Hành trình 31 năm tìm 'An cư lạc nghiệp'

Năm 1992, khi Trà Vinh được tái lập, đội ngũ công nhân, lao động của tỉnh 'mỏng' cả về số lẫn về chất. Sau gần 01 năm củng cố, cuối năm 1992, toàn tỉnh có 03 Công đoàn ngành: Giáo dục, Y tế, Thủy sản; 08 Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện, thị xã và 343 Công đoàn cơ sở (CĐCS), với trên 11.500 đoàn viên. Do mới thành lập, đặc thù kinh tế - xã hội khó khăn, nên đoàn viên và công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) thời điểm đó, chủ yếu ở khối Nhà nước, khối doanh nghiệp rất ít.

Bài 1: Nhà tình nghĩa - Vẹn nghĩa tình với người có công

Bài 2: Hành trình tìm “mái ấm” cho công nhân

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn thăm hỏi công nhân Công ty TNHH Một thành viên CY Vina, tại KCN Long Đức đầu năm 2023. Ảnh: BÁ THI

Trong 31 năm qua, tổ chức Công đoàn của tỉnh đã phát triển mạnh mẽ cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Đến nay, toàn tỉnh có 09 LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố; 05 Công đoàn ngành và tương đương; gần 60.000 đoàn viên công đoàn, sinh hoạt tại hơn 1.000 CĐCS và nghiệp đoàn. Tổ chức Công đoàn được thành lập đến 100% xã, phường, thị trấn, các ngành nghề và các thành phần kinh tế, trong đó phát triển mạnh ở khu vực ngoài Nhà nước.

Đội ngũ công nhân phát triển, trong 31 năm qua, đã đóng góp tích cực về công nghiệp, dịch vụ. Năm 1992, giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt 270 tỷ đồng, chủ yếu chế biến lương thực, thực phẩm. 30 năm sau, giá trị công nghiệp tăng hơn 100 lần; trong 02 năm 2021 - 2022, tuy ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song vẫn đạt chỉ tiêu, năm 2022 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 29.725 tỷ đồng, đạt 106,79% chỉ tiêu nghị quyết năm.

Thông tin từ LĐLĐ tỉnh, tổng số công nhân trên địa bàn tỉnh hiện trên 32.000 người, đời sống ổn định, thu nhập tăng theo lộ trình tăng lương của Chính phủ; nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả có nhiều chế độ, chính sách, phúc lợi… khuyến khích và chăm lo đời sống người lao động; các cấp công đoàn tập trung nguồn lực chăm lo đời sống cho người lao động. Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận người lao động còn khó khăn do thu nhập thấp, chưa đáp ứng yêu cầu cuộc sống, nhất là công nhân phải ở nhà trọ, có con nhỏ, chăm sóc người thân….

31 năm qua, vấn đề nhà ở của người lao động được các cấp, các ngành và đặc biệt là Chương trình nhà ở “Mái ấm công đoàn” quan tâm hỗ trợ. Từ năm 2007 đến hết tháng 4/2023, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã hỗ trợ 871 căn “Mái ấm công đoàn”, số tiền gần 21 tỷ đồng, từ đó người lao động an tâm lao động sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề nhà ở của người lao động vẫn là vấn đề bức xúc.

Theo kết quả khảo sát của Công đoàn Khu Kinh tế (KKT) tỉnh Trà Vinh: Khu Công nghiệp (KCN) Long Đức có khoảng 12.000 công nhân, người lao động; nhưng đã có 5.252 người thuê nhà trọ; 4.472 người có nhu cầu mua, thuê nhà ở xã hội. Từ thực thực tế này, hiện nhu cầu nhà ở của công nhân trên địa bàn tỉnh là rất lớn, nhất là người lao động làm việc trong các KCN, KKT, các doanh nghiệp có đông công nhân như: KCN Long Đức, KKT Định An; các công ty: Công ty TNHH TM&SX Bảo Tiên, Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong, Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất công nghiệp Lefaso…

UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương triển khai dự án Nhà ở xã hội thuộc thiết chế công đoàn tỉnh Trà Vinh, tại xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, diện tích sử dụng 10.520m²; gồm tòa nhà ở xã hội (02 tòa), với 418 căn hộ (diện tích từ 30 đến 70m²/căn). Tòa nhà ở thương mại, dịch vụ, có diện tích đất 2.098,6m², với 187 căn hộ (căn hộ có diện tích từ 30 đến 70m²/căn), tổng vốn thực hiện dự án 406,48 tỷ đồng, từ năm 2022 - 2026.

Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với công nhân lao động, vấn đề nhà ở luôn được quan tâm; người lao động kiến nghị lãnh đạo tỉnh cần quan tâm đầu tư, mời gọi đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động có thu nhập thấp. Công nhân Dư Thị Kiều Trang, Công ty TNHH May xuất khẩu Hùng Vỹ, KCN Long Đức có nhu cầu về nhà ở xã hội đã kiến nghị với HĐND tỉnh về chính sách này.

Đồng chí Lê Thị Huy, Trưởng phòng Phòng Quản lý nhà (thuộc Sở Xây dựng) cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 02 dự án nhà ở xã hội đang triển khai xây dựng: Dự án nhà ở xã hội tại Khu tái định cư, dân cư và dịch vụ thương mại Phường 4, thành phố Trà Vinh của Công ty Cổ phần tư vấn TM-DV địa ốc Hoàng Quân. Dự án Nhà ở xã hội KCN Long Đức của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển XD-TM xuất nhập khẩu Minh Anh. Tuy nhiên, hiện đang chào bán.

Nói về nguồn vốn cho vay chương trình nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/NĐ-CP, ngày 20/10/2015, đồng chí Dương Huy Phong, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Trà Vinh cho biết: khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành các công văn để chỉ đạo các sở, ban ngành, các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện. Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Sở Xây dựng xác định nhu cầu vốn cho vay nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2023 là 250 tỷ đồng (năm 2022 là 100 tỷ đồng, 2023 là 150 tỷ đồng), trình UBND tỉnh phê duyệt tại Tờ trình số 206/TTr-NHCS, ngày 17/3/2022.

Tuy nhiên, hiện nay tiến độ giải ngân chậm, đến cuối tháng 5/2023, chỉ 21 khách hàng, số tiền 6,723 tỷ đồng. Nguyên nhân, đối với hộ vay vốn tự xây mới, hoặc sửa chữa nhà ở, qua rà soát tiếp cận các hộ có nhu cầu thì không đủ điều kiện vay vốn theo quy định (không có tài sản thế chấp, thủ tục hồ sơ pháp lý không đảm bảo…).

Nhiều trường hợp người lao động tự do có hộ khẩu thường trú tại khu vực nông thôn nhưng hiện nay đang làm việc tự do tại khu vực đô thị có nhu cầu mua và vay vốn chính sách nhà ở xã hội, nhưng không thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/bai-2-hanh-trinh-31-nam-tim-an-cu-lac-nghiep-30087.html