Hành trình 31 năm tìm 'An cư lạc nghiệp'

Với mục tiêu chăm lo, giúp hộ nghèo, cận nghèo được 'an cư lạc nghiệp', UBMTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng góp triển khai xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần giúp người nghèo trên địa bàn tỉnh có căn nhà vững chắc, yên tâm lao động sãn xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Bài 1: Nhà tình nghĩa - Vẹn nghĩa tình với người có công

Bài 2: Hành trình tìm “mái ấm” cho công nhân

Bài cuối: Những căn nhà Đại đoàn kết “ấm nghĩa, nặng tình”

Đồng chí Đặng Quốc Khởi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy trao nhà Đại đoàn kết.

Đồng chí Đặng Quốc Khởi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy trao nhà Đại đoàn kết.

Theo Quyết định số 122/QĐ-UBND, ngày 08/02/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh: cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 5.404 hộ nghèo, chiếm 1,88% so với tổng số hộ dân cư toàn tỉnh (giảm 1,68% so với năm 2021). Trong đó, hộ nghèo dân tộc Khmer còn 3.239 hộ, chiếm 3,61% so với tổng số hộ dân cư dân tộc Khmer (giảm 3,58% so với năm 2021); hộ cận nghèo còn 10.905 hộ, chiếm 3,80% so với tổng số hộ dân cư toàn tỉnh. Trong đó, hộ cận nghèo dân tộc Khmer còn 5.267 hộ, chiếm 5,87% so với tổng số hộ dân cư dân tộc Khmer... Đây là kết quả quan trọng từ những căn nhà Đại đoàn kết “ấm nghĩa, nặng tình”, đã tác động tích cực đến đời sống của người dân nói chung, hộ nghèo nói riêng.

Trà Vinh có dân số trên 1,1 triệu người; trong đó, dân tộc Khmer chiếm gần 32%. Thời gian qua, tỉnh huy động nhiều nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện giảm nghèo bền vững. Trong đó, ưu tiên đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang ven biển, xã có đông đồng bào Khmer sinh sống…

Điểm nhấn là từ năm 2022, tiếp tục triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh Trà Vinh đạt “kỳ tích” về chăm lo nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho 2.418 hộ nghèo, hộ cận nghèo; trong đó, ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Trà Vinh hỗ trợ 1.052 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn cải thiện nhà ở, với số tiền 52,6 tỷ đồng theo Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 và Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND, ngày 18/10/2022 của HĐND tỉnh; Quỹ An sinh xã hội, Quỹ Vì người nghèo cấp tỉnh, cấp huyện đã hỗ trợ xây dựng 1.339 căn nhà và sửa chữa 27 căn nhà đại đoàn kết. Trong đó, Quỹ An sinh xã hội tỉnh đã hỗ trợ 903 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ người cao tuổi thuộc hộ cận nghèo, với mức hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo không có khả năng lao động là 50 triệu đồng/căn và mức hỗ trợ cho hộ nghèo có khả năng lao động là 40 triệu đồng/căn.

Triển khai thực hiện nhà Đại đoàn kết đã tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương giải quyết khó khăn về nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; đặc biệt, giúp cho hộ thật sự khó khăn về nhà ở có nhà ở kiên cố, an toàn, ổn định để yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đáng quý hơn, trong đó có 910 căn nhà Đại đoàn kết được bàn giao cho hộ nghèo vào dịp tết Nguyên đán Quý Mão, tổng kinh phí hỗ trợ 38,07 tỷ đồng; từ ngày 06 - 16/01/2023, tổ chức hoàn thành bàn giao. Đây là món quà ý nghĩa giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Kết quả này nhờ sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là vận động để huy động nguồn vốn; tổng nguồn vốn huy động cho Quỹ Vì người nghèo của tỉnh để thực hiện nhà ở cho hộ nghèo là 194,620 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách tỉnh chuyển ủy thác cho NHCSXH tỉnh 82,310 tỷ đồng; vốn huy động 112,310 tỷ đồng (chưa tính nguồn vốn đối ứng của hộ gia đình). Số nhà đã hỗ trợ, đáp ứng hơn 90% so với nhu cầu thực tế…

