiến trình đổi mới đất nước, phù hợp xu hướng chung của thế giới...
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, từ khi thành lập đến nay, các thế hệ công chức, viên chức, người lao động của ngành BHXH Việt Nam đã không ngừng nỗ lực vượt qua không ít khó khăn, thách thức, để tổ chức triển khai thực hiện tốt chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), khẳng định tính đúng đắn và hiệu quả của chủ trương đổi mới chính sách BHXH, BHYT của Ðảng và Nhà nước ta.
Nếu căn cứ vào những mục tiêu được đặt ra cho việc thành lập BHXH Việt Nam cũng như những mục tiêu cụ thể trong tiến trình thực hiện chính sách BHXH, BHYT được Ðảng và Nhà nước đề ra trong 25 năm qua, có thể thấy, đến nay, ngành cùng với cả hệ thống chính trị đã hiện thực hóa được nhiều mục tiêu quan trọng. Nếu như một phần tư thế kỷ trước, cả nước mới có 2,8 triệu lao động ở khu vực Nhà nước được tham gia BHXH, nhưng đến cuối năm 2019, con số này đã tăng lên 15,76 triệu người, đạt hơn 32,3% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó chiếm phần lớn là lao động khu vực ngoài Nhà nước; đó là chưa kể tới gần 570 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện và 13,4 triệu người tham gia BH thất nghiệp. Về BHYT, nếu như trong năm 2003, năm đầu BHXH Việt Nam tiếp nhận tổ chức, nhiệm vụ của BHYT Việt Nam, cả nước mới có 16,4 triệu người tham gia BHYT, tương đương với 20,5% số dân. Nhưng đến cuối năm 2019 đã tăng lên 85,4 triệu người, bằng khoảng 89% số dân cả nước.
Cùng với việc mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, những năm qua, số thu vào Quỹ BHXH, Quỹ BHYT ngày càng tăng, trở thành nguồn để bảo đảm công tác chi trả chế độ cho đối tượng, giảm dần gánh nặng cho ngân sách nhà nước, giúp Nhà nước có điều kiện tập trung nguồn lực vào việc đầu tư phát triển. Nguồn tiền từ Quỹ BHXH tồn tích được dùng để đầu tư, vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng quỹ, vừa trở thành nguồn vốn quan trọng để Nhà nước đầu tư vào các dự án phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, qua đó đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước... Tính chung, chính sách BHXH, BHYT đã bảo đảm cuộc sống cho 3,2 triệu người nghỉ hưu, hơn 160 triệu lượt người được chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT, hơn 10 triệu lượt người được hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp, với tổng số tiền chi trả lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm...
Những kết quả nêu trên không chỉ cho thấy sự đúng đắn của chủ trương đổi mới chính sách và hệ thống chính sách BHXH, mà còn thể hiện rõ vai trò trụ cột của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống chính sách an sinh xã hội. Những gì ngành BHXH đã thực hiện đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người lao động và các tầng lớp nhân dân, qua đó người dân càng tin tưởng vào ngành, tin tưởng vào hệ thống chính sách BHXH, BHYT đậm chất nhân văn, nhân đạo.
Có thể nói, những thành tựu đã đạt được trong 25 năm qua cũng chính là cơ sở, hành trang quan trọng để ngành BHXH tiếp tục nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách trong tương lai, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước...