Hành trình chinh phục 'nóc nhà' Yên Bái
Tà Chì Nhù cao 2.979m, ngọn núi cao thứ 7 tại Việt Nam, là một phần của khối núi Pú Luông, thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, được xem là 'nóc nhà' của tỉnh Yên Bái. Đây là một trong những điểm săn mây đẹp nhất tại khu vực Tây Bắc.
Vượt qua thử thách đầu tiên
Đã từng tham gia 4 kỳ giải chạy marathon của báo Tiền phong, đạp xe, chạy bộ, leo cầu thang bộ thường xuyên, tôi vẫn sợ rằng mình không thể leo núi vì nó khác và khó hơn nhiều so với chạy bộ, nhất là độ khó của Tà Chì Nhù là 7/10. Tôi xem video bạn tôi đã từng leo Tà Chì Nhù phải bò từng bước khi xuống núi và hỏi bạn rằng liệu tôi có thể leo được không.
Bạn tôi nói: “Cậu chăm chỉ tập luyện thể thao, chắc là leo được”. Vậy là tôi mạnh dạn đăng ký tham gia giải leo núi đầu tiên dành cho các nhà báo, mặc dù ông xã tôi, người từng có hàng tháng trời lội suối, leo một số ngọn núi ở Yên Bái để làm phim quảng bá du lịch cho tỉnh này, khuyên tôi không nên tham gia vì độ khó của nó.
Trong số các nhà báo đăng ký tham gia leo núi lần này, hầu hết là những bạn lứa tuổi 8X, 9X, chỉ có một số ít 7X. Khi thấy trong danh sách có một nhà báo sinh năm 1999, bằng tuổi con gái tôi, chắc là trẻ khỏe lắm, tôi rất tò mò muốn biết bạn đó có hoàn thành việc leo núi hay không. Sau hơn 5 tiếng đồng hồ đi ô tô từ Hà Nội lên Trạm Tấu với chặng đường 261 km, chúng tôi nghỉ ăn tối ở trung tâm huyện Trạm Tấu để sáng sớm hôm sau bắt đầu leo núi. Đúng 7g30 sáng hôm sau, đoàn chúng tôi bắt đầu leo từ Mỏ Chì, chân núi Tà Chì Nhù. Con đường đầu tiên thoai thoải và dốc dần.
Sau con đường nhựa ban đầu là đoạn đường đất, rồi đá dăm, đường vòng, quanh co. Đi được chừng 30 phút, tôi bắt đầu thấy bở hơi tai, phải nghỉ một lát mới có thể leo tiếp được. Rồi cứ vừa leo, vừa nghỉ, tôi đã vượt qua chân dốc và tới trạm y tế số 1, nơi có một số “vận động viên” đang ngồi đó được hỗ trợ y tế. Tôi nhìn thấy một bạn nam trẻ măng, mặt tím tái đang được các bác sỹ chăm sóc và rồi được đưa xuống núi vì không đủ sức khỏe để tiếp tục cuộc đua. Hóa ra, đó là bạn trẻ sinh năm 1999.
Tà Chì Nhù cao 2.979m, ngọn núi cao thứ 7 tại Việt Nam, là một phần của khối núi Pú Luông, thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, được xem là "nóc nhà" của tỉnh Yên Bái. Đây là một trong những điểm săn mây đẹp nhất tại khu vực Tây Bắc. Trong hai ngày 30/9 và 1/10 vừa qua, gần 100 nhà báo từ hơn 20 cơ quan báo chí trong cả nước đã tham gia giải leo núi “Bước chân trên mây” do báo Pháp luật Việt Nam, UBND huyện Trạm Tấu và công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Việt phối hợp tổ chức.
A Khua, người dẫn đường leo núi chuyên nghiệp, cho biết: “Cái dốc đầu tiên là gắt nhất. Đây là thử thách đầu tiên. Nếu ai vượt qua được thử thách này, có thể leo được lên tới đỉnh”. Ban Tổ chức cũng rất chu đáo khi mời rất nhiều người dân địa phương dẫn đường và hỗ trợ các “vận động viên”, trong số gần 100 “vận động viên” thì có hơn 30 porter dẫn đường.