Kết quả đạt được là rất đáng trân trọng, từ nay đến cuối năm 2023, cũng như đến năm 2025, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp Chi nhánh NHCSXH tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn theo Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh; đồng thời, tăng cường công tác triển khai, phổ biến, tuyên truyền chính sách bằng nhiều hình thức để người dân nắm và hiểu rõ về chính sách hỗ trợ của Nhà nước để tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, cải thiện nhà ở của gia đình. Đây là nguồn sẻ chia, động viên rất lớn, giúp hộ nghèo “An cư, lạc nghiệp”, vươn lên ổn định cuộc sống.

Là địa phương có hộ Khmer và hộ nghèo, cận nghèo cao, năm 2022, huyện Trà Cú có 358 hộ nghèo, cận nghèo được xét tặng nhà Đại đoàn kết và xem xét hỗ trợ nguồn vốn vay từ NHCSXH. Đồng chí Lê Thị Vui, Phó Chủ tịch UBND xã Ngãi Xuyên cho biết: hộ bà Kim Thị Hồng Cúc, sinh năm 1974, ngụ ấp Xoài Thum, xã Ngãi Xuyên là hộ cận nghèo, khó khăn về nhà ở. Năm 2022, được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi, bà Cúc đối ứng thêm, xây căn nhà gần 100 triệu đồng, tuy chưa hoàn thiện, nhưng ấm cúng. Từ đó, gia đình đã thoát nghèo.

Trong căn nhà Đại đoàn kết vừa được hỗ trợ xây dựng, bà Sơn Thị Xuân, 67 tuổi, ngụ Khóm 1, thị trấn Trà Cú, huyện Trà Cú không giấu được xúc động cho biết, gia đình có hai vợ chồng, hoàn cảnh hết sức khó khăn. Chồng bà 70 tuổi, bệnh; bà sức khỏe yếu, không có việc làm ổn định. Nhiều năm hai vợ chồng sống trong căn nhà tạm bợ, nhưng không có tiền để sửa chữa, nay có nhà mới đón Tết, gia đình biết ơn Đảng, Nhà nước, các mạnh thường quân đã tạo điều kiện, giúp đỡ gia đình có căn nhà vững chắc.

Đồng chí Nguyễn Văn Út, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh thông tin, đến nay, tỉnh đã cơ bản xóa nhà ở tạm bợ đối với hộ nghèo. Hiện Sở đang phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương rà soát các hộ cận nghèo gặp khó khăn về nhà ở để tiếp tục hỗ trợ; đã rà soát được trên 460 hộ và ngành liên quan, địa phương đang tiếp tục rà soát.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Trà Vinh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với tổng kinh phí hơn 278 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương trên 214 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 32 tỷ đồng, số tiền còn lại là nguồn huy động hợp pháp.

Theo đó, thực hiện 07 dự án để nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, người dân huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển trong tỉnh, gồm: hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình.

Về vấn đề này, đồng chí Cao Thị Hồng Gấm, Phó Chủ tịch UBND thị xã Duyên Hải cho biết: thị xã đã triển khai hiệu quả, cuối năm 2022, thị xã Duyên Hải còn 96 hộ nghèo, chiếm 0,7%; 333 hộ cận nghèo, chiếm 2,44% so với tổng số hộ chung. Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn đều thấp hơn so những tiêu chí của Bộ tiêu chí NTM và NTM nâng cao… Đạt kết quả này, nhờ năm 2022 thị xã có 16/96 hộ thuộc hộ nghèo khó khăn về nhà ở, được tỉnh hỗ trợ từ nguồn Quỹ An sinh xã hội tỉnh.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh Nguyễn Văn Út cho biết thêm, để giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo mới, cùng với thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo, tỉnh thường xuyên rà soát, phân loại từng nhóm hộ nguyên nhân chính dẫn đến nghèo để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, tuyên truyền, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả để khơi dậy ý chí chủ động, tự lực vươn lên của người nghèo, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/bai-cuoi-hanh-trinh-31-nam-tim-an-cu-lac-nghiep-30137.html