Hành trình 'chữa lành' của nam sinh từng khóc ướt gối vì bị bắt nạt, kỳ thị
Có quãng tuổi thơ không trọn vẹn, đến khi đi học lại bị bạn bè bắt nạt, đó là quãng thời gian đen tối khiến Quỳnh ám ảnh mỗi khi nhớ về, nhưng cũng là động lực thôi thúc em phải tiến lên phía trước.
“Là một đứa trẻ từng bị bỏ rơi, cô lập và chịu nhiều tổn thương, em luôn tự dặn không thể để nghịch cảnh định nghĩa mình, bởi điều gì không đánh gục được ta sẽ khiến ta trở nên mạnh mẽ. Chính những điều ấy đã khiến em phải vững vàng bước tiếp”, Lê Hoàng Quỳnh (sinh năm 2002, Thái Bình), sinh viên năm 4, ngành Quản trị văn phòng, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, nói sau hàng loạt biến cố đến với mình.
Hoàng Quỳnh nhớ lại, quãng thời gian tuổi thơ có lẽ là giai đoạn hạnh phúc nhất bởi em được sống trong sự đủ đầy của cả bố và mẹ. Nhưng kể từ khi Quỳnh vào cấp 1, bố mẹ bắt đầu có sự rạn nứt. Đến khi Quỳnh học lớp 6, cả hai quyết định ly hôn.
Mẹ đưa Quỳnh và em gái rời khỏi nhà ngay trong đêm. Đó cũng là lần cuối cùng em được sống trong ngôi nhà quen thuộc. Sau đó, bố của Quỳnh phải vào trại cai nghiện. Cuộc sống của 3 mẹ con cũng chật vật hơn trong một ngôi nhà đi thuê. Cả hai anh em được mẹ cho theo học trong một ngôi trường mới.
“Đó là quãng thời gian vô cùng khó khăn khi mẹ phải vật lộn, thay đổi rất nhiều công việc để cho hai anh em được đi học”.
Chông chênh khi bước vào giai đoạn dậy thì, Quỳnh từng bất lực phát khóc khi bị bạn bè trêu chọc, kỳ thị về ngoại hình và xu hướng tính dục nhưng không thể chia sẻ với ai.
“Các bạn đặt cho em rất nhiều biệt danh ám ảnh. Suốt thời gian dài, em bị tổn thương tinh thần, luôn cảm thấy chán ghét bản thân và mọi thứ xung quanh”, Quỳnh nhớ lại.
Lên cấp 3, mọi thứ cũng không mấy cải thiện khi em tiếp tục bị bạn bè bắt nạt, kỳ thị, cô lập. Không chỉ thông qua lời nói, nhiều người bạn thậm chí còn gửi hình ảnh cá nhân của Quỳnh vào trong nhóm lớp để đùa cợt, bình phẩm về dáng điệu, cử chỉ.
“Thời điểm này, mẹ em đã có gia đình mới, nhưng cũng vẫn khá khó khăn trong công việc và kinh tế. Việc học ở trường không mấy vui vẻ, nhưng em không muốn mang thêm ưu phiền về cho mẹ nên đã tự mình học cách đối mặt với nó”.
Nhiều đêm, Quỳnh khóc ướt gối vì cảm thấy tủi thân và đơn độc. Từ một học sinh có học lực Giỏi, năm cấp 3, Quỳnh tuột dốc. Giai đoạn khó khăn nhất, có hai nguồn động lực lớn đã thôi thúc Quỳnh tiến về phía trước.
“Là một đứa trẻ từng phải chịu nhiều tổn thương, em luôn tự nhắc nhở bản thân “Điều gì không đánh gục được ta sẽ khiến ta mạnh mẽ hơn”.
