Hành trình cùng xây mái ấm cho người nghèo
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, sau 10 tháng Kiên Giang cơ bản hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025.
Đồng chí Lê Thanh Việt - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang cho biết: “Từ khi phát động phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát (ngày 14-6-2024), cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh tập trung mọi nguồn lực, vào cuộc quyết liệt và đạt nhiều kết quả quan trọng, nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đến nay, tỉnh cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chủ trương của Chính phủ”.
Với quyết tâm chung sức, chung lòng về đích sớm mục tiêu phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, hiện toàn tỉnh hoàn thành xây dựng 3.374 căn nhà, trong đó xây dựng mới 3.261 căn, sửa chữa 460 căn, tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng. Ban chỉ đạo các huyện, thành phố còn vận động các tổ chức, cá nhân xây dựng mới 224 căn, sửa chữa 20 căn, với tổng kinh phí 11,8 tỷ đồng; vận động gia đình, người thân đóng góp 17,28 tỷ đồng bổ sung cho căn nhà được khang trang hơn.

Anh Nguyễn Văn Triều dán gạch hoàn thiện căn nhà cho gia đình bà Nguyễn Thị Ba, ngụ ấp Sáu Song, xã Ngọc Thành (Giồng Riềng).
Để hoàn thành số lượng căn nhà nêu trên trong thời gian ngắn, quyết định nhất là sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự chung tay, đồng lòng của các cấp, ngành cùng sự hưởng ứng tích cực từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong tỉnh, nhất là cán bộ, chiến sĩ công an, quân sự đã đóng góp hơn 10.000 ngày công để hoàn thành 1.000 căn nhà đã cam kết với Ban Chỉ đạo tỉnh, góp phần hoàn thành vượt tiến độ chung.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang Lê Thanh Việt cho rằng phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh không chỉ nhằm thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội mà còn lan tỏa tinh thần nhân văn tốt đẹp, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, nhất là các gia đình chính sách, hộ nghèo và hộ cận nghèo. Phong trào thể hiện rõ nét tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người dân Kiên Giang, giúp nhiều gia đình thoát khỏi tình trạng nhà tạm, nhà dột nát, ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp.
Bà Thị Nghĩa, ngụ ấp Sáu Trường, xã Ngọc Thành (Giồng Riềng) trước đây là hộ nghèo, sau thời gian cố gắng lao động cải thiện thu nhập dần trở thành hộ cận nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà trong dịp này. “Được hỗ trợ 60 triệu đồng xây nhà mới, tôi rất phấn khởi. Căn nhà được xây dựng thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, tình cảm gắn bó, sẻ chia của anh em họ hàng, làng xóm dành cho tôi. Giờ đây, tôi có thể yên tâm mỗi khi đi làm không còn lo lắng khi mùa mưa bão tới”, bà Nghĩa nói.
Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát ý nghĩa hơn với quyết tâm sớm về đích như một hành trình vì cái tình với người nghèo trong những ngày tháng tư lịch sử. Ngày khởi công xây dựng căn nhà đại đoàn kết cho bà Nguyễn Thị Ba, ngụ ấp Sáu Song, xã Ngọc Thành là ngày vui của các thành viên trong gia đình. Cô con gái lớn của bà có mặt từ rất sớm chung vui với mẹ và phụ dọn vật dụng trong nhà. Cô con gái út đi làm xa, nghe tin vui, cũng hẹn cho mẹ tiền để căn nhà được xây dựng khang trang hơn. Anh trai bà Ba cũng là thợ xây chính chịu trách nhiệm thiết kế xây nhà mới cho em mình như góp một phần công giảm chi phí để em gái có căn nhà kiên cố hơn…

Đồng chí Trần Thanh Giang (hàng sau, thứ ba, từ phải qua) - Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thắng (Gò Quao) cùng đại diện ngành, đoàn thể xã, ấp dự lễ bàn giao nhà đại đoàn kết trên địa bàn hai ấp Thắng Lợi và Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thắng.
Trong quá trình xây dựng nhà ở, chính quyền xã, cán bộ ấp nhiều nơi thường xuyên giám sát, hỗ trợ, khuyến khích xây dựng nhà đủ công năng sử dụng, phù hợp tài chính gia đình. Ngôi nhà bà Thị Dụng, ngụ ấp An Thọ, xã Định An (Gò Quao) được xây dựng đúng quy cách nhà đại đoàn kết. Khi nhà xây dựng xong, con gái bà đang đi làm xa cũng gửi cho ba mẹ 10 triệu đồng hỗ trợ làm chái để mở rộng diện tích và tiện cho sinh hoạt khi ba mẹ lớn tuổi. Người con trai thứ của bà Dụng cách đó vài cây số cũng đến chia vui với ba mẹ và tham gia làm chái nhà, kê chiếc máng xối hứng nước cho ba mẹ tiện sử dụng, tránh trơn trợt khi trời mưa.
Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát là chủ trương không chỉ có ý nghĩa an sinh xã hội mà còn cụ thể hóa nội dung phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Gia đình bà Châu Thị Đạm, ngụ ấp Hòn Heo, xã Dương Hòa (Kiên Lương) là hộ cận nghèo, cuộc sống khó khăn, trước đây bà sống trong căn nhà cũ xuống cấp chưa có khả năng sửa chữa. Ngày bàn giao nhà không chỉ có sự có mặt của chính quyền địa phương, người thân mà còn có hàng xóm đến chung vui. Trong ngôi nhà còn mùi sơn, bà Đạm không giấu được niềm vui, niềm hạnh phúc khi mong ước bao lâu nay về ngôi nhà khang trang làm nơi tránh mưa, tránh bão đã thành hiện thực.
Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang xác định công tác an sinh xã hội và hỗ trợ nhà ở cho người dân có hoàn cảnh khó khăn là việc làm thường xuyên, liên tục trong mục tiêu giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau khi Kiên Giang đang trên đường phát triển. Thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang Lê Thanh Việt cho biết tập trung đẩy mạnh vận động các nguồn lực xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp, nhà hảo tâm đồng hành trong thực hiện phong trào hướng đến mở rộng đối tượng hộ có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ nhà ở, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.