Giá dầu thế giới chạm mức thấp nhất trong hai tuần

Giá dầu thế giới giảm khoảng 2% trong phiên giao dịch 29/4, xuống mức thấp nhất trong hai tuần, khi nhà đầu tư lo ngại Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh gọi là OPEC+, sẽ tăng sản lượng và những tác động tiêu cực từ chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể làm suy yếu kinh tế toàn cầu, qua đó ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ dầu.

Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Cairo, Ai Cập. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Cairo, Ai Cập. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Kết thúc phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 1,61 USD (2,4%), chốt phiên ở mức 64,25 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,63 USD/thùng (2,6%), xuống còn 60,42 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 10/4.

Theo kết quả khảo sát của Reuters, phần lớn các nhà kinh tế nhận định rằng chính sách thuế nhập khẩu quyết liệt của ông Trump có thể khiến kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái trong năm nay. Trung Quốc - quốc gia bị đánh thuế cao nhất - đã đáp trả bằng cách áp thuế trả đũa lên hàng hóa Mỹ, làm căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới leo thang. Nhiều nhà phân tích đã hạ mạnh dự báo về nhu cầu và giá dầu trong năm nay.

Thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ trong tháng 3/2025 đã tăng lên mức kỷ lục, do các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập hàng trước khi chính sách thuế của ông Trump có hiệu lực, làm tăng thêm gánh nặng lên tăng trưởng kinh tế quý I/2025.

Hệ quả của cuộc chiến thương mại cũng lan rộng ra giới doanh nghiệp: hãng vận chuyển UPS cho biết sẽ cắt giảm 20.000 việc làm để tiết kiệm chi phí, trong khi hãng xe General Motors đã rút lại triển vọng lợi nhuận và lùi cuộc họp với nhà đầu tư sang ngày 1/5 để chờ các diễn biến chính sách thương mại mới.

Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hành pháp nhằm giảm tác động của thuế ô tô, bằng cách kết hợp miễn giảm thuế cho linh kiện và nguyên vật liệu - động thái được đưa ra sau khi các nhà sản xuất xe cảnh báo về hậu quả.

Tập đoàn dầu khí BP (Anh) ghi nhận lợi nhuận ròng quý I/2025 giảm mạnh hơn dự kiến, với mức sụt giảm 48%, còn 1,4 tỷ USD, do mảng lọc dầu và kinh doanh khí đốt hoạt động yếu.

Giới đầu tư đang chờ đợi báo cáo tài chính từ hai tập đoàn dầu khí lớn của Mỹ là Exxon Mobil và Chevron trong tuần này.

Một số thành viên của OPEC+ dự kiến sẽ đề xuất tiếp tục tăng sản lượng trong tháng Sáu – tháng tăng thứ hai liên tiếp. Trong quý I vừa qua, Kazakhstan, một thành viên của OPEC+, đã tăng xuất khẩu dầu thêm 7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ tăng sản lượng thông qua tuyến ống dẫn dầu Caspi.

Giới phân tích dự báo các công ty năng lượng Mỹ đã bổ sung khoảng 0,5 triệu thùng dầu vào kho dự trữ trong tuần kết thúc ngày 25/4. Nếu đúng, đây sẽ là tuần tăng thứ năm liên tiếp, so với mức tăng 7,3 triệu thùng cùng kỳ năm ngoái và mức tăng trung bình 3,2 triệu thùng trong giai đoạn 2020–2024.

Giá vàng giảm gần 1% do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt

Giá vàng thế giới giảm gần 1% trong phiên giao dịch 29/4, khi những tín hiệu tích cực về việc hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến nhu cầu trú ẩn an toàn giảm bớt. Trong khi đó, giới đầu tư đang chờ đợi loạt số liệu kinh tế quan trọng trong tuần này để đánh giá triển vọng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Cụ thể, kết thúc phiên này, tại sàn giao dịch COMEX (Mỹ), giá vàng giao ngay giảm 0,8%, xuống còn 3.315,84 USD/ounce. Trong khi giá vàng giao kỳ hạn cũng giảm 0,4%, đóng cửa ở mức 3.333,6 USD/ounce.

Theo các quan chức Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang lên kế hoạch giảm tác động của thuế nhập khẩu ô tô bằng cách hạ thuế đối với linh kiện nhập khẩu dùng trong xe sản xuất tại Mỹ, đồng thời đảm bảo xe nhập khẩu không bị đánh nhiều loại thuế chồng thuế.

Sự dịu lại trong căng thẳng thương mại đã dẫn đến đợt bán tháo vàng - tài sản thường được xem là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn - sau khi kim loại quý này vừa lập đỉnh lịch sử 3.500,05 USD/ounce hồi tuần trước.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent hôm 28/4 cho biết một số đối tác thương mại hàng đầu đã đưa ra các đề xuất "rất tốt" để tránh bị Mỹ áp thuế. Ông Bessent cũng nhấn mạnh, việc Trung Quốc gần đây miễn thuế trả đũa đối với một số hàng hóa Mỹ cho thấy Trung Quốc đang muốn giảm căng thẳng thương mại.

Giới đầu tư hiện đang dõi theo loạt số liệu kinh tế Mỹ sẽ được công bố trong tuần này, trong đó có chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), dự kiến được công bố vào ngày 30/4 và báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp hàng tháng, dự kiến được công bố vào ngày 2/5.

Ông Michael Matousek, trưởng bộ phận giao dịch tại U.S. Global Investors, cho rằng trong ngắn hạn, mức 3.500 USD/ounce có thể là ngưỡng mà nhà đầu tư bắt đầu bán ra chốt lời, và đây là một diễn biến bình thường của thị trường. Ông nói: “Theo tôi, đến cuối quý này giá vàng có thể lên tới 3.590 USD/ounce, và có thể đạt 3.800 USD/ounce vào cuối năm”.

Cùng ngày, giá bạc giao ngay giảm 0,4% xuống còn 33,02 USD/ounce; bạch kim giảm khoảng 1%, còn 976,50 USD/ounce; trong khi palladium mất 1,3%, còn 936,41 USD/ounce.

Tại Việt Nam, cuối ngày 29/4 công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 119,30 - 121,30 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Chứng khoán Mỹ tăng điểm giữa những tín hiệu kinh tế trái chiều

Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Thị trường chứng khoán Mỹ chốt phiên giao dịch 29/4 trong sắc xanh, sau khi chứng kiến diễn biến giằng co giữa tăng và giảm nhẹ trong suốt phiên do nhà đầu tư đánh giá các báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp, dữ liệu kinh tế và diễn biến mới trong chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Kết thúc phiên này, chỉ số Dow Jones tăng 300,03 điểm, tương đương 0,75%, lên 40.527,62 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 32,08 điểm (0,58%), lên 5.560,83 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 95,19 điểm (0,55%), lên 17.461,32 điểm. Đây là phiên tăng thứ sáu liên tiếp của S&P 500 - chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết Trung Quốc có thể mất tới 10 triệu việc làm do các mức thuế mới của Mỹ, nhưng khẳng định Washington đang đạt tiến triển trong các thỏa thuận thương mại với những đối tác khác như Nhật Bản và Ấn Độ.

Tình trạng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - tiếp tục là tâm điểm của cuộc chiến thuế quan toàn cầu bắt nguồn từ quyết định áp thuế của chính quyền Tổng thống Trump từ ngày 2/4. Điều này khiến giới đầu tư lo ngại về nguy cơ tăng trưởng toàn cầu chậm lại và áp lực lạm phát quay trở lại.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh ngay trước giờ đóng cửa thị trường phiên 29/4, cho phép các hãng ô tô sản xuất tại Mỹ được miễn trừ một phần mức thuế 25% mới nhằm giúp họ có thời gian đưa chuỗi cung ứng linh kiện trở lại trong nước.

Tuy vậy, cổ phiếu nhóm ô tô không phản ứng rõ ràng trước thông tin này. Cổ phiếu General Motors giảm 0,6% dù công ty báo cáo kết quả kinh doanh quý I lạc quan, nhưng lại rút lại dự báo về triển vọng kinh doanh cả năm.

Ngược lại, nhóm cổ phiếu công nghiệp ghi nhận nhiều điểm sáng. Cổ phiếu của Honeywell tăng 5,4% sau khi công bố lợi nhuận điều chỉnh quý I tăng trưởng tốt. Cổ phiếu của Sherwin-Williams – hãng sơn nổi tiếng – tăng 4,8% sau báo cáo lợi nhuận vượt dự báo. Cổ phiếu của Coca-Cola cũng tăng 0,8% sau khi công bố doanh thu và lợi nhuận vượt kỳ vọng trong quý I/2025.

Chuyên gia Anthony Saglimbene tại Ameriprise Financial nhận định: “Các dữ liệu kinh tế hiện khá trái chiều. Sẽ rất khó để đánh giá tác động thực sự của thuế quan trong 1-2 tháng tới. Nhưng các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn đang có xu hướng cắt giảm hoặc hoãn công bố dự báo”.

Dữ liệu mới nhất cho thấy bức tranh kinh tế Mỹ đang chịu sức ép rõ rệt từ thương mại. Thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ trong tháng 3/2025 tăng lên mức cao kỷ lục, trong bối cảnh các doanh nghiệp tranh thủ nhập hàng trước khi thuế mới có hiệu lực. Chỉ số niềm tin tiêu dùng của Conference Board cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020. Dù vậy, thị trường lao động vẫn khá ổn định khi số lượng vị trí tuyển dụng không thay đổi đáng kể.

Trong tuần này, nhà đầu tư sẽ tiếp tục theo dõi nhiều báo cáo lợi nhuận, đặc biệt từ các ông lớn công nghệ thuộc nhóm “Magnificent Seven” như Apple và Microsoft, cũng như báo cáo việc làm quan trọng trong lĩnh vực phi nông nghiệp, dự kiến được công bố vào ngày 2/5 tới để đánh giá rõ hơn về tác động của chính sách thuế.

Tại Việt Nam, đóng cửa phiên 29/4, VN-Index giảm 0,5 điểm (0,04%) xuống 1.226,3 điểm, HNX-Index tăng 0,49 điểm (0,23%) lên 211,94 điểm.

Minh Trang/TTXVN (Theo Reuters)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/gia-dau-the-gioi-cham-muc-thap-nhat-trong-hai-tuan-20250430102622305.htm