Hành trình 17 năm truy bắt kẻ sát hại thiếu tá công an
Vụ án đã trôi qua 17 năm, dù hung thủ sát hại Thiếu tá Bùi Tiến Tường đã thay đổi họ tên, mai danh ẩn tích nhưng cuối cùng vẫn phải đền tội.
Án mạng từ “món quà” xin việc
Vụ việc bắt đầu từ năm 2004, Trần Văn Thà đưa 3 triệu đồng cho một người quen để gửi quà tới Đoàn Mạnh Trung (SN 1957, ở thôn Hải Yến, xã Hải Triều, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) với mong muốn được vào làm tại một xí nghiệp đóng tàu tại Hải Phòng.
Nhưng sau thời gian dài, Thà vẫn không được vào làm như mong muốn, nên đã đòi Trung phải trả gấp đôi số tiền đã bỏ ra. Trung không đồng ý, dẫn đến 2 bên nảy sinh mâu thuẫn gay gắt và hẹn nhau “giải quyết” bằng cuộc đấu dao, kiếm vào đêm 2/8/2005.
Để chuẩn bị cuộc ẩu đả trên, Trung nhờ Trần Văn Long (tức “Long ái”, SN 1964, ở phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, Hải Phòng).
Long nhận lời và điện cho em trai là Trần Văn Chung (tức Chung “ôn”, SN 1972, ở phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền).
Trong giới giang hồ đất Cảng đầu những năm 2000, “Long ái” và “Chung ôn” được xét vào hạng có số má ở vùng ven sông Cấm thuộc huyện An Hải cũ. Do đó, khi nhận được “đơn đặt hàng”, Chung đã triệu tập đệ tử Phan Hải Thành (SN 1987, ở Vạn Mỹ, Ngô Quyền); Bùi Đắc Thành (SN 1985, ở xã An Đồng, huyện An Dương); Nguyễn Văn Công (SN 1971, ở xã Quang Trung, An Lão); Nguyễn Thanh Lâm (tức Lâm “dư”, SN 1973, ở Điện Biên Phủ, quận Hồng Bàng).
Các đối tượng trên lại tập hợp thêm một đội quân gồm hơn 10 đối tượng bất hảo ở khu vực đường Đà Nẵng thời bấy giờ.
Khi tập hợp được đầy đủ quân số, anh em Chung “ôn”, Long “ái” liền phân phát dao bầu, giáo, mác, tuýp sắt, gậy để đi mai phục trên đường, chờ nhóm của Thà đến để đánh úp.
Đến khoảng 21h30 ngày 2/8/2005, phát hiện 2 xe taxi từ phía Cầu Bính, đoán biết là nhóm của Trần Văn Thà đã tới, nhóm Chung bèn xô ra chặn đầu, dùng hung khí tấn công tới tấp. Bị đánh úp bất ngờ, không kịp trở tay nên nhóm của Thà phải chạy thoát thân.
Cùng thời điểm đó, Thiếu tá Bùi Tiến Tường, Phó trưởng Công an phường Hùng Vương, nhận được tin báo từ nhân dân về vụ hỗn chiến trên địa bàn, lập tức đi xe máy tiếp cận hiện trường.
Ngay khi phát hiện nhóm côn đồ Chung “ôn”, Long “ái” đang di chuyển, anh Tường hô lớn: “Công an đây, tất cả đứng lại!”. Đám đối tượng lập tức bỏ chạy, nhưng Chung “ôn” - kẻ giang hồ số má bỗng hô hào đàn em: “Nó có một mình thôi…”.
Lập tức, các đối tượng đứng lại. Long “ái” xông vào ôm phía sau Thiếu tá Tường, Chung “ôn” cầm ba chia (dạng giáo đầu gắn hai ngạnh nhọn) lao tới đâm từ phía trước, còn Bùi Đắc Thành dùng giáo phóng thẳng vào người anh Tường, Phan Hải Thành cầm tuýp sắt vụt vào chân nạn nhân rồi vứt hung khí tại hiện trường và bỏ chạy.
Thiếu tá Tường được người dân đưa đi cấp cứu nhưng đã không qua khỏi do vết thương quá nặng.
