Hành trình chuyển giới của con trai một giáo sĩ
Lớn lên trong một cộng đồng tách biệt với New York nhộn nhịp, Abby Stein không được giáo dục các kiến thức về giới tính và từng nghĩ mình bị tâm thần khi muốn trở thành phụ nữ.
Abby Stein, sinh năm 1991, là nữ tác giả, diễn giả chuyển giới người Mỹ, đồng thời cũng là nhà hoạt động xã hội vì quyền bình đẳng của LGBT.
Cô là người phụ nữ chuyển giới công khai đầu tiên trong cộng đồng người Do Thái phái Hasidic, vốn là nhóm người ít tiếp xúc với xã hội và có thái độ tiêu cực với cộng đồng LGBT.
Chính vì vậy, ít ai biết nữ tác giả này từng chống chọi với khoảng thời gian trầm cảm, chán ghét cơ thể, ngày qua ngày không biết bản thân là ai và mục đích sống của mình là gì.
Tự làm đau bộ phận sinh dục nam của mình
Abby Stein là con trai đầu tiên trong gia đình trước đó có 5 chị gái. Vì thế, bố cô luôn tự hào với mọi người rằng cô chính là tia hy vọng cuối cùng trong cuộc đời ông.
Bố Stein là một giáo sĩ. Vì thế từ bé, Abby Stein được mọi người mặc định sẽ nối dõi bố. Thế nhưng, suốt thời thơ ấu, cậu bé ấy luôn cảm thấy hổ thẹn với gia đình và có lỗi với bố vì không thể đáp ứng mong muốn của ông.
Suốt thời gian đi học, Abby Stein dường như không hề biết đến cụm từ “người chuyển giới”, bởi hầu hết trường học Do Thái Hasidic hiếm khi tuyển học sinh đồng tính, chuyển giới hay dạy các bài học về giáo dục giới tính. Họ cho rằng nhắc đến vấn đề này là một điều cấm kỵ.
Chia sẻ trong quyển tự truyện Becoming Eve: My Journey from Ultra-Orthodox Rabbi to Transgender Woman, cô chia sẻ: “Đã có lúc tôi ước rằng tôi được dạy bởi một giáo viên chuyển giới, để tôi biết người chuyển giới thật sự tồn tại”.
Năm Abby Stein lên 6, cô bắt đầu thu thập những mẩu báo cũ về cấy ghép nội tạng và cơ thể phụ nữ, ghép lại thành một bức tranh với suy nghĩ đơn giản: sẽ mang chúng đến bác sĩ và nhờ họ biến cô thành một cô gái thực sự.
Khi lớn hơn chút, cô nhận ra những điều đó không thực tế. Stein bắt đầu viết những lời cầu nguyện của mình vào sổ với hy vọng Chúa sẽ đọc được lời thỉnh cầu của mình.
“Nếu tôi trở thành phụ nữ, tôi hứa sẽ là một người phụ nữ tốt. Tôi sẽ không mặc quần áo phô trương và luôn thực hiện những phẩm chất tốt của phụ nữ.
Khi tôi già đi, tôi cũng sẽ là một người vợ tốt, sẽ là hậu phương vững chắc cho chồng, nấu những món ăn ngon cho anh ấy và các con tôi. Xin hãy giúp tôi!”.
Stein kể: “Tôi chưa bao giờ thấy ai khỏa thân, cũng không biết rằng các chị gái và tôi có những bộ phận khác nhau như thế nào. Đó là điều chúng tôi không được phép thảo luận”.
Mặc dù vậy, cô luôn có cảm giác những bộ phận trên cơ thể không thuộc về mình. Cảm giác ấy thật sự rất mạnh mẽ dù lúc ấy Abby Stein vẫn còn nhỏ.
Nhiều lần, cậu bé tiểu học này đã lén bố mẹ lấy kim tây châm vào bộ phận sinh dục, mặc dù đau đớn, cậu xem đó là cách để trừng phạt cơ thể không như mong muốn của mình.
Cộng đồng Hasidic và những phong tục lạc hậu
Abby Stein cho biết trước khi trưởng thành, cô gần như nghĩ rằng phần lớn dân số thế giới đều là cộng đồng người Do Thái. Cô thậm chí không biết đến Britney Spears, công chúa nhạc pop của những năm 90, hoặc những thứ mà bất kỳ người New York nào cũng biết.
“Ở cộng đồng Hasidic, tôi chỉ được học tiếng Yiddish và tiếng Hebrew, hai ngôn ngữ của người Do Thái, và không thể nói tiếng Anh cho đến năm 20 tuổi”, nữ diễn giả cho biết.
Tại trường học riêng biệt của phái Hasidic, những học sinh chỉ học bảng chữ cái tiếng Anh, cách viết tên và địa chỉ của mình. Chúng thậm chí không bao giờ đụng đến quyển sách khoa học, địa lý hay lịch sử nào, ngoại trừ lịch sử Do Thái.
Đối với nữ tác giả chuyển giới, Hasidic là một xã hội tách biệt giới tính nhất mà cô từng nghiên cứu.
“Ở ngoại ô New York, nơi người Hasidic sống tập trung theo nhóm, đàn ông và phụ nữ được yêu cầu di chuyển trên hai con đường riêng biệt, điều chỉ tồn tại ở Đông Âu thế kỷ 19”, Stein cho biết.
“Từ khi bắt đầu học mầm non, học sinh đã được khuyên không nên chơi với bạn khác giới. Mặc dù luật của người Do Thái không cấm việc ôm, hôn hay nắm tay với mẹ hoặc chị gái của mình, những cậu bé như tôi khi ấy vẫn tự biết rằng hành động ấy là không thể xảy ra”, cô nói thêm.
Abby Stein chia sẻ rằng mặc dù biết bản thân mang tâm hồn của phụ nữ, cô đành chấp nhận số phận bị định đoạt bởi một cuộc hôn nhân như bao chàng trai khác trong cộng đồng.
“Bất kể bạn là ai, khi bạn sinh ra, bạn ăn, bạn thở và bạn kết hôn năm 18 tuổi - đó là quy luật bất biến của xã hội khép kín này”, nữ tác giả nói.
Hành trình tự “giải thoát” bản thân
Abby Stein và Fraidy, vị hôn phu được bố mẹ sắp đặt của cô khi ấy, làm lễ đính hôn khi cả hai mới chỉ gặp nhau 15 phút. Họ thậm chí không gặp lại nhau sau đó cho đến khi ngày cưới diễn ra.
Ít lâu sau, khi Fraidy có thai, sự dằn vặt bản thân mới thực sự xảy đến với Abby Stein.
“Tôi muốn cho con tôi cuộc sống tốt nhất, nhưng tôi không biết làm gì bởi lẽ ở tuổi 20, tôi thậm chí còn không thể định nghĩa một ‘cuộc sống tốt’ là như thế nào”, cô chia sẻ.
Trong một lần mượn máy tính bảng của bạn và biết đến Internet, Abby Stein khám phá ra một việc khiến cô kinh ngạc: Những người rời khỏi cộng đồng Hasidic không chỉ có thể sống tiếp mà còn phát triển tốt hơn.
Từ đó, suy nghĩ “giải thoát” bản thân liên tục thôi thúc cậu thanh niên 20 tuổi này.
Fraidy là người đầu tiên Stein quyết định tiết lộ câu chuyện của mình. Sau đó, cô về nhà và bắt đầu thưa chuyện với bố mẹ.
“Bố tôi thừa nhận người chuyển giới thực sự tồn tại, nhưng thay vì khuyên tôi tìm đến những bác sĩ phẫu thuật uy tín, họ lại nghi ngờ chính con mình và không muốn nói chuyện với tôi”, cô kể.
Mặc dù vậy, Abby Stein vẫn quyết tâm thực hiện ước mơ của mình, trở thành một phụ nữ thực thụ.
“Khoảnh khắc mỗi mũi kim đâm vào cơ thể thật sự rất đau, nhất là khi bạn không có bất kỳ ai bên cạnh, nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc vì được sống đúng với bản chất của mình”, cô cho biết.
Cô nói rằng là một người chuyển giới, một phần của cộng đồng LGBT thật tốt đẹp và có ý nghĩa hơn nhiều so với buổi lễ trưởng thành của đàn ông trong cộng đồng khép kín của cô.
Đến hiện tại, Abby Stein vẫn nhắn tin cho bố mẹ mỗi tuần, nhưng đáp lại việc này, họ hoàn toàn không trả lời tin nhắn của cô. Dù vậy, nữ tác giả cho biết cô sẽ nói chuyện với họ bất cứ khi nào họ sẵn sàng.
“Là người Hasidic đầu tiên xuất hiện trong hình dạng của người chuyển giới, tôi tự hào vì có thể giúp những người trẻ trong cộng đồng tự tin và quyết đoán hơn với số phận của họ. Tôi hy vọng mọi người, nhất là bố mẹ tôi, sẽ có cái nhìn tích cực hơn về những người chuyển giới như con gái họ”, cô nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hanh-trinh-chuyen-gioi-cua-con-trai-mot-giao-si-post1079385.html