Hành trình 6 năm 'gieo chữ, mở tương lai' cho cô học trò mồ côi
6 năm với những lần ngược xuôi lo thủ tục giấy tờ cho cô bé mồ côi Đào Phương Trinh được đến trường, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hòa đã viết lên bài ca đẹp về người giáo viên.
Có một căn nhà để về, một gia đình để được gọi hai tiếng "mẹ, cha", những điều đơn giản thế thôi, nhưng lại là xa xỉ với phận mồ côi như cô bé Đào Phương Trinh.
Bố mất từ lúc lọt lòng, mẹ bỏ em lại cho bà nội, một người phụ nữ cũng có phận đời cơ cực không kém. Tuổi thơ của bé Trinh là những tháng ngày lang thang theo bà đi nhặt phế liệu, mua bán đồ cũ khắp nơi. Tối về, hai bà cháu lại tá túc trong túp lều tạm ngoài cánh đồng Giáp Tứ (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Cô bé ấy lớn lên như nhánh cỏ dại, không được đến trường lớp như bạn bè cùng trang lứa.
9 tuổi mới được đến trường
Mùa tuyển sinh năm học 2018 - 2019 đã gần kết thúc, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hòa, chuyên viên Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai (Hà Nội) nhận được thông tin từ một người bạn cho biết tại cánh đồng Giáp Tứ, phường Thịnh Liệt, có một cháu bé đã 9 tuổi nhưng chưa được đến trường.
Với lòng trắc ẩn, cô Hòa lập tức xuống ngay địa bàn để xác minh thông tin, báo cáo với lãnh đạo, phối hợp với UBND phường Thịnh Liệt và Trường Tiểu học Thịnh Liệt tạo điều kiện cho bé được đi học càng sớm càng tốt, bởi lúc này bé Trinh đã quá tuổi vào lớp 1 tận 3 năm.
Một đứa trẻ mồ côi, không cha, không mẹ, không hộ khẩu... thì con đường đến trường thật lắm chông gai. Nhưng với sự nỗ lực của cô Hòa và tập thể lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai, ngày 5/9/2018 Trinh đã trở thành học sinh Trường Tiểu học Thịnh Liệt.
Suốt 5 năm học tiểu học, Trinh được cô Hằng, và sau đó là cô Thương, Hiệu trưởng, cùng tập thể giáo viên Trường Tiểu học Thịnh Liệt quan tâm, chăm sóc. Các cô giúp đỡ Trinh từ sách vở, đồ dùng, quần áo đồng phục đến những bữa ăn bán trú.... Cô Nguyễn Thị Thanh Hòa thường xuyên hỏi han tình hình học tập của em và nhờ Trường Tiểu học Thịnh Liệt quan tâm hỗ trợ. Cô Hòa còn tặng Trinh chiếc xe đạp để em đi học hàng ngày.
Ở tuổi 14, học hết tiểu học, một lần nữa Trinh lại gặp khó khăn trong việc chuyển cấp do không có nơi tạm trú, thường trú, không có mã định danh cá nhân...
Giấy khai sinh của em chỉ mang họ mẹ, do bố mẹ không đăng ký kết hôn. Bố mất, mẹ bỏ đi, bà nội nuôi cháu, nhưng không có giấy tờ gì chứng minh cùng huyết thống.
Dù bao năm nay Trinh luôn là "trường hợp đặc cách" của ngành giáo dục quận Hoàng Mai, nhưng ai rồi cũng cần "giấy thông hành" khi bước vào đời.
Quyết tâm giải quyết tận gốc vấn đề về nhân thân của cháu, cô Nguyễn Thị Thanh Hòa lại đứng ra liên hệ và tài trợ kinh phí xét nghiệm ADN để hoàn tất thủ tục xác định huyết thống giữa cháu Đào Phương Trinh và bà nội. Từ đó, có cơ sở hoàn thiện thủ tục xin cấp mã định danh để bổ sung hồ sơ cho Trinh khi nhập học vẫn còn “nợ” Ban tuyển sinh của trường THCS Thịnh Liệt. Và để làm Căn cước công dân khi Trinh đủ 14 tuổi vào tháng 11/2023.
Suốt 3 tháng ròng rã (từ tháng 7 đến cuối tháng 10/2023) với nỗ lực của cô Hòa và các cán bộ Công an phường Thịnh Liệt, Đào Phương Trinh đã có mã định danh cá nhân. Nhìn thông tin của cháu được cập nhật lên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, bà Huỳnh Thị Thúy, bà nội bé Trinh đã òa khóc.
Một tin vui nữa là Trinh tiếp tục được cô Hiệu trưởng Trường THCS Thịnh Liệt và các thầy cô hỗ trợ toàn bộ chi phí học tập, đồng phục, ăn bán trú trong 4 năm em theo học tại trường. Và cô Hòa đã nhận hỗ trợ cho cháu Trinh đến lúc trưởng thành.
Nơi để về!
Cuộc đời Trinh càng ấm áp hơn khi em đã có một mái nhà đúng nghĩa sau 14 năm chào đời sống tạm bợ trong túp lều rách nát giữa cánh đồng, không có nhà vệ sinh và nhà tắm, chỉ có một bếp củi xếp bằng gạch, một chiếc giường được kê tạm bằng các loại tre, gỗ tạp, bên trên là tấm bạt che mưa nắng gió có thể bị sập bất cứ lúc nào.
Cô Hòa đã tìm thuê một phòng trọ để hai bà cháu có nơi trú mưa, trú nắng thật sự; có nhà vệ sinh, nhà tắm kín đáo vì giờ em cũng đã đến tuổi dậy thì. Cô Hòa đã hỗ trợ toàn bộ tiền thuê nhà và mua BHYT tự nguyện cho bà cháu Trinh.
Nhìn các cô giáo Trường THCS Thịnh Liệt chung tay người dán tường, người mang chăn đệm,… tôi tin cuộc đời Trinh sẽ ấm áp hơn, bởi từ nay em đã hết bơ vơ.
Tháng 11 lại về - tháng của những tri ân, yêu thương và quý mến trao tặng thầy cô. Theo chân cô Hòa đến thăm hai bà cháu, tôi càng trân quý tấm lòng của những nhà giáo như cô Nguyễn Thị Thanh Hòa và các thầy cô giáo quận Hoàng Mai.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) chia sẻ bên hành lang Quốc hội về niềm tự hào, hạnh phúc nhất khi là một cô giáo: