Hành trình 15 năm sáng tạo các dự án du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu
Ngày 8/2, tại Hà Nội, Liên hiệp Khoa học Phát triển du lịch bền vững (STDe) tổ chức tọa đàm 'STDe - 15 năm hành trình sáng tạo cùng các dự án du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu', đánh dấu chặng đường 15 năm thành lập Liên hiệp. Tọa đàm thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu du lịch và các doanh nghiệp du lịch.
Phát biểu tại tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển du lịch bền vững cho biết, STDe là tổ chức nghiên cứu khoa học trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, ra đời vào tháng 2/2010. Đội ngũ nhân sự chủ chốt của STDe bao gồm 11 Giáo sư, Phó Giáo sư và Tiến sĩ, là chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực liên quan đến du lịch.
Thời gian qua, STDe đã đầu tư trọng điểm cho các công trình nghiên cứu có “tư duy đột phá”, góp phần giải quyết các thách thức lớn nhất của du lịch Việt Nam hiện nay như vấn đề cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu...
Để thực hiện mục tiêu Phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam, trong 15 năm qua, STDe đã nghiên cứu và liên tục công bố 35 bộ sản phẩm du lịch đột phá, tạo được nhiều tiếng vang trong dư luận như: sản phẩm “Mưa, bão, lụt miền trung”, “Gió Bạc Liêu”, “Rơm Đường Lâm”, “Khách sạn bóng đêm”… Trong đó, có nhiều sản phẩm đã được triển khai trên thực tế.
“Với một loạt các dự án nghiên cứu đã công bố, “tư duy đột phá” của các nhà khoa học STDe đã và đang dần mở ra một cánh cửa mới, một lối đi hoàn toàn khác biệt cho con đường sáng tạo và phát triển sản phẩm du lịch tại Việt Nam theo hướng bền vững” - Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch STDe, hướng đi này không chỉ có giá trị về mặt tư duy, giúp thay đổi cách khai thác tài nguyên, tạo góc nhìn rộng, sâu sắc hơn về giá trị tài nguyên, mà còn mang đến giá trị kinh tế khi gia tăng chuỗi giá trị cho tài nguyên, tạo nên nhiều sản phẩm du lịch đa dạng độc đáo có khả năng tăng doanh thu, lợi nhuận du lịch.
Bên cạnh đó, những sản phẩm du lịch đột phá còn tạo ra giá trị xã hội khi thu hút được nhiều nguồn lực xã hội cùng tham gia và mang đến những giá trị cho môi trường, tạo ra giá trị lâu dài và bền vững cho kinh tế du lịch nói riêng và kinh tế liên ngành nói chung.
“Dù phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức nhưng thời gian tới, STDe sẽ vẫn tiếp tục kiên tâm đi trên con đường sáng tạo của mình để thúc đẩy và lan tỏa các dự án du lịch đột phá, thích ứng với biến đổi thiên nhiên và xã hội ngày càng sâu rộng, góp phần đưa ngành du lịch nước nhà lên một tầm cao mới, xứng đáng với những gì mà thiên nhiên và di sản cha ông đã trao tặng...”- Chủ tịch STDe khẳng định.
Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đều đánh giá cao những sản phẩm du lịch sáng tạo của STDe và khẳng định, tư duy đột phá với các dự án du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng biến họa thành phúc, biến khó khăn thành cơ hội... đang ngày càng được khẳng định được thế mạnh và là hướng đi đúng đắn trong nghiên cứu và ứng dụng, nhất là khi vấn đề phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tài nguyên trong hoạt động du lịch ngày càng trở thành đòi hỏi bức thiết.
Theo Tiến sĩ Đỗ Đình Đức, Nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, có nhiều ý tưởng sáng tạo của STDe tưởng rằng ngây thơ, mơ mộng nhưng đã dần trở thành những sản phẩm du lịch cụ thể và đi được vào cuộc sống, tạo ra sức hấp dẫn cho điểm đến. Làm được điều này không chỉ cần tư duy đột phá của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học mà còn đòi hỏi sự dũng cảm và tầm nhìn của chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch khi ứng dụng những sản phẩm này vào thực tế.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp du lịch, ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO Công ty AZA Travel cho rằng: Các dự án du lịch của STDe bước đầu đã tạo được tác động trong thay đổi tư duy khai thác tài nguyên du lịch, tạo thêm góc nhìn mới về các giá trị của tài nguyên, đặc biệt là các giá trị còn tiềm ẩn; đồng thời góp phần gia tăng thêm những trải nghiệm du lịch của du khách.
Ông Đạt cho biết, nhiều ý tưởng sáng tạo của STDe rất hay và có tính khả thi nhưng chưa được ứng dụng rộng rãi bởi còn thiếu nhiều nguồn lực.
Với vai trò Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, ông Đạt bày tỏ hy vọng thời gian tới, Hiệp hội và STDe sẽ có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa để bổ sung thêm các nguồn lực giúp thúc đẩy các dự án du lịch sáng tạo, mang đến nhiều sản phẩm du lịch giá trị cho Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.