Dọc quãng đường hơn 10 km lên đỉnh, đoàn người leo núi cứ rải rác nối đuôi nhau chinh phục đỉnh núi. Có đoạn, chỉ có một mình tôi lội qua con suối nhỏ, đi vào rừng trúc đẹp như mơ. Tôi hơi sợ vì nhìn trước không thấy ai, ngoái lại sau lưng cũng không có ai, tự hỏi phải chăng mình đã lạc đường. Định thần một lát, tôi thấy chỉ có con đường độc đạo, nên mạnh dạn bước tiếp. May sao, sau đó tôi bắt kịp đoàn đi trước và mọi người động viên nhau cùng đi tiếp. Tại lán y tế số 2,3 đã có một số người không thể cuộc hành trình.
Đường chim bay hay chim đi bộ?
Lán số 4 sẽ là điểm nghỉ chân của đoàn sau khi đã lên tới đỉnh. Vì thế, tới lán này, chúng tôi có thể gửi balo ở đó để leo tiếp lên đỉnh dễ hơn. Khi tới lán 4, tôi mừng húm vì gửi được chiếc balo, dù nó rất bé và gọn nhẹ, nhưng do leo núi quãng đường dài gần 10km, vai của tôi đỏ rát và đau nhức. Tôi tới lán 4 tầm giữa trưa, trời nắng gắt, trước khi gửi lại chiếc balo trong lán, tôi không quên mang theo áo mưa. Khi leo tiếp lên khoảng 30 phút, mây bắt đầu kéo tới mù mịt. Tôi quay xuống nhìn lán 4 đã thấy mất tích trong sương mù. Chỉ vài phút sau, mưa bắt đầu trút xuống. May quá, suýt nữa thì ướt hết nếu để quên áo mưa ở lán 4.
Sau cơn mưa, trời lại sáng. Tính đến lúc lên đỉnh Tà Chì Nhù, tôi bị dính thêm 2 trận mưa nữa, giày ướt, bít-tất ướt, người rét run bần bật, không tránh khỏi bị chuột rút. Tôi cứ leo đều chân, mệt thì nghỉ và quyết tâm không bỏ cuộc. Hết con đường đất, chúng tôi lại đi trên con đường đá đẹp nhưng phải đi nghiêng nghiêng mới cân bằng với những tảng đá xéo nhau. Số người có ý định bỏ cuộc bắt đầu tăng lên, nhưng chúng tôi động viên nhau, mệt thì nghỉ một lát rồi lại leo tiếp. Cứ hễ nhìn thấy đoàn người xuống núi, chúng tôi lại hỏi sắp lên đỉnh chưa, có người bảo: “ Khoảng 100m nữa là đến”. Đi một đoạn dài, lại gặp đoàn người khác đi xuống, họ cũng bảo: “Sắp đến rồi, còn khoảng 100m nữa”. Chúng tôi đi mãi, đi mãi mà vẫn chưa thấy đỉnh núi đâu. Sau đó, có bạn cẩn thận hỏi lại: “100m đường chim bay hay đường chim đi bộ mà mãi chưa thấy tới?”. Khi leo núi thì mới thấu hiểu “đường chim bay” và “chim đi bộ” khác nhau lớn thế nào. Có những đoạn, tôi nhìn thấy đoàn người ngay phía trước mình, nhưng đi tướt mồ hôi mà cũng không đuổi kịp họ. Hay như khi xuống núi, nhìn thấy thác nước Mỏ Chì xa xa mừng quá, nghĩ rằng sắp xuống núi đến nơi rồi, vậy mà phải đi qua 3 quả đồi và 2 đồng cỏ mới xuống tới chân núi.
Mặc dù, đoàn chúng tôi lên tới đỉnh gần như là đoàn cuối cùng, ôm cột mốc đánh dấu “Tà Chì Nhù 2.979m” trong mưa, nhưng chỉ một lát trời lại tạnh và nắng lên. Ngay sau đó, chúng tôi nhìn thấy biển mây tuyệt đẹp hiện ra, rồi cầu vồng xuất hiện. Cả đoàn reo hò sung sướng và thi nhau lấy điện thoại ra chụp ảnh để ghi lại khoảnh khắc tuyệt đẹp này. Đến lúc này, tôi mới tin rằng, mình đã lên được đỉnh núi cao 2.979m trong một ngày.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hanh-trinh-chinh-phuc-noc-nha-yen-bai-post1578452.tpo