Hành trình 'cõng chữ' lên non: Giáo viên không quản lội bùn đưa học sinh trở lại trường
Các bản làng, điểm trường ở xa trung tâm, cách hàng chục cây số đường rừng. Vì vậy, giáo viên phải đi mất nhiều giờ đồng hồ, vượt thời tiết mưa gió để gặp học sinh.
Bài 1: Gian nan hành trình lội bùn đến tận nhà gọi học sinh trở lại trường
Các bản làng, điểm trường ở xa trung tâm, cách hàng chục cây số đường rừng. Vì vậy, giáo viên phải đi mất nhiều giờ đồng hồ, vượt thời tiết mưa gió để đến gặp học sinh cùng phụ huynh.
Thầm lặng mang chữ “gieo” trên vùng cao
Cơn mưa kéo dài làm con đường đất vào bản Huồi Mới (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) thêm phần gian nan. Xốc lại ba lô, mang chiếc ủng dính đầy bùn đất, người đầm đìa mồ hôi trong bộ áo mưa dày cộm, cô Lô Thị Hương, giáo viên trường mầm non Tri Lễ, dù đã rất mệt nhưng vẫn cố bám theo đồng nghiệp trên con dốc dài trơn trượt.
“Điểm trường tại bản Huồi Mới có 100% học sinh là con em dân tộc Mông. Việc triển khai công tác tuyển sinh, công tác phổ cập, tuyên truyền nếu đi làm theo giờ hành chính thì chắc chắn không kịp. Vì vậy, chúng tôi phải đi trước đó một ngày vào lúc chiều tối, hoặc phải đi từ tờ mờ 4 giờ sáng sớm để có thể gặp được phụ huynh”, cô Lô Thị Hương chia sẻ.
Huồi Mới là một trong 5 bản (Huồi Mới, Pà Khốm, Mường Lống, Huồi Xái, Nậm Tột) có điểm trường khó khăn bậc nhất của xã Tri Lễ, sát với biên giới Việt- Lào. Từ trung tâm xã Tri Lễ đến điểm trường tiểu học, mầm non Huồi Mới chỉ có một con đường độc đạo duy nhất dài hơn 10km. Tuy nhiên, tuyến đường này có nhiều đoạn bùn đất trơn trượt, lầy lội, với một bên là vách núi, một bên là vực sâu thăm thẳm vô cùng nguy hiểm. Cũng do cuộc sống còn nhiều khó khăn nên người dân nơi đây vẫn chưa quan tâm đến việc học của con.
“Dù các cô cùng với trưởng bản đã nhiều lần đến từng nhà vận động, tuyên truyền cho phụ huynh và con em đến trường nhưng một số người vẫn ngó lơ khâu tuyển sinh nhập học đầu năm. Có người còn nói là đợi cháu lớn hơn mới cho đi học”, cô Hương nói.
Chia sẻ thêm về việc này, cô Lầu Y Pay, giáo viên trường mầm non Tri Lễ cho biết, hầu hết các hộ dân nơi đây đều rất khó khăn. Hàng ngày bố mẹ lên rẫy, hoặc đi làm ăn xa gửi con cái cho ông bà, vì thế việc chăm lo cho con em đến trường còn hạn chế.
Khi đã không đồng ý, họ lại dẫn ra nhiều lý do rồi đưa con em mình lên rẫy cùng. Vậy là các cô giáo mầm non lại phải đến nhiều lần để thuyết phục và động viên phụ huynh học sinh. “Nếu các cô không đi vận động thì có nguy cơ các em không được đến lớp là rất cao. Vì vậy mặc dù gian nan vất vả, các cô vẫn phải kiên trì đến từng nhà để vận động”, cô Lầu Y Pay nói.
Nỗ lực giúp các em đến trường
Cô Hoàng Thị Đài, Hiệu trưởng trường mầm non Tri Lễ, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong cho biết, ngay từ những ngày đầu tháng 8, trường đã cắt cử 14 giáo viên vào 5 điểm trường ở các bản của xã Tri Lễ vận động phụ huynh cho con em đến trường đi học.
“Đường sá xa xôi vất vả, bên cạnh đó bất đồng ngôn ngữ cũng khiến công tác vận động phụ huynh học sinh gặp nhiều khó khăn. Các cô giáo phải nhờ trưởng bản, các giáo viên biết tiếng Mông đi cùng để vận động phụ huynh hiểu tầm quan trọng cho các cháu đến trường đi học sớm”, cô Đài nói.
Tại các bản vùng cao này có nhiều hoàn cảnh rất đặc biệt, thậm chí có những em chưa hề làm giấy khai sinh. Vậy nên công tác tuyển sinh đầu năm học diễn ra gần một tháng trời. Một phần nữa trường mầm non đặc thù không có giáo viên nam nên các cô phải cố gắng gấp bội.
“Các giáo viên vào được bản nhưng không phải lúc nào cũng gặp được phụ huynh. Các cô cũng dặn học sinh báo lại bố mẹ nhưng phụ huynh thì đi làm nương rẫy hoặc không quan tâm nên không ra trung tâm làm thủ tục nhập học cho con. Vì vậy, nhiều trường hợp các giáo viên phải đi đi lại lại nhiều lần”, cô Đài cho biết thêm.
Theo Hiệu trưởng trường mầm non Tri Lễ, với những cố gắng không biết mệt mỏi, kết quả đạt được vô cùng khả quan, cho đến thời điểm hiện tại các giáo viên đã cơ bản vận động được trẻ nhóm tuổi 3 và 4 đến trường. Những ngày tới, các cô giáo sẽ tiếp tục vận động, thuyết phục để các em học sinh nhóm tuổi ít hơn đều được đến trường đi học.
Ông Lữ Thanh Hà, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Quế Phong, cho biết hiện tại đối với trẻ mầm non 5 tuổi thì gần 100% các em đã được gia đình đăng ký nhập học. Có được kết quả này là một nỗ lực rất lớn của đội ngũ giáo viên.
Tuy nhiên, ở độ tuổi nhóm trẻ ít hơn thì rất khó khăn, tỷ lệ còn thấp, vì hiện tại vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cho các cháu. Bởi vậy, việc vận động của giáo viên và chính quyền địa phương là rất cần thiết để các cháu được đến trường sớm.
“Trên địa bàn còn nhiều tuyến đường vào các điểm trường rất khó khăn. Đặc biệt khi trời mưa, đối với giáo viên cắm bản di chuyển vô cùng vất vả thậm chí nguy hiểm. Phòng cũng rất ghi nhận, chia sẻ với đội ngũ giáo viên cắm bản, đặc biệt tại những bản xa, điều kiện khó khăn. Tuy nhiên, ngày khai giảng đã rất cận kề nên các giáo viên cần nỗ lực hơn nữa”, ông Hà nói.