Ngoài ra, một nguồn động lực to lớn hơn cả chính là bà ngoại. “Em còn nhớ khi chụp ảnh kỷ niệm chia tay lớp mẫu giáo với áo, mũ cử nhân và tấm bằng đỏ, bà đã xem ảnh và nói: “Bà muốn thấy cháu tốt nghiệp đại học thật cơ”.
Thế nhưng căn bệnh ung thư quái ác đã cướp bà đi khi em còn đang ôn thi tốt nghiệp THPT. Vì thế, mỗi khi cảm thấy chênh vênh, em luôn tự nhủ “phải phấn đấu để tốt nghiệp đại học”.
Năm 2020, Quỳnh thi đỗ vào ngành Quản trị văn phòng, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội. Nhưng trước ngày biết điểm thi, Quỳnh đưa ra quyết định sẽ rời khỏi gia đình của mẹ để chuyển về sống với ông nội.
“Em vẫn nhớ mãi buổi tối hôm ấy, khi nói với mẹ về quyết định này, hai mẹ con đã ôm nhau khóc. Mẹ động viên em, nói rằng: Hãy mạnh mẽ lên, không sao đâu”.
Nhưng sau đó, vì nhiều lý do, hai mẹ con không còn cơ hội liên lạc với nhau nữa. Đến giờ, Quỳnh cũng không còn biết nhiều về tình hình của mẹ. Hàng loạt câu chuyện xảy đến buộc Quỳnh phải học cách mạnh mẽ, tự lập và cứng cáp hơn.
“Khi bước vào giảng đường đại học, em đặt mục tiêu phải phấn đấu để tự viết nên cuộc đời mình. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã trở thành ngôi nhà thực sự, cho em nhiều tình yêu và kỷ niệm. Ngoài ra, thầy cô, bạn bè cũng luôn đồng hành, ủng hộ em trong mọi việc”, Quỳnh nói.
Năm nhất, Quỳnh được các bạn bầu làm cán bộ lớp. Điều này giúp Quỳnh bắt đầu mở lòng, bước ra khỏi vùng an toàn và dần lấy lại sự tự tin. Từ đó, Quỳnh trở nên chủ động, dám làm những điều lần đầu làm và tham gia những điều lần đầu tham gia.
Tại trường đại học, Quỳnh là Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ học thuật và nghiên cứu khoa học, đồng thời là Trưởng ban Truyền thông của Liên chi đoàn.
Hoàng Quỳnh cũng có 5/6 kỳ giành học bổng khuyến khích học tập cùng các học bổng doanh nghiệp và có 2 lần giành giải Nhất nghiên cứu khoa học cấp trường. Mới đây, Quỳnh trở thành 1 trong 74 cá nhân đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” tiêu biểu cấp Trung ương.
“Đây là một trong những kết quả em tự hào nhất minh chứng cho sự nỗ lực của bản thân”, Quỳnh nói.
Thầy giáo Nguyễn Trung Đức, giảng viên Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ấn tượng về Quỳnh bởi sự thông minh, năng nổ, nhiệt tình không chỉ trong các hoạt động đoàn hội mà cả trong việc học tập.
“Quỳnh là sinh viên học tốt, có thế mạnh trong nghiên cứu khoa học và đã đạt được nhiều thành tích, nhận khen thưởng ở các cấp. Ngoài ra, cậu học trò này có tư duy sáng tạo và khả năng phản biện tốt. Quỳnh rất hăng hái phát biểu ý kiến, khuấy động tinh thần học tập của các bạn khác trong mỗi tiết học”, thầy Đức nói.
Nhìn lại hành trình của mình, Quỳnh cho rằng không chỉ em mà bất cứ ai cũng không nên để nghịch cảnh định nghĩa bản thân.
“Mọi thứ sẽ tốt hơn nếu bản thân giữ được sự mạnh mẽ, lạc quan, tìm ra được năng lực nội tại và ngọn lửa để vực dậy. Cuối cùng, những điều tốt đẹp vẫn đang ở phía trước”, Quỳnh nói.