Hành trình 10 năm bà Trương Mỹ Lan 'rút ruột' ngân hàng SCB như thế nào?
Qua 7 ngày xét xử 'đại án' Vạn Thịnh Phát, vai trò của bà Trương Mỹ Lan với thủ đoạn 'rút ruột' Ngân hàng SCB được phơi bày qua cáo trạng và lời khai từ các bị cáo.
Trước tòa, 79/86 bị cáo (5 người đang bỏ trốn) thừa nhận cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát (VKS) là đúng pháp luật. Nhiều bị cáo đã trần tình về vi phạm bắt nguồn từ niềm tin tuyệt đối vào bà Trương Mỹ Lan, dẫn đến chuỗi hành vi phạm tội liên tiếp.
Theo cáo trạng, năm 2011, khi Chính phủ chủ trương sáp nhập, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém là SCB, Việt Nam Tín Nghĩa và Đệ Nhất, những ngân hàng mất thanh khoản do quản trị thiếu hiệu quả đã tự nguyện hợp nhất. Lúc này, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan đã là bà chủ đứng sau hai Ngân hàng SCB (cũ) và Việt Nam Tín Nghĩa, quyết định thu gom hết cổ phần của Ngân hàng Đệ Nhất. Ngày 1/1/2012, SCB trở thành ngân hàng tư nhân có tổng tài sản lớn nhất, chỉ đứng sau 4 ngân hàng vốn nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank).
Sau sáp nhập, bà Lan chủ trương sử dụng thân tín và thuê người đứng tên để thu gom 86% cổ phần SCB. Đến năm 2018, tỷ lệ trên nâng lên 91%, đồng nghĩa việc Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan chi phối mọi hoạt động của ngân hàng. Bằng thủ đoạn lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân, bà Lan đã vay tổng cộng hơn một triệu tỷ đồng của SCB, gấp 100 lần vốn điều lệ của ngân hàng khi mới sáp nhập là 10.584 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, từ khi ngân hàng hợp nhất năm 2012 đến lúc vụ án bị khởi tố tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo giải ngân 2.527 khoản vay ở SCB, bình quân mỗi hồ sơ có dư nợ hơn 422 tỷ đồng. Trong hơn 10 năm, SCB luôn thuộc nhóm ngân hàng chào mời lãi suất tiết kiệm cao nhất Việt Nam. Do đó, tỷ lệ tăng trưởng tiền gửi tại ngân hàng này thường tương đương hoặc cao hơn mức bình quân của toàn ngành ngân hàng. Thu hút được nhiều người gửi tiền, nhưng SCB dành hơn 93% tổng ngân sách cho vay chỉ để phục vụ yêu cầu của bà Trương Mỹ Lan.
Cáo trạng nêu, mỗi khi đến hạn trả nợ, bà Lan lại tiếp tục tạo lập những khoản vay mới để tất toán nợ cũ, song song với phục vụ các nhu cầu khác. Đến ngày 17/10/2022, nhóm khách hàng liên quan bà Lan có 1.284 khoản vay với dư nợ gốc 483.971 tỷ đồng, tương đương gần 377 tỷ mỗi hồ sơ tín dụng. Hơn 85% trong số này là các khoản vay được lập sau năm 2018.
Toàn bộ hồ sơ của nhóm Vạn Thịnh Phát tại SCB trên giấy tờ đều tuân thủ nguyên tắc: giá trị tài sản đảm bảo lớn hơn số tiền cho vay, nhưng kết quả thẩm định sau cùng trong quá trình điều tra kết luận, chỉ 520 trong 1.166 mã tài sản đảm bảo đủ điều kiện pháp lý để trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản vay liên quan nhóm Vạn Thịnh Phát. Tổng giá trị hơn 179.000 tỷ đồng, tương đương 37% dư nợ gốc đã được giải ngân cho bà Lan tính đến 17/10/2022 (483.971 tỷ đồng).
Phần chênh lệch còn lại với dư nợ gốc hơn 304.000 tỷ đồng được VKS xác định là số tiền bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt của SCB. Phần nợ gốc này còn phát sinh hơn 193.000 tỷ đồng tiền lãi, được cáo trạng xem là thiệt hại bà Lan gây ra cho SCB, vì không thể thu hồi sau khi vụ án khởi tố.
Tại tòa, các bị cáo đều mong muốn được khắc phục hậu quả. Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan đồng ý ủy quyền cho Ngân hàng Nhà nước xử lí số cổ phần của mình ở SCB và đưa 13 tài sản khác ngoài danh mục tài sản đã kê biên, phong tỏa để khắc phục hậu quả vụ án. Đồng thời, bị cáo Lan cũng có nguyện vọng chuyển 1.000 tỉ đồng mà bị cáo Nguyễn Cao Trí hoàn trả cho mình (số tiền được xác định do bị cáo Nguyễn Cao Trí chiếm đoạt của bị cáo Lan) để đưa vào Ngân hàng SCB nhằm khắc phục thiệt hại.