Lần lượt trả giá
Thiếu tá Tường ra đi khi 2 con anh còn rất nhỏ, lúc ấy cháu gái lớn 6 tuổi, cháu trai thứ hai chưa đầy 10 tháng tuổi. Gánh nặng nuôi dưỡng hai con thơ và cha mẹ già dồn lên vai người vợ giáo viên tiểu học.
Những ngày ấy, đến thắp hương cho Thiếu tá Tường trong căn nhà chật hẹp chưa đầy 20m2 nằm trong ngõ nhỏ của gia đình, đồng đội của Thiếu tá Tường gạt nước mắt, thầm hứa quyết tâm truy bắt những kẻ thủ ác.
Do số đối tượng tham gia trong 2 băng nhóm này khá đông, trên dưới 30 tên, Ban chuyên án chỉ đạo các đơn vị một mặt khẩn trương truy bắt, mặt khác phối hợp với bà con địa phương vận động gia đình thân nhân đưa đối tượng ra đầu thú để được giảm nhẹ hình phạt.
Liên tục các ngày sau đó, lần lượt các đối tượng bị bắt giữ, đưa ra xét xử. Tuy nhiên, Chung “ôn” và Bùi Đắc Thành, hai kẻ trực tiếp sát hại Thiếu tá Tường đã trốn thoát.
Kiên trì lần theo từng manh mối nhỏ nhất, Công an TP Hải Phòng xác định Chung “ôn” được đồng bọn đưa lên lẩn trốn tại Hưng Yên, rồi đưa đi Móng Cái, Quảng Ninh. Từ đây, Chung trốn sang Trung Quốc, dạt đến tận đặc khu Hồng Kông sống chui lủi.
Đầu năm 2014, về Việt Nam, Chung “ôn” không về Hải Phòng mà đến tá túc tại một nhà đàn anh có máu mặt ở khu vực cầu Bình, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Chung được đàn anh bao bọc đủ thứ, rất tin tưởng và sắm cả “hàng nóng” để hắn hàng ngày đi đòi nợ thuê.
Lập tức Công an TP Hải Phòng xác lập chuyên án quyết tâm bắt bằng được Chung “ôn”. Đến tháng 5/2015, trinh sát xác định Chung “ôn” sẽ có mặt tại Đắk Lắk. Qua theo dõi, khi Chung đặt chân xuống đất Tây Nguyên, lập tức có một đám đàn em hộ tống đưa về khách sạn.
Trinh sát vào vai khách du lịch đến thuê phòng sát cạnh phòng Chung lưu trú. Tổ công tác phối hợp với công an địa phương kiểm tra hành chính khách sạn.
Chung tỏ ra hết sức bình tĩnh, giả giọng lơ lớ, khai tên A Hùng, quê mẹ gốc ở Thái Bình nhưng sang Trung Quốc ở từ lâu. Chỉ đến khi các trinh sát gọi đúng tên kèm theo cả hỗn danh thì Chung mới cho tay vào còng.
Ngày 19/5/2015, Chung bị bắt theo quyết định truy nã, sau đó bị TAND TP Hải Phòng tuyên tử hình.
Còn Bùi Đắc Thành dù mai danh ẩn tích, trốn chui chốn lủi nhiều nơi và nhiều lần thay tên đổi họ nhưng vẫn không thể thoát. Ngày 24/8/2022, tung tích của Thành cũng đã lộ diện. Ngày 27/3/2023, TAND TP Hải Phòng tuyên phạt Thành mức án chung thân về tội giết người.
Một cán bộ Ban chuyên án chia sẻ, bắt đối tượng truy nã không hề đơn giản, khó khăn muôn phần. Đa số các vụ án là cả một quá trình dài nối từ năm này qua năm khác, có những đối tượng đã thay tên đổi họ, thậm chí cả hình dáng cũng khác xa so với ảnh nhận dạng.
Có vụ, cán bộ thụ lý đã đến tuổi nghỉ hưu phải bàn giao cho đồng đội. Nhưng chính sự quyết tâm, kiên trì, bền bỉ theo đối tượng truy nã đến cùng đã không để đối tượng có thể lẩn trốn, nhởn nhơ mãi ngoài vòng pháp luật.